Khen thưởng nhân viên đường sắt dũng cảm cứu người phụ nữ rơi xuống sông Lục Nam

Tác giả: Lộc Tùng

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 25/09/2023 11:51

Vừa qua, tại cầu chung Lục Nam (Km24+134 tuyến đường sắt Kép – Hạ Long), anh Chu Văn Đạt là nhân viên đường sắt đã dũng cảm cứu người phụ nữ bị rơi xuống sông. Hành động này của anh đã được lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN động viên, khen thưởng kịp thời.

Người rơi xuống sông Lục Nam được nhân viên đường sắt cứu sống - Ảnh 1.

Ông Hoàng Năm Khang (người mặc áo trắng cầm hoa), Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN và đoàn công tác khen thưởng, động viên anh Chu Văn Đại vào sáng 25/9

Sáng 25/9, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trực tiếp tới Bắc Giang kịp thời biểu dương, khen thưởng tinh thần dũng cảm, không ngại hiểm nguy của anh Chu Văn Đại, nhân viên đường sắt Cung cầu Cẩm Lý.

Trước đó, vào khoảng 7h ngày 24/9, anh Chu Văn Đại (sinh năm 1971, nhân viên Cung cầu Cẩm Lý thuộc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng), khi đang làm nhiệm vụ tuần và gác cầu, đã phát hiện bà Đặng Thị Hậu (sinh năm 1968, ở Thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang), cố tình đi xe đạp điện vào trong lòng cầu để qua cầu (hướng đi từ đầu Kép về đầu Hạ Long).

NGƯỜI RƠI XUỐNG SÔNG LỤC NAM  ĐƯỢC NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT CỨU THOÁT CHẾT - Ảnh 2.

Cầu Lục Nam cấm xe đạp và xe máy đi vào

Đáng nói, đây là khu vực đã được cắm biển báo cấm xe đạp, xe máy. 

Khi đi đến đầu nhịp 2 cầu Lục Nam, do bàn đạp vướng vào gờ cầu, bà Hậu mất bình tĩnh, loạng choạng tay lái dẫn đến ngã xuống sông Lục Nam. Nghe thấy tiếng tri hô có người rơi xuống sông, lập tức các nhân viên tuần gác cầu cùng một số người dân ra hỗ trợ vứt áo phao treo trên thành cầu xuống sông cho nạn nhân.

Cùng lúc đó, anh Đại cũng chạy tới, nhanh chóng mặc áo phao và lấy 1 đoạn dây, không quản hiểm nguy, lập tức bơi ra giữa dòng sông cứu nạn nhân đưa vào bờ an toàn.

Cầu Lục Nam (Km 24+134 tuyến Kép - Hạ Long, theo lý trình đường sắt) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng từ năm 1979, là cầu chung đường sắt dùng cho cả tàu hỏa và ô tô.

Mặc dù lòng cầu chỉ cho phép ô tô đi trong lòng cầu, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp người dân do chưa nắm rõ quy định, biển báo, cố tình đi vào lòng cầu, gây khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. 

Ý kiến của bạn

Bình luận