Chỉ định thầu cao tốc Bắc- Nam thế nào?- Bài 1: Hàng loạt thay đổi, gỡ “nút thắt” cơ chế

Tác giả: V. Thành - M. Thành

saosaosaosaosao
Đường bộ 21/09/2022 07:59

Đấu thầu, chỉ định thầu không phải là cơ chế mới, tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định cũ thì còn nhiều vấn đề bất cập cần sửa đổi khi áp dụng triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2 (2021-2025).

Để đẩy nhanh tiến độ khi triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Chính phủ đã xây dựng cơ chế đặc biệt - chỉ định thầu. Đây được xem là "cú hích" cơ chế để sớm đưa vào khai thác, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai thực hiện cơ chế chỉ định thầu thế nào để hiệu quả cao nhất đang được các bộ, ngành xem xét, tiến hành khẩn trương.
Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Nhiều thay đổi cơ chế chỉ định thầu

Từ nay đến tháng 11/2022, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ tiến hành công đoạn lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đảm bảo tổ chức khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần vào cuối năm 2022.

Theo dự báo của giới chuyên gia, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ có những gói thầu quy mô lớn gấp nhiều lần các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Bởi, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ không chia nhỏ gói thầu nhằm thu hút được nhà thầu lớn có năng lực, kinh nghiệm thi công.

Nếu chiếu theo quy định trước đây, đối với các gói thầu xây lắp có quy mô lớn của dự án sẽ rất khó lựa chọn được nhà thầu. Bởi, để có thể tham gia, nhà thầu phải đáp ứng tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm là đã từng thực hiện các hợp đồng tương tự có giá trị ít nhất bằng 70% giá gói thầu đang xét.

Điều đó đồng nghĩa, để có thể tham gia vào một gói thầu giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng, điều kiện cần là nhà thầu đã từng thực hiện hợp đồng có giá trị 3.500 tỷ đồng. Thực tế từ năm 2017 đến nay, chỉ có 3 nhà thầu xây lắp thực hiện công trình giao thông có giá trị 2.000 tỷ đồng, 2.327 tỷ đồng và 4.670 tỷ đồng.

Để xử lý vướng mắc này, trong văn bản liên quan đến việc thực hiện cơ chế đặc thù chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vừa được gửi đến Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư số 08/2022, trong đó quy định các tiêu chuẩn đánh giá theo hướng linh hoạt, tạo thuận lợi cho nhà thầu chứng minh năng lực.

Theo Thông tư số 08/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để được chỉ định thầu trong các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, thay vì phải đáp ứng điều kiện từng thực hiện các hợp đồng tương tự có giá trị ít nhất bằng 70% giá gói thầu đang xét, nhà thầu chỉ cần đảm bảo 50% giá trị xây lắp của gói thầu đang xem xét.

Đồng thời, các công trình, hạng mục tương tự mà nhà thầu đã hoàn thành có thể thuộc một hoặc nhiều hợp đồng (hợp đồng có thể đang thực hiện, chưa thanh lý); không đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với vị trí mà pháp luật về xây dựng không yêu cầu; không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng khi tham gia dự thầu.

Thông tư số 08/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quy định, trường hợp gói thầu đặc thù mà không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu về doanh thu bình quân hàng năm, hợp đồng tương tự thì chủ đầu tư, bên mời thầu được chỉnh sửa theo nguyên tắc có thể yêu cầu về doanh thu bình quân hàng năm, hợp đồng tương tự khác với quy định của các mẫu hồ sơ mời thầu nhưng phải đảm bảo việc phân chia gói thầu là hợp lý, quy mô gói thầu không quá lớn để hạn chế cạnh tranh, nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

"Nới" quy định về tiêu chí của nhà thầu

Ông Trần Quang Tuyến - Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho biết, Thông tư số 08/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã "nới" quy định về tiêu chí yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Theo ông Tuyến, dự kiến các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ có quy mô giá trị khoảng vài nghìn tỷ đồng, nếu chiếu theo quy định cũ (nhà thầu phải thực hiện các hợp đồng tương tự có giá trị ít nhất bằng 70% giá gói thầu đang xét) thì số lượng doanh nghiệp có thể giam gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí sẽ không nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu.

"Rõ ràng, quy định mới của Thông tư số 08/2022 tạo điều kiện thuận lợi để nhiều nhà thầu có thể đáp ứng tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia vào các gói thầu quy mô lớn thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2", ông Tuyến chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) dẫn chứng: "Chẳng hạn một nhà thầu đã từng thực hiện hợp đồng gói thầu xây lắp giá trị 1.000 tỷ đồng, theo quy định mới trong Thông tư số 08/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nhà thầu này có thể tham gia vào gói thầu có trị giá 2.000 tỷ đồng, còn theo quy định cũ về đấu thầu thì nhà thầu chỉ có thể tham gia vào gói thầu khoảng 1.400 - 1.500 tỷ đồng. Rõ ràng, quy định mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tạo điều kiện và mở rộng hơn cho các nhà thầu".

Thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Giao Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ định thầu xây lắp

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119 ngày 08/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18 ngày 11/02/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 18, trong đó giao Bộ trưởng Bộ GTVT, chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Thông tư số 08/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã "nới" quy định về tiêu chí yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu

Thông tư số 08/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã "nới" quy định về tiêu chí yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu

Trước đó, tại Nghị quyết số 18 ngày 11/02/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc giao Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ định gói thầu xây lắp các dự án thành phần được xem là quyết định phân quyền nhằm rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Cùng với đó, Nghị quyết số 119 cũng sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 18 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định phê duyệt khai thác, quản lý các mỏ khoáng sản phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Mời đón đọc kỳ tới: Chỉ định thầu cao tốc Bắc- Nam thế nào?- Bài 2: Nhất cử đa lợi