Khám phá nghề lái xe hộ" cho người say xỉn ở Hàn Quốc

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 29/06/2019 13:52

Là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều nhất châu Á, Hàn Quốc đã nỗ lực rất nhiều để hạn chế tình trạng lái xe say xỉn. Ngoài những chính sách đánh thuế mạnh vào đồ uống có cồn hay xử phạt hà khắc lái xe say xỉn, tại Hàn Quốc còn tồn tại cả những dịch vụ “lái xe hộ” cho người uống rượu.

 

1
Giao diện ứng dụng “lái xe hộ - daeri unjeon” 

“Uber” cho người say

Giống như hầu hết những người trẻ Hàn Quốc, Kim Min-seob dành buổi tối thứ sáu của mình để “dán mắt” vào điện thoại, song không phải để anh lướt mạng xã hội, chơi game hay chát chít mà để tìm kiếm khách hàng cần thuê tài xế.

Hiện tại là 8 giờ 40 tối và Kim không giây nào rời mắt khỏi một ứng dụng có giao diện tương tự Uber, được cung cấp bởi “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc Kakao. Công việc của Kim tương tự như một tài xế Uber, chỉ có điều: Anh không có chiếc ô tô nào cả.

Công việc của Kim được gọi là “daeri unjeon” trong tiếng Hàn. Nhiệm vụ của anh là nhận các cuộc gọi từ những tài xế đã uống rượu và cần ai đó lái xe chở họ về nhà. Kim sẽ gặp khách hàng tại bất kỳ quán bar hay nhà hàng nào mà họ tình cờ đến, lái xe chở họ về nhà hoặc chỗ gửi xe rồi rời đi để tìm kiếm khách hàng tiếp theo. Dịch vụ lái xe hộ này thường có giá cao hơn taxi nhưng lại tiết kiệm chi phí đỗ xe qua đêm và giảm sự bất tiện cho khách hàng khi không phải quay lại lấy xe vào ngày hôm sau.

Vào những ngày cao điểm như tối thứ sáu, số lượng tài xế daeri unjeon tìm kiếm khách hàng rất nhiều, tạo nên một sự cạnh tranh gay gắt. Hiện tại vẫn còn sớm và Kim hy vọng một, hai giờ nữa, nhiều người uống rượu bắt đầu về nhà và hàng loạt cuốc xe đường dài di chuyển từ Seoul ra các vùng ngoại ô xung quanh sẽ tìm đến anh. Một số công ty daeri unjeon thường cử tài xế theo cặp di chuyển khắp thành phố trên một chiếc xe máy. Một người chịu trách nhiệm gặp gỡ khách hàng, lái xe đưa họ đến địa điểm. Người còn lại sẽ lái xe máy đến đón đồng nghiệp và cả hai tiếp tục di chuyển tới chỗ khách hàng tiếp theo. Làm như vậy thì các tài xế daeri unjeon sẽ phải chia đôi phần lợi nhuận của mình. Vì vậy, anh Kim thường chạy bộ hoặc đi phương tiện công cộng đến chỗ khách hàng. Tuy nhiên, hôm nay thì khác. PV Koreaexpose cho Kim đi nhờ xe và theo chân anh để tìm hiểu một buổi tối làm việc của các tài xế daeri unjeon.

Không được coi trọng trong xã hội

2
Anh Kim Min-seob đang tìm kiếm khách hàng trên ứng dụng

9 giờ 30 tối, Kim nhận được cuốc xe đầu tiên từ một người đàn ông muốn đi từ quận Mapo tới Goyang - khu vực ngoại ô TP. Seoul nơi có rất nhiều chuỗi phòng nghỉ qua đêm. Cuốc xe này không chỉ mang lại cho Kim khoản tiền 21.000 Won mà còn đem lại vận may cho anh với hai cuốc xe 15.000 Won sau đó.

PV gặp lại Kim sau cuốc xe thứ ba khi anh ta đi lên từ nhà để xe dưới lòng đất tại một chung cư cao cấp. Kim cho biết, tài xế daeri unjeon thường phải thả khách tại các gara đỗ xe dưới lòng đất, sau đó phải đi thang bộ nhiều tầng để tìm lối ra, có khi phải mất đến 10 - 15 phút. Một chuyện khó chịu khác mà nghề này thường gặp đó là việc gặp phải những khách hàng trung niên khó tính. “Vị khách mà tôi vừa chở về nhà là chủ tịch một công ty. Trong suốt chuyến đi, ông ta không ngừng dạy bảo tôi rằng ông ta đã thành công như thế nào nhờ làm việc chăm chỉ và yêu cầu tôi phải làm việc chăm chỉ hơn để vươn lên trong cuộc sống” - Kim tâm sự đồng thời lý giải lý do là bởi xã hội Hàn Quốc tồn tại một định kiến cho rằng các tài xế daeri unjeon là những người bất tài, không có năng lực để làm bất cứ công việc nào khác.

Chia sẻ với PV, Kim cho biết khoảng 90% các cuộc gọi đến với anh từ những người đã uống rượu. 10% còn lại là từ những người lười lái xe, không thể lái xe do sức khỏe có vấn đề hoặc mượn xe từ bạn và cần người trả hộ.

Những vị khách say rượu đôi khi không tránh khỏi nôn mửa hoặc có hành vi gây rối. Tuy nhiên, không giống những khách hàng đi taxi bình thường, các khách hàng daeri unjeon đang ở trong xe của chính họ, do đó ít khả năng gây rối hơn. “Tôi đã từng gặp một anh chàng nôn mửa mà phải ngậm trong miệng cho đến khi dừng đèn đỏ mới dám “xả” ra ngoài cửa sổ”, Kim vừa cười vừa nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận