Phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ

Tác giả: Tin, ảnh: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 26/10/2017 09:48

Hôm nay (25/10), được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ KH&CN và Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, Sở KH&CN TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ” tại TP HCM.

 

Toan canh HT
Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp,…cùng nhau bàn luận và cùng tìm ra những giải pháp hữu hiệu để cụ thể hóa, triển khai trên thực tế Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Hội thảo này nằm trong chuỗi những sự kiện của tuần lễ Đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 – Whise 2017, lần đầu tiên được tổ chức.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ KH&CN có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ KH&CN. Về phía Sở KH&CN Thành phố có ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban, đơn vị thuộc Sở KH&CN TP HCM. Tham dự hội thảo, có đại diện của Sở KH&CN 6 tỉnh Đông Nam Bộ: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, và Tây Ninh. Và đại diện các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp,…

Ươm mầm khởi nghiệp

Đông Nam Bộ là một trong những vùng kinh tế động lực quan trọng, đạt tốc độ tăng trưởng cao, bền vững ở nhiều lĩnh vực, đã triển khai được nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực. Hiện, vùng Đông Nam Bộ đứng thứ 2 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới với hơn 3.370 doanh nghiệp.

Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST, hiện nay trên toàn khu vực Đông Nam Bộ có 08 vườn ươm khởi nghiệp; 03 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 16 khu làm việc tập trung. Bên cạnh đó, TP HCM cũng đào tạo phát triển ý tưởng kinh doanh, đánh giá khởi nghiệp cho 1523 cá nhân và nhóm cá nhân, kết nối 3200 cá nhân và nhóm cá nhân với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; kết nối trên 20 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; hỗ trợ đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho 37 giảng viên của 15 trường đại học để hình thành đội ngũ giáo viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ công tác vận hành vườn ươm cho 03 trường đại học trên địa bàn thành phố.

Về công tác xây dựng nền tảng, thúc đẩy sự liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, hàng loạt các sự kiện, chương trình được tổ chức nhằm mục đích liên kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước như Ngày hội khởi nghiệp, Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp, Tuần lễ khởi nghiệp ĐMST hàng năm,…Ngoài ra, để thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế và khu vực đã triển khai và kết nối với các hoạt động ươm tạo và ĐMST của Bộ KH&CN.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP HCM cho biết: Trong bối cảnh đất nước đang tìm kiếm động lực mới cho sự đổi mới và phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và hội nhập toàn diện kinh tế thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “ Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Qua đó, mô hình phát triển kinh tế bền vững là phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng KH&CN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đã ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp nhằm phấn đấu trở thành một thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực. Trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Quyết định 844 được ban hành, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Tạo lập sự kết nối bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần của hệ sinh thái gồm: cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu – phát triển, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các cơ quan truyền thông, quỹ đầu tư, và các cơ quan Nhà nước; Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp xuất phát từ nền tảng giáo dục – đào tạo về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu – phát triển, thương mại hóa sản phẩm KH&CN; Hỗ trợ nâng cao năng suất – chất lượng – năng lực đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao, chủ động nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Trong thời gian qua, với những hoạt động sôi nổi, môi trường khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ bắt đầu phát triển, nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã được tổ chức, tuy nhiên chưa có sự đồng đều giữa các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối các thành phố trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa từng tỉnh trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế.

Cần nhiều giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp

Để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ, theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cần hoàn thiện và phát triển Cổng Thông tin khởi nghiệp ĐMST Quốc gia mỗi tỉnh, thành trong khu vực, kết nối với các cổng thông tin về khởi nghiệp ĐMST của các tổ chức, thành phố, bộ, ngành; ưu tiên triển khai các hoạt động phù hợp với thực trạng khởi nghiệp ĐMST, đẩy mạnh các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành trong khu vực cũng như liên kết vùng nhằm phát huy hiệu quả cao nhất; chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn khu vực cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; định kỳ khảo sát điều tra về thực trạng khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST tại địa phương để điều chỉnh kế hoạch phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ….

