Địa phương mới bàn giao 2km mặt bằng
Dự án nâng cấp, cải tạo QL14E (đoạn Km15+270 - Km89+700) có chiều dài khoảng 74 km, đi qua 3 huyện Phước Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam). Dự án có tổng mức đầu tư 1.848 tỷ đồng, do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Đơn vị quản lý dự án là Ban QLDA4.
Dự án được khởi công vào đầu tháng 3/2023, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công. Hiện nay, dự án đã được bố trí 566 tỷ đồng, trong đó có 152 tỷ đồng đền bù, GPMB, nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 1,1 tỷ đồng.
Đại diện Ban QLDA 4 cho biết, công tác GPMB được triển khai từ tháng 9/2022, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại toàn tuyến chỉ mới bàn giao mặt bằng được hơn 2 km. Cụ thể, đoạn qua huyện Thăng Bình khoảng 1km, Hiệp Đức khoảng 225m và Phước Sơn 1,2km.
"Hiện vẫn chưa thể thi công vì thiếu mặt bằng, tiến độ GPMB như vậy rất chậm so với kế hoạch, trong khi đó khối lượng công việc rất lớn. Không chỉ vướng mắc về mặt bằng, các mỏ vật liệu đắp nền phục vụ cho dự án đến nay đều bị đóng cửa do thiếu nhiều thủ tục, giấy phép khai thác", đại diện Ban QLDA 4 thông tin.
Ngoài ra, theo Ban QLDA 4, hiện nay việc lên phương án bồi thường, di dời các công trình công cộng (điện, nước) không kịp thời, dẫn đến mặt bằng đã được bàn giao nhưng không thể thi công, vì vướng các công trinh công cộng.
Trước tình trạng này, Ban QLDA4 đã kiến nghị các địa phương tăng tốc kiểm đếm, áp giá bồi thường, Trong đó, tập trung GPMB các đoạn có đất thuộc quyền sở hữu của xã, đất công và những đoạn là đất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Theo UBND huyện Hiệp Đức, hiện địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư, đơn vị thi công đoạn Km44+744 đến Km44+969 (dài 225m) để làm lễ khởi công, bãi đúc, bàn giao cầu Hiệp Đức phục vụ thi công dự án; Thực hiện xác định giá đất cụ thể tại 4 địa phương (Bình Lâm, Quế Thọ, Sông Trà và thị trấn Tân Bình); Bàn giao mốc GPMB cho các xã, thị trấn để quản lý, tổ chức họp dân thông báo chủ trương, tuyên truyền vận động nhân dân phối hợp trong công tác đo đạc, kiểm kê.
"Hiện nay, có nhiều dự án trên địa bàn nên công tác GPMB bị quá tải. Các phần việc lớn, trong khi đó nhân sự liên quan đến công tác địa chính quá ít nên không thể cùng lúc triển khai. Cùng với đó, do chưa phê duyệt hết các tờ bản đồ trích đo trên toàn huyện nên chưa xác định kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất, phê duyệt giá đất. Vì vậy, kiểm đếm xong nhưng không thể áp giá để xác định chi phí bồi thường", lãnh đạo huyện Hiệp Đức nói.
Sẽ phê bình, kiểm điểm nghiêm túc địa phương làm chậm mặt bằng
Trước những khó khăn, vướng mắc, huyện Thăng Bình kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho chủ trương về phê duyệt dự toán kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất và phê duyệt giá đất cụ thể theo từng xã; chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương di dời hệ thống hạ tầng công cộng.
Theo đó, UBND huyện Hiệp Đức đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam sớm phê duyệt bản trích đo địa chính bản đồ của các xã, để huyện có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo. UBND huyện Phước Sơn cũng kiến nghị thống nhất chủ trương cho huyện giải tỏa, di dời toàn bộ đất và nhà ở, tài sản trên đất của 5 hộ dân và một trường mẫu giáo bị ảnh bởi dự án.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam cho hay, UBND Quảng Nam đã yêu cầu các huyện có kế hoạch cụ thể khai thông cho từng đoạn tuyến theo cam kết, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các đơn vị chuyên môn khi nhận được hồ sơ liên quan đến thực hiện GPMB dự án nâng cấp QL14E phải ưu tiên xử lý trước.
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bồi thường, GPMB tái định cư. Các vấn đề phát sinh, khẩn trương báo cáo Ban Chỉ đạo GPMB giải quyết nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB kịp tiến độ.
Về với chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, ông Quang cho biết, Quảng Nam đã giao các đơn vị có liên quan, các huyện phối hợp Ban QLDA4 khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để trình HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua.
"Đây là dự án có ý nghĩa lớn đối với Quảng Nam, vì vậy các địa phương liên quan phải báo cáo 2 tuần/lần cho Ban Chỉ đạo GPMB về kết quả thực hiện. Địa phương, đơn vị nào chậm trễ sẽ có biện pháp phê bình, kiểm điểm nghiêm túc", ông Quang nhấn mạnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.