Kẹt xe Sài Gòn: Lỗi một phần tại tàu hoả?

Ý kiến phản biện 21/11/2015 15:39

“Giờ cao điểm, xe đông nghẹt. Mỗi chuyến tàu chạy qua, chỉ dừng 3 - 4 phút nhưng đủ để kéo cả dãy xe bất động. Nhiều bữa phải mất 20 phút mới qua nổi đoạn có đường sắt cắt ngang” - một người dân ngán ngẩm.

 

Điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Trần Văn Đan
Điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Trần Văn Đang, P.11, Q.3, TP.HCM thường xuyên gây kẹt xe vào giờ cao điểm (ảnh chụp chiều 20-11) - Ảnh: Hữu Khoa

Trên địa bàn TP.HCM hiện nay có hàng chục điểm đường sắt giao cắt với đường bộ. Mỗi khi tàu chạy qua các điểm giao cắt, hàng ngàn phương tiện phải xếp hàng dài chờ đợi, góp phần gây nên tình trạng kẹt xe.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trên địa bàn TP có 14km đường sắt bắt đầu từ ga Sài Gòn đến địa phận Q.Thủ Đức đi qua các quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Trên tuyến đường này có 26 đường ngang, trong đó 20 đường ngang có người gác và 6 đường ngang không người gác nhưng có cảnh báo tự động, ngoài ra còn có 1 đường ngang dân sinh.

Trên tuyến đường sắt có 4 cầu gồm Gò Dưa, Bình Lợi, Rạch Lăng và Bà Xếp, trong đó cầu Bình Lợi bắc ngang sông Sài Gòn dài 280,4m.

Theo Tổng công ty Đường sắt VN, hiện bình quân mỗi ngày có 11 đoạn tàu hoặc đầu tàu đến ga Sài Gòn và 11 đoàn tàu hoặc đầu tàu từ ga Sài Gòn đi, trong đó 5 đoàn tàu hoặc đầu tàu 
chạy vào giờ cao điểm.

Ùn ứ khi đợi tàu

18g40 tối 17-11, một đầu kéo tàu hỏa chạy cắt ngang đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), tất cả phương tiện buộc dừng lại khi barie hạ xuống. Dòng xe từ hai phía vẫn tiếp tục đổ về. Từ lúc đóng thanh chắn để đợi tàu chạy qua chỉ ba phút nhưng xe cộ trở nên đông nghẹt cả ở hai chiều.

Do trục đường Hoàng Văn Thụ có lưu lượng xe rất đông từ các hướng bùng binh Lăng Cha Cả, đường Hồ Văn Huê đổ về và từ hướng ngã tư Phú Nhuận đổ lên nên khi có đoàn tàu chạy qua, nhất là vào giờ cao điểm, giao thông bị ùn ứ kéo dài.

Ngày 16-11, từ 17g - 19g có tất cả ba chuyến tàu và đầu kéo băng qua đường Hoàng Văn Thụ. Buổi sáng từ 7g - 8g cũng có hai chuyến tàu đi qua.

“Lúc đó là giờ cao điểm, xe đông nghẹt. Mỗi chuyến tàu chạy qua, chỉ dừng 3 - 4 phút nhưng đủ để kéo cả dãy xe bất động. Nhiều bữa phải mất 20 phút mới qua nổi đoạn có đường sắt cắt ngang” - anh Nhân (ngụ Q.Tân Phú) nói.

Theo anh Nhân, do sốt ruột, nhiều người đi xe máy “nhảy” cả lên vỉa he, khiến tình trạng trở nên rất hỗn loạn.

Cách đường Hoàng Văn Thụ không xa là đường Lê Văn Sỹ. Trên đường này, tại đoạn gần ngã tư Huỳnh Văn Bánh cũng có đường sắt cắt ngang. Đây là khu vực “điểm đen” ùn ứ, nên mỗi khi có tàu chạy ngang thì giao thông càng kẹt cứng hơn.

Bà Huỳnh Thị Hai - chủ một hàng quán cạnh đường ray - cho biết: “Có hôm tàu qua chỉ vài phút nhưng hàng ngàn xe cộ phải xếp hàng dài chờ cả cây số”.

