Khí thải từ xe cơ giới trực tiếp gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Ảnh: Hải Linh |
Hệ lụy ngay trước mắt
Hà Nội hiện có khoảng 6,5 triệu phương tiện cơ giới đăng ký lưu hành; khoảng 2 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn, trong đó khoảng 90% là xe máy. Mặc dù thời gian qua, TP đã rất nỗ lực phát triển hạ tầng; tối ưu công tác tổ chức giao thông nhưng UTGT vẫn xảy ra ở nhiều nơi do lượng phương tiện quá lớn, tăng khó kiểm soát. Không chỉ ùn tắc, lượng khí thải từ phương tiện cơ giới cũng đang đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của Thủ đô. Kết quả khảo sát cho thấy, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường.
Đáng nói, theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, Hà Nội hiện có gần 3 triệu xe máy cũ, tuổi thọ từ 15 năm trở lên. Không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ mất ATGT cho người sử dụng và người dân xung quanh, đây còn là nguồn phát thải ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng vào môi trường không khí. Tình trạng ô nhiễm với nồng độ bụi mịn cao vượt ngưỡng những ngày qua, một lần nữa cho thấy, việc chậm trễ thực hiện lộ trình kiểm soát, giảm dần phương tiện giao thông đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho Hà Nội cả về giao thông lẫn môi trường.
Năm 2017, Hà Nội đã thông qua Nghị quyết “Tăng cường kiểm soát phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030”. Hai trong số nhiều nội dung trọng tâm của Nghị quyết là hạn chế phương tiện lưu thông và kiểm định khí thải với xe máy, đến nay vẫn nằm trên giấy. Không chỉ vướng mắc về cơ chế, chế tài thực hiện, Nghị quyết còn vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ bộ phận không nhỏ người dân đã quá quen với việc sử dụng xe máy.
Cần quyết liệt hơn nữa
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, nhanh chóng có các biện pháp hạn chế xe cá nhân, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao UTGT và ô nhiễm không khí. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “TP mong muốn có thêm thời gian để phát triển hệ thống vận tải công cộng, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân rồi mới dần hạn chế xe máy lưu thông. Nhưng với tình hình hiện tại, nếu không hành động ngay, chất lượng môi trường không khí của TP sẽ có thể diễn biến xấu hơn nữa”.
Từ thực tế những ngày qua, người dân Hà Nội đã có thể nhận diện rõ nguy cơ ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nếu cứ tiếp tục sử dụng phương tiện cá nhân, phát thải khói bụi ra không khí. Chủ trương hạn chế xe máy, nhất là tại những khu vực có mật độ dân cư và giao thông cao là đúng đắn, cấp bách, vì chính lợi ích của người dân. Trong vài năm tới, lượng phương tiện giao thông của Hà Nội có thể tăng thêm hàng triệu chiếc. Đồng nghĩa với tình trạng UTGT và ô nhiễm môi trường sẽ còn trầm trọng hơn. Nếu không đồng lòng, quyết liệt thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân, người dân Hà Nội sẽ còn chật vật hơn với những hệ lụy nhãn tiền.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành T.Ư cần sớm hoàn thiện chế tài, làm cơ sở pháp lý cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước kiểm soát một cách hiệu quả khí thải từ xe máy. Trong bối cảnh đại đa số người dân vẫn phải sử dụng xe máy hàng ngày như hiện nay, biện pháp khả thi nhất là kiểm định khí thải định kỳ để hạn chế nguồn gây ô nhiễm. Càng chậm trễ đưa ra khung pháp lý, tiêu chuẩn kiểm định bao nhiêu, ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các TP lớn càng trầm trọng thêm bấy nhiêu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.