Kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng, giảm chi phí logistics
Tháng 4/2018, Bộ GTVT đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Để cụ thể hóa các chủ trương của Hội nghị, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông với 6 nhiệm vụ tổng thể và 14 nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Nhằm tăng cường hơn nữa các giải pháp để kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng, giảm chi phí logistics, phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, Bộ GTVT đã chủ trì tổ chức hai buổi hội thảo tại Hà Nội vào ngày 02/10 và tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 05/10; đã ban hành Kế hoạch để triển khai Chỉ thị số 21 tại Quyết định số 2227/QĐ-BGTVT ngày 17/10/2018. Kế hoạch của Bộ GTVT gồm các định hướng lớn, các nhiệm vụ cụ thể thực hiện ngay và các nhiệm vụ lâu dài đối với từng cơ quan, đơn vị trong thời gian tới, bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics.
Bước đầu, các giải pháp nêu trên do Bộ GTVT triển khai đã có những kết quả tích cực nhất định và nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các chính sách.
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hoạt động logistics (LPI) 2018 của Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra (tăng 25 bậc so với hạng 64/160 của năm 2016). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32). Theo xếp hạng này, bước đầu chúng ta đã hoàn thành một trong những mục tiêu quan trọng mà Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là “Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên”.
Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tất cả 6 tiêu chí đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Các tiêu chí đánh giá tăng rất tốt là thông quan (xếp hạng 41, tăng 23 bậc), kết cấu hạ tầng logistics (xếp hạng 47, tăng 23 bậc). Các tiêu chí thời gian giao hàng (xếp hạng 40, tăng 16 bậc) và tiêu chí về các chuyến hàng quốc tế xếp hạng 49, tăng một bậc so với năm 2016). Điều này phản ánh thực trạng về cải thiện năng lực của doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực logistics, với tỷ lệ từ 15 - 20% vào năm 2015 - 2016 đã tăng lên 40 - 50% vào năm 2017 - 2018 (theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam - VLA). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Những năm qua, mặc dù kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều, tuy nhiên do sự phát triển mạnh của nền kinh tế nên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Hệ thống pháp luật về logistics tương đối đầy đủ nhưng do có sự phân tán nên chưa thực sự hiệu quả trong việc hỗ trợ và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển mạnh hoạt động logistics. Hiện nay, do sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đã được hình thành và phát triển từ lâu đời là rất lớn nên các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu là đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn như nhà thầu phụ trong dây chuyền logistics; doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt là các công đoạn còn lại từ cảng Việt Nam đến tay người tiêu dùng cuối cùng, cũng như những lợi ích tiềm năng làm gia tăng giá trị hàng hóa, dịch vụ do việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng mang lại. Do vậy, hoạt động kinh doanh logistics hiện tại nghiêng về hoạt động mua bán cước.
Tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics. Tỷ lệ này ở Việt Nam là khoảng 59 - 60%, tại Mỹ là 63,6%, tại Thái Lan khoảng 53,5%, tại Trung Quốc là 53,3%. Việc giảm chi phí vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí logistics.
Thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến hết sức rõ nét. Nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác bước đầu đã phát huy hiệu quả. Nhìn chung, sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian gần đây đã bước đầu đáp ứng yêu cầu vận tải để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước, tiến dần đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta còn chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức. Đây là rào cản lớn, “điểm nghẽn” đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm.
Hiện nay, hạ tầng vận tải đường bộ mặc dù đã được đầu tư nhiều nhất nhưng vẫn còn chậm và chưa theo kịp tốc độ phát triển lưu lượng vận tải; kết nối với các hạ tầng giao thông khác chưa tốt.
Hạn chế lớn của hạ tầng đường sắt là công nghệ lạc hậu, thiếu an toàn do sử dụng khổ đường sắt hẹp. Hạ tầng không đồng bộ và kết nối rất hạn chế nên việc sử dụng đường sắt để vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Hiện tại, đường sắt chỉ kết nối vào các bến cảng Vật Cách, Hoàng Diệu, đây không phải là các bến tiếp nhận container chính và khu bến Hoàng Diệu đang có chủ trương di dời nên khai thác thiếu sự ổn định. Các ga bốc xếp hàng hóa ở hai đầu Hà Nội (Yên Viên, Giáp Bát) và TP. Hồ Chí Minh (Sóng Thần) đều có diện tích kho bãi nhỏ, dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu. Các ga trung gian hầu như chưa thể tiếp nhận và xử lý container. Trên hành lang chính Bắc - Nam, việc kết nối vẫn dựa trên phương thức vận tải đường bộ và đường biển là chính.
