Diễn đàn là nơi kết nối và quy tụ cộng đồng trí thức Việt tại Nhật để cùng thảo luận về những vấn đề tại Việt Nam và đưa ra những giải pháp, từ chính sách vĩ mô đến công nghệ, sản phẩm cụ thể có thể áp dụng tại Việt Nam. Diễn đàn lần này là hoạt động kết nối cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay, và là một xuất phát điểm cho hành trình của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật tạo thành mạng lưới kết nối, quan hệ tương trợ lẫn nhau trên tinh thần cùng nhau tiến bộ, thành công. Đồng thời diễn đàn cũng là một tiếng nói chung đóng góp, tham gia vào sự phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Trong bức thư gửi các nhà trí thức Việt Nam tại Nhật Bản ngày 13/11/2019, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2019, tổ chức tại Nhật Bản. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Diễn đàn là cơ hội kết nối cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản nói chung và cộng đồng các nhà tri thức nói riêng. Đây cũng là cơ hội để đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước trao đổi thông tin với cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản để cùng thảo luận về những cơ hội hợp tác, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết thêm: Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, trong đó, bao gồm hành lang pháp lý để thu hút, trọng dụng các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng bày tỏ hi vọng, các nhà trí thức, doanh nhân, sinh viên tham gia Diễn đàn này sẽ sớm cụ thể hóa các thảo luận về hợp tác tại Diễn đàn này thành các nhiệm vụ, dự án KH&CN cụ thể. Bộ KH&CN luôn sẵn sàng đồng hành để cùng triển khai các nhiệm vụ, dự án này.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Solfware, FPT cho biết: Tại Diễn đàn lần này có 957 nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu sinh, sinh viên...đang học tập làm việc tại Nhật Bản đăng ký tham dự. Hiện nay, cộng đồng người Việt trên toàn Nhật Bản, có khoảng trên 350 nghìn người Việt Nam (đông đứng thứ 3 tại Nhật Bản chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc), đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật, trong đó có khoảng 50 nghìn người là thành phần trí thức bao gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia tại các công ty hàng đầu ở Nhật cũng như những doanh nhân khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Đây là nguồn lực đặc biệt cho nền KH&CN nước nhà.
So với những năm 1990 khi cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản chỉ có trên dưới 100 người thì có thể thấy cộng đồng trí thức trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Với sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ trí thức tạo nên đòi hỏi khách quan để thành lập các hội khoa học, trí thức Việt Nam, nổi bật là VANJ, VPJ, VYSA. Sự phát triển này đặt ra nhu cầu lớn về việc xây dựng nên một diễn đàn chung, với vai trò kết nối và quy tụ nguồn tri thức dồi dào của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, từ đó đưa ra những sáng kiến giúp xây dựng, phát triển cộng đồng người Việt tại Nhật cũng như góp phần vào sự phát triển đất nước Việt Nam nói chung. Đây là cũng là động lực để 3 tổ chức VANJ, VPJ, và VYSA cùng chung tay tổ chức Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm nay.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định: lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức là lao động trí óc, mang tính sáng tạo. Đây chính là tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia. Tính đặc biệt của tài nguyên chất xám được thể hiện ở chỗ nếu biết khai thác thì hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ vô cùng to lớn, song nếu không biết cách phát huy, thì tài nguyên này sẽ chị hao mòn dần, và thậm chí bị mất đi theo thời gian. Trong suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, những người không quản ngày đêm khắc phục những khó khăn, thử thách, luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, có những đóng góp to lớn đối với xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Tại diễn đàn, các đại diện cao cấp đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các diễn giả có uy tín, như GS.TS. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, GS.TS. Hồ Tú Bảo - Viện Toán cao cấp Việt Nam, Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế độc lập, Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software, đã cùng chia sẻ về các góc nhìn vĩ mô, về những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế - xã hội Việt Nam đang gặp phải.
Trong khuôn khổ của diễn đàn 50 diễn giả và người tham gia đã cùng thảo luận về 10 chuyên đề gồm: Tính riêng tư và bảo mật: Bài toán cho Dữ liệu lớn; IoT ở Việt Nam – Bài học từ Nhật Bản; Năng lượng Điện tái tạo đối với Việt Nam; Thảo luận về hướng đi cho người Việt tại Nhật; Đóng góp trí tuệ Việt ở nước ngoài cho sự phát triển của Việt Nam; Ứng dụng Công nghệ và Vật liệu mới trong Y tế; Cách mạng Công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin Việt Nam; Việt Nam hướng tới xã hội carbon thấp: Cơ hội và thách thức; Khởi nghiệp tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức; Vai trò của Phụ nữ trong Đổi mới sáng tạo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.