Theo chuyên gia Nick Marro của The Economist Intelligence Unit (EIU), một số nước châu Á sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn do chiến tranh thương mại, trong khi số khác lại nhận được tác động tích cực trong dài hạn.
Một số nền kinh tế như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia sẽ nhận được cơ hội dài hạn trong ngành công nghệ thông tin, viễn thông cũng như sản xuất ô tô trong khi một số thị trường khác phải chịu thiệt.
Kẻ thắng trong mảng công nghệ
Báo cáo của EIU cho thấy Việt Nam và Malaysia sẽ nhận được nhiều lợi ích cho ngành sản xuất kỹ thuật thấp. Rất nhiều hãng công nghệ lớn đã đặt nhà máy tại 2 quốc gia này nên việc dịch chuyển đầu tư vào đây được đánh giá là không có vấn đề lớn.
Mảng công nghệ hiện đang thu hút được sự chú ý của chiến tranh thương mại bởi những sản phẩm này là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc sang Mỹ. Hơn nữa, chính quyền Washington cũng muốn ngăn chặn kế hoạch bành trướng "Made in China 2025" của Bắc Kinh nhằm vào phân khúc công nghệ cao.
Những nền kinh tế Châu Á hưởng lợi hay chịu thiệt trong mảng công nghệ thông tin từ chiến tranh thương mại |
Ngoài ra, việc dựng hàng rào thuế quan với Trung Quốc khiến các nhà sản xuất xe hơi Mỹ sẽ phải tìm nguồn cung mới từ những nhà máy lân cận. Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ thiết bị xe hơi nhiều nhất thế giới.
Thái Lan được dự đoán sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ mảng ô tô này khi có mối liên hệ chặt chẽ với ngành xe hơi Mỹ, Nhật Bản cũng như nhiều nước Đông Nam Á. Bởi vậy các công ty ô tô Thái Lan nhiều khả năng sẽ lấy được thị phần từ các đối thủ Trung Quốc.
Tương tự, Malaysia có hơn 800 hãng phụ tùng xe hơi cùng một mạng lưới sản xuất sâu rộng, qua đó sẽ nhận được nhiều lợi ích khi đối thủ Trung Quốc bị hạn chế bởi chiến tranh thương mại.
Những nước chịu thiệt hại
Tất nhiên, nếu có những nước hưởng lợi thì sẽ phải có những nền kinh tế chịu tác động tiêu cực. Các nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu sang Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore được dự đoán sẽ chịu thiệt trong một thời gian ngắn do chiến tranh thương mại.
Trung Quốc trước đây nhập khẩu khá nhiều hàng hóa từ 4 nền kinh tế trên và chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với những sản phẩm này. Dẫu vậy, Đài Loan và Hàn Quốc được dự đoán sẽ phục hồi nhanh chóng vì nằm ở mảng trên trong chuỗi cung ứng, chuyên sản xuất những mặt hàng công nghệ cao.
Hiện Mỹ đã đánh thuế lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa còn lại của đối tác châu Á. Đáp trả, chính quyền Bắc Kinh cũng đã đánh thuế bổ sung lên 110 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trong cuộc gặp G20 tới đây, nhiều người kỳ vọng Tổng thống Trump và người đồng cấp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc nói chuyện để đi đến một giải pháp cho cuộc chiến thương mại hiện nay. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại đang tranh cãi về kỳ vọng trên khi 2 cường quốc kinh tế thế giới thể hiện những mục tiêu xung đột lẫn nhau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.