Khoa học công nghệ: “Chìa khóa” để Đường sắt cải tổ và vươn mình

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Ứng dụng 26/05/2018 15:35

So với các lĩnh vực khác của ngành GTVT, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của ngành Đường sắt còn nhiều hạn chế. Cũng dễ hiểu bởi không thể sử dụng nền tảng công nghệ số vào cơ sở vật chất đã lỗi thời, lạc hậu. Nhận thức được vấn đề đó, đứng trước yêu cầu thực tế, Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đang cho thấy sự quyết tâm để từng bước hiện đại hóa, lấy KHCN làm nền tảng để đưa Ngành thoát khỏi sự khó khăn, làm tiền đề cho những chiến lược mang tính bứt phá.

 

toa_xe_moi_2017
Toa xe khách do Công ty Cổ phần xe lửa Dĩ An thiết kế chế tạo

Hạn chế trong ứng dụng KHCN của ngành Đường sắt

Với đặc thù của ĐSVN là khổ đường đơn 01m nên để ứng dụng KHCN vào khổ đường này là tương đối khó khăn. Trong lĩnh vực bảo trì thì lại càng khó hơn khi ngoài yếu tố là khổ đường đơn, đường sắt của ta còn chạy bình hành 24/24 giờ. Ở Pháp, các chuyến tàu chạy trên đường sắt trong thời gian 19 tiếng, còn 5 tiếng dành cho công tác bảo trì. Nhiều quốc gia khác sử dụng tuyến đường đôi nên thời gian dành cho công tác bảo trì là khá nhiều so với hệ thống đường sắt nước ta. Hệ thống đường sắt đơn của Việt Nam bị hạn chế rất nhiều về năng lực thông qua và lưu lượng. Khi chúng ta phải dừng chạy tàu để cải tạo, bảo trì sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề, phá vỡ biểu đồ chạy tàu. Mặt khác, do là đường khổ đơn nên khi đưa thiết bị công trình vào sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, vấn đề chủ sở hữu cũng là rào càn không nhỏ đến việc chủ động lắp đặt, ứng dụng các thiết bị vào hệ thống đường sắt khi tài sản của đường sắt hiện nay đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Về nguyên nhân chủ quan, thực trạng đường sắt còn chậm đổi mới trong ứng dụng KHCN có thể lý giải là do sản lượng vận tải đường sắt thấp dẫn đến cơ khí đường sắt cũng thấp, khai thác trong điều kiện cơ sở vật chất lạc hậu, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện vận tải khác..., từ đó thiếu nguồn vốn để đầu tư cho ứng dụng KHCN.

Trước bối cảnh đó, để đảm bảo đời sống cho trên 26.000 CB, CNV, thực hiện cải tổ ngành Đường sắt nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng KHCN.

6 nhóm giải pháp cơ bản thúc đẩy ứng dụng KHCN

Thể hiện sự quyết tâm, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh khẳng định: “2018 được xác định là năm đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào tất cả các lĩnh vực của ngành Đường sắt, nội dung đó đã được đưa vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty. Biết là khó nhưng khó mấy cũng phải làm”.

Vừa qua, Tổng công ty ĐSVN đã thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng KHCN do đích thân Chủ tịch HĐTV Tổng công ty làm Trưởng ban, được chia thành 6 nhóm để tập trung nghiên cứu, xây dựng các phương án, giải pháp ứng dụng KHCN vào đường sắt với mục tiêu tăng năng suất lao động, tăng năng lực thông qua. Thực ra, đây là hoạt động đã được Tổng công ty thực hiện thường xuyên, liên tục, tuy nhiên hiệu quả chưa cao và còn chưa tập trung. Năm 2017 vừa qua, hoạt động KHCN tập trung vào phát triển cơ khí đường sắt và đã thu được những kết quả khả quan, thực hiện được mục tiêu đề ra.

Thời gian qua, Tổng công ty đã xây dựng 02 đề tài khoa học và đang trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt với nội dung ứng dụng đóng toa xe và ứng dụng đóng đầu máy với mục tiêu liên ngành cơ khí bởi cơ khí đường sắt hiện còn mang tính chất thủ công, lạc hậu, hiệu quả thấp. Chủ tịch Vũ Anh Minh bộc bạch: “Từ khi nhận nhiệm vụ, qua khảo sát các đơn vị cơ khí tôi nhận thấy giá thành cao đang là yếu tố phải được xem xét nghiêm túc, nó xuất phát do việc ứng dụng KHCN còn hạn chế, vì vậy sản lượng ở mức thấp, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao. Trước thực trạng đó, Tổng công ty đã phối hợp với ngành Hàng không, ngành Công nghiệp tàu thủy, học hỏi kinh nghiệm từ ngành công nghiệp ô tô để cho ra đời 6 đoàn tàu (90 toa) đã được đưa vào vận hành từ đầu năm 2018. Năm 2019, Tổng công ty sẽ tiếp tục tập trung đóng mới 6 đoàn tàu cũng như cải tạo một số đoàn tàu khác để nâng chất lượng phương tiện, đặc biệt là chất lượng về vệ sinh, độ êm thuận, sự thoải mái cho hành khách khi sử dụng dịch vụ của đường sắt”.

