Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã có phát biểu chào mừng Diễn đàn.
Diễn đàn do Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) và Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Nhật (VJOIN) phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 20 - 21/11/2021, với mục đích tập hợp các ý kiến đóng góp của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản và các nước khác trên thế giới nhằm tạo ra sự phát triển đột phá cho đất nước trong thời hậu dịch COVID-19.
Hơn 30 diễn giả uy tín, gần 50 khách mời là các nhân sĩ trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước như Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư Hồ Tú Bảo, bà Phạm Chi Lan, Bác sĩ - Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, 1.000 khán giả là đại diện các thành phần cộng đồng người Việt tại Nhật và các hội trí thức các nước trên thế giới sẽ cùng tham gia thảo luận, chia sẻ góc nhìn về các chủ đề mang tính thời sự.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đại diện Ban Chủ tịch Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2021 Trịnh Thành Luân cho biết, theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến đầu năm 2021, có khoảng 448 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật, trong đó ước tính có hơn một nửa là thành phần trí thức, bao gồm các học sinh, sinh viên, các nhà khoa học và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Với một cộng đồng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, Ban Chủ tịch Vietnam Summit in Japan 2021 mong muốn tạo nên một diễn đàn quy tụ trí thức Việt Nam tại Nhật Bản với mục tiêu lâu dài là xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và đất nước Việt Nam nói chung ngày càng phát triển lớn mạnh hơn. Ông Trịnh Thành Luân hy vọng Diễn đàn sẽ là nơi để tất cả mọi người cùng tham gia thảo luận và tìm ra những giải pháp cho vấn đề của từng cá nhân, từng doanh nghiệp và của cả đất nước trong giai đoạn “bình thường mới”.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam hoan nghênh và đánh giá cao quyết tâm của các thành viên cộng đồng trí thức đã cùng nhau tham dự Diễn đàn. Cộng đồng người Việt Nam đã trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, trở thành cầu nối hữu nghị cho quan hệ hợp tác giữa hai nước. Cộng đồng trí thức, chuyên gia Việt Nam có nhiều người đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học uy tín, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, y tế, giữ các vị trí như Giáo sư, Phó Giáo sư, trưởng các nghiên cứu…Cùng với lực lượng các trí thức trẻ, doanh nhân trẻ khởi nghiệp và đông đảo các du học sinh tràn đầy nhiệt huyết đang đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển của Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. “Diễn đàn rất cần sự chung tay chia sẻ của các nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nhân, giữa nhà nước vào toàn xã hội nhằm chuyển “nguy” thành “cơ”, đóng góp ý kiến thiết thực phục vụ cho sự phát triển của đất nước”, Đại sứ Vũ Hồng Nam nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Bộ KH&CN luôn đồng hành với Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản và vui mừng nhận thấy sự trưởng thành và phát triển ngày càng lớn mạnh của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, thông qua nhiều hoạt động giao lưu học thuật được tổ chức bằng các hình thức khác nhau với các nội dung rất phong phú. Trong định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-3030 và tầm nhìn đến 2045, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là đột phá chiến lược, là động lực chính góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, xác định Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới. Trong bối cảnh chung đó, Bộ KH&CN luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN, trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Bộ KH&CN đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường thu hút và tạo điều kiện cho trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài - một bộ phận không tách rời của cộng đồng tri thức Việt Nam - tham gia các hoạt động KH&CN phát triển đất nước. Bộ trưởng cảm ơn sự ủng hộ và đồng hành của các bộ, ngành luôn quan tâm và sát cánh cùng Bộ KH&CN trong các hoạt động kết nối mạng lưới trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Diễn đàn |
Phát biểu tại đầu cầu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình đóng góp cho quê hương, từ việc kết nối trong cộng đồng người Việt đến những kết nối với các đối tác, bạn bè quốc tế, tích cực phối hợp với các Đại sứ quán, các hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại các nước để tuyển chọn, quy tụ được những cá nhân xuất sắc tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Nhật Bản, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Đặc biệt, tại lễ khai mạc, VANJ đã công bố Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản năm 2021, trong đó tuyển chọn 35 bài viết của các nhà khoa học và chuyên gia người Việt Nam, Nhật Bản và người nước ngoài đã và đang công tác, học tập tại Nhật Bản về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học cơ bản, vật liệu, điện tử, robot đến các lĩnh vực ứng dụng như năng lượng, nông nghiệp, xây dựng, y sinh và chính sách. Nội dung của các bài viết tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản và những công nghệ có thể giúp giải quyết những vấn đề tồn tại ở Việt Nam.
Diễn đàn được diễn ra trong 02 ngày 20 - 21/11/2021, với phiên tọa đàm toàn thể thảo luận xoay quanh chủ đề “Việt Nam chuyển mình: Giá trị mới - cách thức mới” có sự tham dự của Giáo sư Trần Văn Thọ- Đại học Waseda, nguyên Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội; Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương; Giám đốc Mitsubishi Việt Nam Funayama Tetsu; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu.
8 phiên Tọa đàm đặc biệt về các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Chuyên đề Phụ nữ, Công nghệ, Doanh nghiệp, Năng lượng mới, E-Learning, Nông nghiệp với các chủ đề tương ứng là Góc nhìn y sinh: Làm thế nào để sống chung với COVID-19 trong trạng thái Bình thường mới; Chuyển mình sau COVID: Hành trang cần có cho sinh viên; Phụ nữ và Nhịp điệu mới; Smart City/ICT cho tương lai; Chuyển đổi số - Chìa khóa của SME trong Bình thường mới; Hệ thống năng lượng mới và sáng tạo cho phát triển bền vững; COVID-19 - Hố sâu hay là bước đệm để “cải tiến”; Phát triển nền kinh tế nông nghiệp cho đồng bằng sông Cửu Long.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.