Tàu hỏa qua đèo Hải Vân trên đường sắt Thống Nhất khổ 1m hiện tại - Ảnh: TUẤN PHÙNG |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam khẩn trương thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng chỉ đạo trên cơ sở ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Giao thông vận tải cập nhật, hoàn chỉnh dự thảo tờ trình của Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tổng kết 10 năm thực hiện kết luận số 27-KL/TW ngày 17-8-2008 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1-5-2020.
Trước đó, ngày 14-2-2019, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Dự án này có tư vấn lập dự án đề xuất tổng mức đầu tư 58,7 tỉ USD là rất lớn, nên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã đề cập khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp lực nợ công của nền kinh tế theo 2 phương án phân kỳ đầu tư.
Phương án phân kỳ theo chiều ngang: Đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn với tốc độ thiết kế là 350km/h.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến 24,7 tỉ USD.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến, tổng mức đầu tư là 33,98 tỉ USD.
Mặc dù được phân thành 2 giai đoạn, thực chất đây là một quá trình đầu tư liên tục.
Phương án phân theo chiều kỳ dọc: Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao và phân kỳ đối với việc đầu tư thiết bị, phương tiện vận tải và phương thức khai thác.
Theo đó, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - TP.HCM đảm bảo tốc độ thiết kế 350km/h nhưng chưa điện khí hóa, mua sắm đoàn tàu diezel để khai thác riêng tàu khách trên toàn tuyến với vận tốc khai thác tối đa 150km/h, tổng mức đầu tư là 41,980 tỉ USD.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) tiến hành điện khí hóa, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, mua sắm đoàn tàu tốc độ cao thay thế tàu diezel nhằm khai thác trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư là 17,11 tỉ USD.
Qua phân tích về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất:
Giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành vào 2030 - 2032): chuẩn bị đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng 2 đoạn (Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM).
Cùng với quá trình đầu tư xây dựng là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng thể chế để khai thác vào năm 2032.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050): tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó ưu tiên đoạn Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040 và tiếp tục hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào năm 2050.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.