Anh Vũ Mạnh Cường, anh Nguyễn Mạnh Hùng có hơn 30 năm cần mẫn với công việc lái tàu, mong ước lớn nhất là được bình an trên mỗi chuyến hành trình |
Đón giao thừa trong buồng lái
Trong khoang lái của chuyến tàu đêm từ Hà Nội đi Lào Cai, chúng tôi được gặp gỡ và nói chuyện với hai tay lái kỳ cựu của ngành Đường sắt, đó là anh Vũ Mạnh Cường và anh Nguyễn Mạnh Hùng (thuộc Chi nhánh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên). Hai anh đều quê ở tỉnh Yên Bái, là hai tay lái có hạng của ngành Đường sắt với hàng chục năm cần mẫn với công việc lái tàu.
Khuôn mặt rám nắng vì hơn 35 năm sương gió, anh Nguyễn Mạnh Hùng (54 tuổi) nói với chúng tôi rằng có lẽ cuộc đời mình như có sự sắp đặt và cơ duyên với nghề lái tàu. Đằng đẵng 35 năm cầm vô lăng vượt cả trăm nghìn cây số nhưng chưa bao giờ anh có ý nghĩ bỏ nghề. “Nếu cho chọn lại, tôi vẫn làm nghề lái tàu vì đó là niềm tự hào mà dường như đã ăn vào máu thịt không thể thiếu và khó thay đổi", anh Hùng tâm sự.
Sinh ra tại Yên Bái, từ những năm đầu của thập niên 80, anh Hùng đã bén duyên với ngành Đường sắt khi thi đỗ vào Trường Công nhân Kỹ thuật Đường sắt số 1, chuyên ngành về lái tàu hỏa. Sau khi tốt nghiệp, anh về công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Yên Bái từ khi những đoàn tàu hỏa còn chạy bằng động cơ hơi nước với chiếc xẻng xúc than đổ vào lò đốt.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào bước chân vào ngành Đường sắt mà nay anh đã có 35 năm công tác. Nhớ về những kỷ niệm ấn tượng, anh Hùng kể rằng suốt mấy chục năm qua chỉ có hai thời khắc khiến anh xao động khi nghĩ đến là lần đầu tiên được cầm vô lăng lái tàu và khoảnh khắc đón giao thừa trên khoang lái mỗi dịp Tết đến, xuân về.
“Tàu ngày Tết lúc nào cũng đông như hội. Người bồng bế con nhỏ, người mang thêm hoa đào, quất cảnh, túi quà, gói bánh. Dưới ga, người đi tiễn, người cười, người khóc. Trên tàu, người ta rôm rả bàn chuyện đón Tết, thăm họ hàng. Lúc đó, tôi nhớ các con, nhớ bố mẹ, nhớ vợ. Dù mình là đàn ông và làm công việc này đã 35 năm nhưng đôi lúc vẫn thấy lòng xao động. Nhưng nghề nghiệp đã chọn mình, tôi yêu công việc này. Có niềm tự hào rất khó diễn tả khi những ngày Tết như thế này là chúng tôi được thực hiện nhiệm vụ những người đưa hàng trăm, hàng ngàn hành khách khắp mọi miền đất nước được về nhà đoàn tụ”, anh Hùng xúc động.
Khi được hỏi các anh đi suốt như vậy, chị và các cháu ở nhà thì thế nào, anh Hùng suy tư một lúc rồi nói: “Vợ tôi là giáo viên. Từ khi đến với nhau, chúng tôi đã xác định tư tưởng rõ ràng, tôi làm nghề lái tàu, bôn ba đường trường, phải chấp nhận thì mới có thể đến được với nhau. Cô ấy đồng ý, chúng tôi nên duyên chồng vợ và đến nay có hai con đều đang học đại học”.
Ngồi cạnh chúng tôi là anh Vũ Mạnh Cường - người cũng có gần 34 năm kinh nghiệm lái tàu trên những chuyến tàu xuyên Tây Bắc. Khi nhắc đến đêm giao thừa, anh Cường nhìn về phía xa xăm một lúc rồi nhỏ nhẹ: “Khi kim đồng hồ chạm sang ngày mới, chúng tôi thường kéo lên một hồi còi để báo hiệu khoảnh khắc giao mùa đã đến. Ở dưới các toa xe khách, đêm giao thừa dù sao cũng có đầy đủ các anh em tổ tàu và hành khách nên bớt thấy cô đơn, còn trên đầu máy chỉ có hai lái tàu nên cảm giác buồn hơn, nhất là khi tàu chạy qua nhiều khu vực vắng vẻ, chỉ lẻ loi khi trông thấy những người gác chắn là đồng đội của mình trong giây lát nhưng cũng không thể chào nhau bằng lời”.
“Chỉ có lúc tàu vào ga nghỉ được mấy phút là gọi điện về nhà chúc Tết gia đình. Những lúc như thế, được nghe tiếng người thân, được anh em ở ga ra động viên, chúc mừng năm mới thấy ấm áp lắm. Cái nghề lái tàu vốn vậy. Nhiều năm qua, anh em chúng tôi đón giao thừa ngay trong buồng lái cũng thành quen rồi”, anh Cường bồi hồi nhớ lại.
Vững bước trên những cung đường
Những ai dù chỉ một lần đặt chân lên đầu máy, theo những người lái tàu mới thấy hết những áp lực, căng thẳng mà người lái tàu phải đối mặt. Trên ca-bin đầu máy chật hẹp, mùa hè nóng như nung, như đốt, mùa đông trên đất Bắc rét cắt da, cắt thịt, đập vào tai là cả mớ âm thanh ầm ầm, hỗn độn với tiếng bánh sắt đập, nghiến ken két trên thanh ray, tiếng còi tàu như ép vào lồng ngực, tiếng động cơ đầu máy... Quá trình ngồi trên ca-bin bám máy bám đường căng thẳng, không chỉ tập trung cao độ mắt nhìn, quan sát, tay điều khiển, miệng hô - đáp liên tục mà còn phải cho tàu chạy đúng tốc độ, thời gian quy định. Trong khi đó, đường ngang, đường dân sinh dày đặc, nguy cơ tai nạn rình rập, xảy ra không biết lúc nào.
Để điều khiển được đoàn tàu nặng hàng nghìn tấn chạy trên đường ray trong điều kiện đường ngang dày đặc quả thật phải rất bản lĩnh. Thông thường, ban lái cách biệt với toa xe khách nên dường như nỗi cô đơn luôn hiện hữu, nhất là những đêm giao thừa khi nhà nhà được quây quần bên nhau thì người lái tàu vẫn phải thực hiện nhiệm vụ một cách chính xác và kỷ luật nhất.
Để làm được điều đó, anh Hùng bật mí về bí quyết giữ gìn sức khỏe để đảm bảo công việc: “Không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả đồng nghiệp đều không uống rượu bia trước và trong lúc lái tàu. Nếu có chỉ là một chút lúc đã hết ca và luôn đảm bảo không có bất kỳ hơi bia rượu trước 6 tiếng khi làm nhiệm vụ. Mỗi chuyến tàu xuất phát và cập ga an toàn chúng tôi lại thấy như được tiếp thêm động lực, thấy vui sướng hơn…”.
Chào từ biệt các anh khi chuyến tàu đêm cất tiếng còi khởi hành. Đoàn tàu dần dần lăn bánh, chúng tôi rời khỏi sân ga. Nghĩ về cuộc đời, nghĩ những lời tâm sự chân tình của hai người lái tàu đã dành trọn đời mình để cống hiến cho ngành Đường sắt, chúng tôi bỗng cảm thấy mình trở nên “nhỏ bé” khi đứng trước những người lái tàu, những người lao động hết mình vì hạnh phúc của người khác. Họ chính là anh hùng của ngành Đường sắt Việt Nam
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.