Khảo sát cung-cầu lao động để mở ngành hợp lý hơn

27/10/2016 14:19

Kết thúc mùa tuyển sinh 2016, đại diện một số trường ĐH-CĐ cho biết trong khi nhiều ngành kín chỉ tiêu thì ngược lại có một số ngành vẫn thiếu, thậm chí không mở được lớp vì quá ít thí sinh.

sinh-vien_SMVV

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dễ thấy là do thí sinh tập trung vào một số ngành cơ hội cạnh tranh việc làm cao. Đây là quy luật cung-cầu của thị trường lao động. Do đó, các trường cần có sự khảo sát, điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp để hạn chế tình trạng dư thừa nguồn nhân lực và làm việc trái nghề.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin hai phân hiệu của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận chỉ đạt 50% chỉ tiêu. Hai phân hiệu gồm các ngành: Kế toán, công nghệ thực phẩm, lâm nghiệp, nông học, thú y, quản lý tài nguyên và môi trường và ngành quản lý đất đai... Các năm trước, hai ngành quản lý đất đai và quản lý môi trường tại hai phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận thu hút lượng thí sinh theo học khá cao thì năm nay tuyển không đủ chỉ tiêu. Ngược lại, hai ngành thú y và nông học lại kín chỉ tiêu.

Theo TS Lý, sau các đợt tuyển sinh năm 2016, trường đã làm việc với các tỉnh để đánh giá lại nhu cầu địa phương cần để có sự điều chỉnh trung hạn và hằng năm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Theo đó, hai địa phương này cam kết sẽ khảo sát nhu cầu việc làm, ngành nghề cung cấp cho nhà trường để điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp.

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: kết quả đánh giá các mùa tuyển sinh những năm gần đây cho thấy ngoại trừ ngành ngân hàng đã giảm nhiệt, các nhóm ngành tài chính, kinh tế và xã hội vẫn thu hút số đông thí sinh đăng ký theo học. Ngược lại, các nhóm ngành kỹ thuật tỉ lệ thí sinh đăng ký giảm sâu.

Ông Anh đánh giá thực tế cho thấy thí sinh ngại học ngành kỹ thuật khó, công việc nặng nhọc nên chọn ngành kinh tế hoặc xã hội với tâm lý chọn công việc nhẹ nhàng hơn. Duy nhất trong nhóm kỹ thuật có ngành công nghệ thông tin số thí sinh tăng nhanh, do nhu cầu thực tế đã thu hút nhân lực ngành này mạnh mẽ.

TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng những năm trước khi các ngành kinh tế, ngân hàng, khoa học ứng dụng phát triển nóng, hút nhiều thí sinh theo học nên số thí sinh theo ngành này không nhiều. Ngược lại, trong mùa tuyển sinh năm 2016, số thí sinh đăng ký theo học ngành khoa học cơ bản lại khá ổn định dù điểm đầu vào khá cao.

TS Quang phân tích do khoa học cơ bản là ngành đặc thù nên những thí sinh đam mê khoa học thì mới mạnh dạn theo học. Riêng Trường ĐH KHTN là địa chỉ đào tạo khoa học cơ bản phía Nam nên việc duy trì các ngành này là hết sức quan trọng, thay vì chạy đua theo các ngành ứng dụng, kinh tế… Tuy nhiên, khi các ngành, ngân hàng, kinh tế, công an, quân đội, y dược đẩy điểm đầu vào lên cao sẽ khiến số thí sinh tham gia học các ngành này khan và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của trường này.

Ý kiến của bạn

Bình luận