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Sở KH&CN Bình Phước cho biết: Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ, cần xây dựng chương trình liên kết vùng về KH&CN; trong đó đặc biệt là nội dung về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thật cụ thể, phân công trách nhiệm của các địa phương trong quá trình thực hiện cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò của địa phương trong việc nhân rộng, chuyển giao các mô hình khởi nghiệp đã thành công; Xây dựng hệ thống dữ liệu chung của vùng về KH&CN, về tiềm năng thế mạnh của từng địa phương trong tổng thể phân công phối hợp với các địa phương trong vùng…Trong thời gian tới, ngành KH&CN cùng với các cấp, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có lộ trình hoàn chỉnh, cũng như đòi hỏi sự đầu tư xứng đáng nguồn lực từ Nhà nước và xã hội nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho các tổ chức và cá nhân khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Thanh – Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết: Thông qua hoạt động liên kết vùng Đông Nam Bộ đã và đang triển khai TPHCM sẵn sàng hợp tác, giới thiệu và chuyển giao: các mô hình/giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh sáng tạo, tái khởi nghiệp; các mô hình và kế hoạch phát triển trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo của địa phương, kèm cơ chế tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính và cơ chế phát huy nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng; các mô hình giáo dục – đào tạo – truyền thông có hiệu quả thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp; trao đổi chuyên gia cố vấn khởi nghiệp, đồng thời tìm kiếm những dự án khởi nghiệp sáng tạo, có khả năng gọi vốn đầu tư để hỗ trợ và phát triển.

Chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, một đại biểu tham dự cho biết: Chất lượng các dự án khởi nghiệp chính là thước đo quan trọng đánh giá mức độ thành công của một vườn ươm doanh nghiệp. Đại biểu nhấn mạnh 4 yếu tố, giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp. Cụ thể, cần tìm kiếm dự án tốt tham gia vào ươm tạo. Vườn ươm đã chọn dựa trên 3 nguồn chính: các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM; các cuộc thi về khởi nghiệp do Vườn ươm tổ chức; thông qua các hội thảo về khởi nghiệp, thông qua trang đăng ký online tham gia ươm tạo tại Vườn ươm.

Đồng thời, chuẩn hóa quy trình ươm tạo và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động ươm tạo; chuẩn hóa tiêu chí tốt nghiệp ươm tạo từ Vườn ươm, trong đó mục tiêu được xác định là không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng các dự án ươm tạo. Các tiêu chí để công nhận xét tốt nghiệp cho các dự án ươm tạo gồm: thương mại hóa thành công sản phẩm; sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm; kêu gọi vốn đầu tư thành công; có tiềm năng, khả năng phát triển hơn nữa trong vòng 3 năm tiếp theo.

Cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó, tập trung hỗ trợ, tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm khởi nghiệp; hỗ trợ quảng bá cho sản phẩm khởi nghiệp; vốn đầu tư, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp; chuẩn hóa hoạt động các vườn ươm, Trung tâm ươm tạo, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề như: Đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Bộ; kiến tạo, xây dựng, và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương với mục tiêu thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và xây dựng thành phố thông minh; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong điều kiện của tỉnh Bình Phước; hoạt động ươm tạo doanh nghiệp tại vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao và giải pháp nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp; khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện trạng và một vài giải pháp; hiệu quả hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp; kết nối vùng về truyền thông KH&CN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: càng làm sớm, hiệu quả càng cao; ….

Hội thảo này là một diễn đàn để các tỉnh thành Đông Nam Bộ có dịp cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp trong công tác: xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức triển khai hoạt động hỗ trợ kết nối và phát huy năng lực của các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Xác định chương trình hành động thực hiện Quyết định 844 gắn với các ngành/ lĩnh vực/ sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương; Hỗ trợ ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hình thành các sản phẩm đổi mới sáng tạo cho thị trường; Liên kết truyền thông thúc đẩy sự tham gia và đóng góp tích cực của cộng đồng khởi nghiệp. Qua đó nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận