Đại diện Vinasun tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm - ẢNH: HOÀNG ĐÔNG |
Mới đây, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định bổ sung kháng nghị phúc thẩm của viện trưởng VKSND TP.HCM đối với bản án giải quyết vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab.
Theo quyết định này, viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng: ngày 7-1- 2016, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã ban hành quyết định số 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng", viết tắt là đề án 24.
Một trong các đơn vị tham gia thí điểm là Công ty TNHH GrabTaxi, nay là Công ty TNHH Grab.
Báo cáo ngày 29-12-2017 của Bộ GTVT về việc tổng kết 2 năm thực hiện đề án 24 đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động theo quy định tại quyết định số 24.
Sau đó, phó thủ tướng đã đồng ý kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được ban hành và có hiệu lực.
Vì vậy có thể thấy Chính phủ đang rất cởi mở trên định hướng thúc đẩy nhanh nền kinh tế kỹ thuật số, ủng hộ những ý tưởng mới về kinh doanh mang lại những lợi ích và hiệu quả thiết thực trong việc tạo ra giá trị mới để mang lại lợi ích cho người dân.
Ngày 23-5-2018, Grab được Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 6 với ngành nghề đăng ký kinh doanh là vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt).
Như vậy, Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cho phép theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đề án 24 của Bộ GTVT, do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật
Về yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun, viện trưởng VKSND cấp cao cho rằng bản án sơ thẩm căn cứ vào chứng thư giám định của Công ty Giám định Cửu Long để cho rằng Vinasun bị thiệt hại do Grab gây ra là phiến diện.
"Thực chất sự sụt giảm doanh thu lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng..., nhưng chưa được đề cập đến trong kết luận giám định. Vì vậy Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật", kháng nghị nêu.
Về mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với hành vi trái pháp luật và yếu tố có lỗi của Grab, theo VKSND cấp cao, hoạt động kinh doanh của Grab là hợp pháp, doanh thu và lợi nhuận của Vinasun nếu có bị sụt giảm là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra.
Bản án sơ thẩm cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật và là lý do làm cho các xe taxi của Vinasun nằm bãi và không hoạt động gây thiệt hại cho Vinasun 4,8 tỉ đồng mà không xem xét đến các yếu tố khác là không có căn cứ pháp luật.
Bởi hoạt động của Grab và Vinasun chính là vận chuyển hành khách, đối tượng phục vụ là hành khách. Vì vậy yếu tố đóng vai trò quyết định đến doanh thu và lợi nhuận của cả Grab và Vinasun là chất lượng dịch vụ và sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Doanh thu sụt giảm của Vinasun (nếu có) có phần là do người tiêu dùng đã lựa chọn Grab vì sự ưu thế của nó so với Vinasun cũng như các hãng taxi truyền thống khác.
Mặt khác, căn cứ vào văn bản ngày 21-7-2017 của Bộ GTVT thì tính đến thời điểm tháng 5-2017 Bộ GTVT đã cho phép 9 đơn vị tham gia đề án 24 cùng rất nhiều hãng taxi và các phương tiện khác cạnh tranh với Vinasun trong lĩnh vực vận tải hành khách.
Việc các tài xế của Grab bị xử phạt vi phạm hành chính như không có danh sách, hợp đồng vận chuyển theo quy định, không có phù hiệu theo quy định, không niêm yết tên, số điện thoại đơn vị, vi phạm an toàn giao thông, cũng như hạn chế tồn tại của Grab trong quá trình hoạt động tại Việt Nam nếu có không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho Vinasun.
Vì vậy không thể buộc Grab bồi thường thiệt hại cho Vinasun. Sự tồn tại của Grab là phù hợp với xu hướng phát triển của nước ta hiện nay, trong những năm tới và về lâu dài. Bởi giúp người tiêu dùng được tiếp cận một sản phẩm hoàn toàn mới, không chỉ giá cước rẻ hơn mà còn chất lượng dịch vụ tốt hơn, phá thế độc quyền của taxi truyền thống.
Quy luật của nền kinh tế thị trường, ai không thích nghi được tất yếu sẽ bị đào thải. Bản thân Vinasun cũng cần phải ứng dụng công nghệ mới như Grab đang làm để thay đổi, làm mới, thu hút người tiêu dùng đến với mình, nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện dịch vụ, áp dụng công nghệ mới, giảm chi phí quản lý, giảm giá thành, tạo điều kiện cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, quyết định số 24 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, mà đơn vị thí điểm quyết định này áp dụng bao gồm Grab và các doanh nghiệp, HTX vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.
Do đó, nếu có vấn đề gì xảy ra thì Grab phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải với Vinasun. Đồng thời, do Grab không có lỗi nên không có cơ sở để buộc Grab phải chịu trách nhiệm trước Vinasun trước đề án thí điểm.
Ngày 28-12-2018, TAND TP.HCM đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng. Viện trưởng VKSND TP.HCM sau đó đã ra kháng nghị phúc thẩm cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật nhưng Vinasun không chứng minh được thiệt hại giảm sút về lợi nhuận chỉ có duy nhất do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra. Theo viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM, đây là nhận định không có cơ sở pháp luật, chưa đánh giá đúng bản chất hoạt động kinh doanh của Grab. Từ đó, viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm ngày 14-1-2019 của Viện trưởng VKSND TP.HCM về nhận định Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, không có lỗi của Grab. Đồng thời, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.