Chị Hương (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết sáng nào chị đều đi làm ngang ngã tư Bình Triệu, thường gặp một đầu tàu chạy ngang tầm 7g30.

“Giờ cao điểm xe đông, đường nhỏ, tàu chạy qua giờ đó thì dòng xe phải dừng lại vài phút, gây ra tình trạng ùn tắc khá lâu” - chị Hương nói. Chị Hương còn kể có lần xe cấp cứu hụ còi phía sau nhưng mọi người đều bất lực bởi không ai có thể tiến hay lùi được.

Điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Trần Văn Đan
Điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Trần Văn Đang, P.11, Q.3, TP.HCM thường xuyên gây kẹt xe vào giờ cao điểm (ảnh chụp chiều 20-11) - Ảnh: Hữu Khoa

Khó điều chỉnh giờ tàu

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ không chỉ gây cản trở, ùn tắc giao thông đường bộ, kẹt xe khi có đoàn tàu đi qua mà còn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc, các cơ quan chức năng thực hiện kết nối đồng bộ giữa hệ thống tín hiệu giao thông đường bộ với đường sắt trên quốc lộ 13, đường Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng - đường số 20, giao lộ Phạm Văn Đồng - đường số 25, đường Phạm Văn Đồng - Hiệp Bình, Phạm Văn Đồng - Tô Ngọc Vân.

Sở GTVT cho rằng trước mắt cần tập trung hạn chế tàu chạy vào khu vực nội thành trong giờ cao điểm. Để giải quyết căn cơ hơn, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ ga Bình 
Triệu về ga Sài Gòn.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên - trưởng ban vận tải Tổng công ty Đường sắt VN, rất khó điều chỉnh giờ tàu chạy ngoài giờ cao điểm. Nếu đổi giờ tàu xuất phát ở ga Sài Gòn sẽ ảnh hưởng đến ga Hà Nội. Việc chuyển giờ tàu đi hoặc đến để tránh giờ cao điểm mà không phù hợp sẽ tác động không nhỏ tới việc thu hút hành khách đi tàu.

Ông Tuyên khẳng định vấn đề sắp xếp biểu đồ giờ tàu chạy được nghiên cứu rất cẩn thận, có tính đến việc hạn chế tàu chạy vào giờ cao điểm qua các khu đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Ông Nguyễn Kim Lăng - nguyên phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - cũng nói trước đây số lượng tối đa các đoàn tàu khách, tàu chở hàng của ngành đường sắt chưa lớn nên có thể tổ chức các đoàn tàu tránh giờ cao điểm về ga Sài Gòn hoặc ga Hà Nội.

Hiện với 11 đôi tàu (đi và về) chạy hằng ngày đến ga Sài Gòn, chưa kể các đoàn tàu chở hàng (tốc độ chậm) kết nối giữa các địa phương trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, thì việc bố trí đoàn tàu tránh giờ cao điểm ở TP.HCM là rất khó khăn.

Do đó, trong quy trình, quy phạm thiết kế đường sắt vào các đô thị cần tính đến xây dựng đường sắt trên cao hoặc hầm vào nội ô TP. Đây là việc mà các nước trên thế giới vẫn làm và VN cũng 
phải theo quy luật này.

Giảng viên Trần Quang Hiền - khoa kỹ thuật xây dựng Trường đại học Bách khoa TP.HCM - phân tích: nếu tính thời gian cao điểm là 6g đến 8g30 sáng và chiều từ 17g đến 19g thì thời gian cao điểm trong ngày tới 4 giờ 30 phút.

Việc thay đổi giờ tàu đi (và về) để né thời gian cao điểm ở TP.HCM sẽ dồn áp lực cho thời gian đi về ở các địa phương mà đoàn tàu đi qua, đặc biệt là Hà Nội. Việc thay đổi giờ một đoàn tàu cũng sẽ kéo theo phải thay đổi toàn bộ lịch chạy tàu, thời gian, thói quen hành khách đến ga...

Đây là việc cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có thể xem xét, nghiên cứu điều chỉnh né khoảng 1 hoặc 1 giờ 30 phút trong thời gian cao điểm.

KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Cần tổ chức lại

Trái với một số đề xuất cho rằng phải đưa các trạm tàu hỏa ra khỏi nội thành, quy hoạch đường sắt cho nội thành thật ra là rất cần thiết. Nếu được đầu tư hiệu quả có thể giúp phát triển đô thị bền vững, tiện lợi cho người đi bộ và sử dụng giao thông công cộng.

Việc đường sắt giao cắt với đường bộ quá nhiều, theo tôi, không hẳn do quy hoạch trước đây kém, mà là quy hoạch phát triển giao thông và hạ tầng sau này chưa thích ứng kịp với nhu cầu phát triển mới của đô thị, đặc biệt là sự bùng nổ phát triển đô thị tại TP.HCM.

Đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm đất dọc đường sắt làm chiều rộng hành lang bảo vệ bị thu hẹp, làm giảm an toàn giao thông, gây khó khăn cho việc cải tạo tuyến đường sắt 
khi có nhu cầu.

Theo tôi, có nhiều giải pháp giúp giảm xung đột giữa giao thông đường sắt và đường bộ tại TP.HCM.

Các giải pháp có thể bao gồm: ưu tiên tổ chức giao thông khác mức (cầu vượt, hầm chui) cho các điểm tàu hỏa giao cắt với giao thông huyết mạch xuyên thành phố; tổ chức lại các tuyến giao thông xe hợp lý, sao cho ít giao cắt với đường sắt hơn; điều chỉnh giờ tàu chạy để tránh giờ cao điểm; tổ chức lại hệ thống cảnh báo tự động và camera kết hợp với người điều phối; thông tin kịp thời qua mạng hoặc qua biển báo các thời điểm tàu chạy có thể gây tắc nghẽn giao thông...

Điểm quan trọng nữa là xây dựng thêm một số ga đường sắt ở khu ngoại vi của thành phố để kết nối với các bến xe buýt hay bến xe Miền Đông và bến xe Miền Tây, cho phép trong giờ cao điểm tàu có thể tạm dừng tại các ga này để chuyển tiếp ngay sang phương tiện giao thông công cộng khác.

* Ông Nguyễn Ngọc Tường
 (phó Ban an toàn giao thông TP.HCM):

Phải nghiên cứu kỹ 
khi làm cầu vượt hay hầm chui

Việc tàu hỏa giao cắt nhiều với đường bộ, nhất là vào giờ cao điểm, đã trở thành một trong những nguyên nhân gây ùn ứ hay kẹt xe một số khu vực.

Về vấn đề này, Ban an toàn giao thông TP rất quan tâm và từng có ý kiến, trao đổi với ngành đường sắt làm sao để hạn chế tàu chạy vào khu vực nội thành vào giờ cao điểm, thời gian qua ngành đường sắt cũng khắc phục bước đầu. Đây chỉ là những giải pháp trước mắt, việc tránh xung đột giữa đường sắt và đường bộ cần được coi là giải pháp căn cơ lâu dài hơn.

Về giải pháp làm cầu vượt, hầm chui tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt có liên quan tới mỹ quan đô thị và nhiều chuyện khác.

Tôi cho rằng khi triển khai giải pháp này cần phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ hiệu quả.

N.ẨN

Có nên dời ga
 ra Bình Triệu?

Có ý kiến cho rằng để giảm kẹt xe trong nội ô TP.HCM, ngành đường sắt nên bố trí điểm dừng tàu ở ga Bình Triệu thay vì ở ga Sài Gòn.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên cho biết có nghiên cứu kỹ về vấn đề này, nhưng nếu bố trí tàu đến ở ga Bình Triệu sẽ còn làm TP.HCM kẹt hơn. Hành khách đi và đến ga Bình Triệu sẽ làm tăng lượng xe buýt, taxi đưa khách từ nội thành ra hoặc vào TP.

Bao giờ xây dựng tuyến đường sắt trên cao để giải quyết kẹt xe cho TP.HCM? Theo ông Tuyên, Tổng công ty Đường sắt đã lập xong dự án đường sắt trên cao Hà Nội, TP.HCM, vấn đề chính là chờ nguồn vốn đầu tư.

Ý kiến của bạn

Bình luận