Tổng công ty đang nghiên cứu xây dựng hai nhà máy xe lửa Gia Lâm và Dĩ An ở quy mô tầm trung, đảm bảo có thể đóng mới các toa xe trong nước với công nghệ, hệ thống dây chuyền hiện đại, đồng bộ.

Song song với quá trình xây dựng đề án thì ĐSVN đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bán vé điện tử, được người dân đồng tình ủng hộ. Tổng công ty sẽ đánh giá lại hiệu quả của việc lắp đặt cửa soát vé tự động tại 3 nhà ga lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn để có thể nhân rộng mô hình, mang lại sự thuận lợi cho người dân, tạo thói quen, tác phong cho hành khách đi tàu. ĐSVN cũng đang phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xây dựng các kho bãi cảng cạn (ICD), từ đó ứng dụng công nghệ để lắp đặt các thiết bị xếp dỡ hiện đại, đảm bảo thời gian nhanh hơn, giá thành hạ hơn, góp phần mở rộng vùng hậu phương cho các khu ga.

Đặc biệt, Tổng công ty đang xây dựng phần mềm lõi quản trị hàng hóa, đảm bảo kiểm soát được tất cả các hàng hóa, toa xe, giúp khách hàng nắm được lịch trình, toa xe hàng hóa, từ đó chủ động trong hoạt động giao dịch. Ở cấp độ đơn vị thành viên, vừa qua Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đã ký hợp đồng với MoMo - đơn vị sẽ phối hợp với đường sắt đẩy mạnh kênh bán vé thông qua ứng dụng ví điện tử.

Xác định công tác bảo trì là hoạt động quan trọng nên ĐSVN cũng đang tập trung nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ công tác, thiết bị bảo trì để phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác bảo trì đường sắt cũng như đặt hàng đối tác những sản phẩm chất lượng.

Đối với lĩnh vực thông tin tín hiệu đường sắt, Tổng công ty đang phối hợp với nhà đầu tư Ucraina nghiên cứu, trình Bộ GTVT để thực hiện thí điểm trên đoạn Nha Trang - Sài Gòn để chạy tàu liên tiếp trong khu gian. Thay cho các thiết bị cũ, hệ thống thông tin tín hiệu mới sẽ được ứng dụng công nghệ GPS để lắp đặt các trạm định vị giúp các tàu có thể chạy kế tiếp trong khu gian, tức là trong khu gian có thể xuất hiện 02 - 3 đoàn tàu thay vì chỉ có 01 đoàn tàu như hiện nay, như vậy sẽ nâng cao được năng lực thông qua và thời gian chạy tàu.

Ngoài ra, để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong lĩnh vực cứu chữa, cứu hộ, Tổng công ty đã giao cho các phó tổng giám đốc, trưởng các nhánh, tiểu ban để nghiên cứu các phương án để đầu tư máy móc thiết bị ứng cứu trong những trường hợp như tàu trật bánh, xử lý sạt trượt…

Để nâng cao chất lượng trong công tác quản lý điều hành, Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh cho biết: “Tổng công ty đang tập trung xây dựng hoàn thiện định mức đơn giá cũng như hệ thống quy chuẩn để xây dựng phần mềm quản trị, đảm bảo hàng ngày có thể kiểm soát được kết quả hoạt động từng tàu, từng tuyến; kiểm soát được doanh thu, chi phí, có được thông tin nhanh nhất để đưa ra các quyết định, đồng thời tạo sự minh bạch hóa trong các hoạt động”

ĐSVN đã đặt được nền móng, định hướng trong ứng dụng KHCN

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN

Trong hoạt động đóng tàu mới, nếu không làm chủ được công nghệ thì chi phí mua tàu mới sẽ vô cùng tốn kém. Đầu năm 2017, ĐSVN đã xây dựng dự án để mua 02 đoàn tàu của Tây Ban Nha. Tàu của Tây Ban Nha đẹp, chất lượng tốt nhưng không phù hợp với hạ tầng đường sắt của Việt Nam, đặc biệt là giá thành rất cao. Đường sắt của Việt Nam là khổ đơn, trong khi ở Tây Ban Nha là khổ đôi, vì vậy nếu đóng tàu khổ đơn thì phải thiết kế lại từ đầu. Theo tính toán, riêng chi phí thiết kế đã lên tới 26 triệu Euro, mà với chi phí đó chúng ta có thể đóng được 5 đoàn tàu. Điều đó thôi thúc chúng ta phải đóng được tàu mới ở trong nước, liên doanh, hợp tác với các đối tác uy tín trong nước để thực hiện mục tiêu này.

Với những hoạch định, chiến lược phía trước như: Nghiên cứu cho đầu máy chạy suốt hành trình, đưa vào quản trị vận hành toa xe, cho ra đời Sàn Giao dịch Vận tải Đường sắt, mở các hướng chuyên tuyến…, ĐSVN đã đặt được nền móng, định hướng trong công tác ứng dụng KHCN, từng bước tiếp cận và hòa chung với dòng chảy công nghệ 4.0 trên toàn cầu”.

Ý kiến của bạn

Bình luận