Kh-47M2 Kinzhal không phải là tên lửa hành trình

Tác giả: khoahoc.tv

saosaosaosaosao
Sản phẩm 24/03/2018 05:23

Việc phân loại Kh-47M2 Kinzhal thuộc nhóm tên lửa hành trình phóng từ trên không như cách người Nga đang gọi không chính xác.

photo1521617278606-1521617278607245278855
 

Trong số những siêu vũ khí thế hệ mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tại thông điệp liên bang 2018 thì Kh-47M2 Kinzhal là phương tiện duy nhất đã chính thức trực chiến, biên chế cho đơn vị tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM đóng tại địa bàn Quân khu phía Nam.

Vấn đề gây ngạc nhiên nhất đối với giới quan sát tình hình quân sự quốc tế đó là tốc độ đưa "Dao găm" vào lực lượng tác chiến, vì trước đó chưa từng có bất cứ một dòng tin nào nói về việc Nga tiến hành thiết kế hay thử nghiệm Kinzhal.

Do vậy hầu như mọi nhận định đến thời điểm hiện tại đều hướng về giả thiết rằng Kh-47M2 Kinzhal chính là phiên bản phóng từ trên không của 9M723 trang bị cho tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Iskander-M.

Nhưng nếu như sự thực đúng với suy đoán, có nghĩa rằng Kh-47M2 chính là Iskander-M được đưa lên máy bay chiến đấu nhằm nâng cao tốc độ cũng như tầm bắn thì nó không thể được phân loại nằm trong nhóm tên lửa hành trình như những gì người Nga vừa giới thiệu.

Đặc trưng của tên lửa hành trình đối đất hiện đại đó là nó chỉ có tốc độ cận âm khoảng Mach 0,8 (BGM-109 Tomahawk, 3M-14T Kalibr...) nhằm thực hiện được đường bay phức tạp, luồn lách ở độ cao thấp xuyên qua các khe núi, rặng cây... để nâng cao độ bí mật khi tiếp cận mục tiêu.

Nếu tên lửa hành trình có vận tốc quá lớn thì nó sẽ tự đánh mất đi lợi thế của mình khi chẳng thể nào thao diễn linh hoạt trong một không gian hẹp mà phải bay cao để tránh chướng ngại vật, khi đó vũ khí này thậm chí còn dễ bị bắn hạ hơn tên lửa đạn đạo.

Quay trở lại trường hợp của "Dao găm", trong khi đạn 9M723 chỉ có tốc độ Mach 7 và tầm bắn 500 km thì thông số này của Kinzhal lên tới Mach 10 đi kèm tầm xa 2.000 km. Để Kh-47M2 đạt tới hiệu suất lý tưởng như trên thì chiếc MiG-31BM được cho rằng sẽ phải leo tới trần bay 20.000 m, giữ tốc độ Mach 2 rồi mới tiến hành phóng đạn.

Sau khi rời bệ phóng, Kh-47M2 Kinzhal dựa vào vận tốc ban đầu rất lớn và độ cao lý tưởng khi bỏ qua giai đoạn khởi tốc sẽ tiếp tục leo cao rồi bổ nhào để đẩy vận tốc lên cực đại, nhờ đó mà nó mới có thể chạm tới tốc độ Mach 10 cùng tầm xa 2.000 km. Nhưng nếu như vậy thì đường bay của "Dao găm" hoàn toàn là tên lửa đạn đạo chứ chẳng phải là tên lửa hành trình.

Trong quá khứ, người Mỹ cũng từng chế tạo một vũ khí tương tự như Nga đó là AGM-48 Skybolt, họ phân loại "Tia chớp bầu trời" vào dạng tên lửa đạn đạo phóng từ trên không chứ không phải là tên lửa hành trình, vì nó cũng áp dụng đường bay theo cách như đã trình bày ở trên.

Mục đích của Nga khi chế tạo và sớm đưa Kh-47M2 Kinzhal vào trực chiến có lẽ chỉ nên xem như bước đệm với mục đích phô trương thanh thế trong khi chờ đợi vũ khí siêu vượt âm thực sự là Avangard chính thức vào biên chế.

Ý kiến của bạn

Bình luận