Hệ thống cảng biển Việt Nam được đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như lưu thông trong nước. Tuy nhiên, các khu bến cảng hiện đại đạt chuẩn mực quốc tế rất ít. Chúng ta đã có cảng cửa ngõ quốc tế hiện đại (khu Cái Mép - Thị Vải) đón được các tàu container siêu lớn chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu đi châu Âu, bờ Đông và Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông kết nối còn thiếu, luồng hàng hải một chiều và chưa đạt chuẩn tắc yêu cầu dẫn đến số tuyến vận tải hàng hải biển xa cũng như số lượng tàu cập cảng ít, chưa đáp ứng được toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu biển xa, một phần vẫn phải qua cảng trung chuyển quốc tế.
Điều kiện để phát triển vận tải đa phương thức, trong đó phương thức vận tải bằng đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kết nối. Tuy nhiên, đường thủy nội địa được đầu tư rất ít, chủ yếu tận dụng điều kiện tự nhiên, vì thế hạ tầng đường thủy nội địa (cầu, bến cảng, luồng lạch) cũng như phương tiện vận tải và thiết bị xếp dỡ còn lạc hậu, thêm vào đó lại chịu ảnh hưởng tĩnh không thấp của các cầu trên một số tuyến đường thủy quan trọng đã làm giảm khả năng khai thác đường thủy nội địa trong chuỗi cung ứng.
Các cảng hàng không và phương tiện hàng không cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu hành khách nhưng tham gia vận chuyển hàng hóa còn rất yếu. Hệ thống kho tàng tại sân bay rất nhỏ, chưa có tuyến chuyên dụng vận tải hàng hóa.
Về kết nối giao thông quốc tế, hiện nay kết nối đường bộ với các nước ở các cửa khẩu quốc tế chính và đường thủy nội địa với Campuchia nhìn chung tương đối tốt tuy còn nhiều khác biệt về quy định pháp luật mỗi nước dẫn đến hoạt động vận tải chưa thực sự thuận lợi. Đối với đường sắt còn gặp khó khăn do thiếu vốn để xây dựng các đoạn tuyến còn thiếu thuộc tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh trên lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia. Sự khác biệt về khổ đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc đang là trở ngại đối với kết nối đường sắt giữa hai nước, đặc biệt là trên tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai kết nối với tuyến Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh kết nối về kết cấu hạ tầng giao thông, việc kết nối về thông tin cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động logistics. Tuy nhiên, hệ thống thông tin tại các cảng biển, cảng sông, ga đường sắt và các cảng cạn (ICD) ở Việt Nam còn rất lạc hậu; khó khăn cho việc kết nối phục vụ vận tải đa phương thức và logistics, đặc biệt tại các cửa ngõ quốc tế của Việt Nam chưa có EDI (trao đổi dữ liệu điện tử) để kết nối quốc tế.
Việc triển khai chưa đồng bộ giữa quy hoạch hệ thống giao thông với quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp bảo đảm tính gắn kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản phẩm, giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như phân phối hàng hóa đầu ra, làm tăng chi phí vận tải và các chi phí logistics khác.
Tính kết nối, chia sẻ cộng đồng giữa các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ vận tải nói riêng, giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics nói chung còn lỏng lẻo, tỷ lệ thuê ngoài logistics còn rất thấp (khoảng 30 - 35%). Đây là một trong những rào cản làm hạn chế sự phát triển của thị trường dịch vụ logistics nước ta.
Nhiều giải pháp mạnh để tăng cường kết nối
Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường; tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, đồng thời ứng dụng các công nghệ vận tải hiện đại và tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; giảm chi phí vận tải, logistics của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức, thực tế về dịch vụ vận tải, vận tải đa phương thức theo kịp những tiến bộ của khoa học công nghệ.
Các nhóm nhiệm vụ chính trong lĩnh vực GTVT nhằm giảm chi phí logistics, tăng tính kết nối và phát triển dịch vụ logistics bao gồm:
Hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành;
Nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch: Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics; bảo đảm các quy hoạch, kế hoạch GTVT phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng kinh tế trọng điểm và của từng khu vực, địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất;
Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics;
Phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển;
Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; đề xuất cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, huy động các nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông;
Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics;
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; phát triển sàn giao dịch vận tải, sàn giao dịch logistics;
Nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Cập nhật, cải tiến nội dung chương trình đào tạo về vận tải, logistics; áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến theo hướng đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, tăng thời gian đào tạo thực hành;
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải trên địa bàn để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải;
lTăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, đồng thời ứng dụng các công nghệ vận tải hiện đại và tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; giảm chi phí vận tải, logistics của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.