Trên cương vị là nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam phát đi thông điệp mạnh mẽ tại AMM lần này, khẳng định những nỗ lực kiên định của APEC nhằm hướng tới tự do hoá thương mại và đầu tư, trong bối cảnh xuất hiện một số quan điểm trái chiều, có xu hướng phản đối toàn cầu hoá và quay trở lại xu thế bảo hộ thương mại tại một số nơi trên thế giới.
Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục xác định đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu Bô-go vào năm 2020 là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC. Thúc đẩy xây dựng các chương trình làm việc từ nay đến 2020 trong các lĩnh vực thuế quan, phi thuế quan, đầu tư, dịch vụ, quy tắc xuất xứ... để giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong khu vực.
Cách đây hơn 20 năm, tại Bô-go, Indonesia, các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC đã nhóm họp đưa ra mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư đối với các thành viên phát triển vào năm 2010 và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển. Sau hơn 20 năm thực hiện (1994-2017), mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại, đầu tư, APEC đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cả 3 trụ cột hợp tác chính như; Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế, kỹ thuật. Mục tiêu Bô-go đã trở thành định hướng cho hợp tác APEC đến năm 2020 và đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới.
Trước đó, Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế nhóm họp hoàn tất nội dung cho AMM (Ảnh Đình Tăng) |
Cụ thể, giao dịch thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ đã tăng 6,7 lần, với tổng giá trị khoảng 20 nghìn tỷ USD vào năm 2015; mức thuế quan trung bình đã giảm đáng kể từ 17% vào năm 1989 xuống còn 5,6% vào năm 2014, nhờ việc củng cố quan hệ thương mại, đầu tư, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực (RTAs/FTAs). Qua đó, chỉ số GDP năm 1989 APEC chiếm 48,9% tổng GDP của thế giới, nhưng con số này đã tăng lên mức 53,9% vào năm 2015. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2016, các nền kinh tế thành viên APEC chiếm một nửa trong 10 nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới. Tổng nguồn vốn FDI được rót vào 5 nền kinh tế thành viên APEC lớn đã đạt mức 710 tỷ USD, tương đương với 46,7% tổng FDI toàn thế giới trong năm 2016. APEC ngày càng được thế giới coi là đầu tàu kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với nhiều chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả.
Theo đó, APEC đóng vai trò quan trọng đối với sự hội nhập sâu rộng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. 78% là số vốn từ các các thành viên APEC đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hiện nay, 75% tổng lượng giao dịch thương mại hàng hóa và 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nguồn gốc từ các thành viên APEC. Hơn nữa, khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập và tu dưỡng tri thức tại các thành viên APEC. Hiện có 13 thành viên APEC là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.
Là một thành viên tích cực trong APEC, kể từ khi gia nhập diễn đàn này, Việt Nam đã và đang hòa mình vào các nỗ lực chung của APEC nhằm hoàn thành Mục tiêu Bô-go. Việt Nam đã và đang kiên định chính sách mở cửa nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đàm phán, ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA/RTA), cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế, cải cách cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, minh bạch.
Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết trong giảm thuế và gỡ bỏ hàng rào phi thuế theo đúng lộ trình đề ra trong các hiệp định FTA/RTA có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên. Các nỗ lực về tự do hoá và tạo thuận lợi cho kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cũng đã được ghi nhận, đặc biệt trong các ngành xây dựng, tài chính, giao thông... Đồng thời, tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của WTO, cải thiện quy trình mua sắm chính phủ, đẩy mạnh thực thi Luật Cạnh tranh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.