Khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước 30/6/2023

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 21/09/2022 18:05

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, các dự án thành phần sẽ được phê duyệt trước ngày 20/11/2022 và khởi công trước ngày 30/6/2023.

Khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước 30/6/2023 - Ảnh 1.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km); sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Trong báo cáo vừa gửi đến Thủ tướng Chính Phủ về tình hình thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT và UBND hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quy chế phối hợp triển khai thực hiện các dự án.

Hiện nay, chủ đầu tư đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần để Bộ TN&MT phê duyệt trước ngày 20/10/2022; Bàn giao hồ sơ thiết kế cọc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần cho các địa phương trước ngày 20/11/2022; Phê duyệt dự án thành phần trước ngày 20/11/2022 và khởi công trước ngày 30/6/2023.

"Các địa phương đang phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023", Bộ GTVT nêu rõ.

Về việc bố trí vốn cho dự án, đối với dự án thành phần 1 và 2, Bộ GTVT cho biết, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 10 ngày 24/5/2022 cam kết bố trí 2.648 tỷ đồng để tham gia thực hiện dự án (đảm bảo tối thiểu 50% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai).

Tương tự, dự án thành phần 3, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có Nghị quyết 23 ngày 25/5/2022 cam kết bố trí 670 tỷ đồng để tham gia thực hiện dự án (đảm bảo tối thiểu 50% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn đi qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thông tin về các khó khăn, vướng mắc của dự án, Bộ GTVT cho biết, sau khi dừng chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, dự án cần xử lý chuyển tiếp nguồn vốn chuẩn bị đầu tư đã bố trí trong giai đoạn lập dự án theo hình thức PPP để tiếp tục lập dự án theo hình thức đầu tư công.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Bộ GTVT đề nghị cơ quan chủ quản dự án thành phần chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết theo các mốc tiến độ tiến độ tổng thể của dự án; phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị (chủ đầu tư, tư vấn, ban QLDA, …) và thời gian hoàn thành, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở theo dõi, giám sát tiến độ và gửi Bộ GTVT để phối hợp thực hiện.

Bộ GTVT cũng đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế đẩy nhanh công tác khảo sát thiết kế đảm bảo các mốc tiến độ bàn giao hồ sơ và cắm cọc GPMB (đợt 1 ngày 20/9/2022; đợt 2 ngày 25/10/2022 và đợt 3 ngày 20/11/2022). Đồng thời, tổ chức rà soát hướng tuyến, vị trí xây dựng nút giao, quy hoạch nút giao, dự kiến hình thái nút giao và các hạng mục có liên quan để đảm bảo kết nối thuận lợi và dự kiến quỹ đất khi đầu tư.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ giá đất, xác định hiện trạng khu vực tuyến để quản lý, đảm bảo chi phí GPMB không làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án. "Chủ đầu tư các dự án thành phần cần thống kê các công việc cần chỉ định thầu phải hoàn thành trong năm 2023 để có kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ dự án", Bộ GTVT đề nghị.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km); sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 - 8 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 - 6 làn xe ô tô cao tốc theo từng đoạn tuyến.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 519 ha, số hộ ảnh hưởng khoảng 3.130 hộ, số hộ tái định cư khoảng 2.589 hộ, nhu cầu vật liệu đắp khoảng 2,9 triệu m3. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.