Đây là một trong số năm gói thầu xây lắp thuộc Hợp phần nâng cấp (bao gồm nâng cấp các Quốc lộ 38, 39) và nằm trong tổng số 15 gói thầu xây lắp của toàn bộ Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) trong đó có 10 gói thầu bảo trì đường bộ tập trung cho Quốc lộ 2, 6 và 48.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cầu Tràng Thưa và cầu Cống Neo trên Quốc lộ 38B thay thế cho 2 cầu cũ hiện tại được xây dựng từ những năm 80, bề rộng mặt cầu nhỏ từ 3,5-7m, tải trọng xe tối đa từ 10-13 tấn không đáp ứng được các yêu cầu giao thông vận tải hiện tại, nhất là khi toàn bộ tuyến Quốc lộ 38B đoạn Hải Dương-Hưng Yên hiện tại đã được nâng cấp cải tạo lên đường tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng (bề rộng nền mặt đường là 12m).
“Dự án được thi công, hoàn thành sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết dứt điểm 2 nút thắt đang hạn chế toàn bộ năng lực khai thác trên đoạn tuyến Quốc lộ 38 nối giữa Hải Dương và Hưng Yên qua đó kết nối đồng bộ với các tuyến quốc lộ huyết mạch phía Bắc như Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Quốc lộ 39 đi Thái Bình phục vụ tốt cho sản xuất công nghiệp, du lịch dịch vụ của các tỉnh trong khu vực đồng bằng Bắc bộ cũng như góp phần nâng cao an toàn toàn công trình đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông,” ông Huyện cho hay.
Cầu Cống Neo mới được xây dựng cách cầu cũ khoảng 640m, trong đó phần đường dẫn có chiều dài khoảng 2,7km và phần cầu có chiều dài cầu là 175m với sơ đồ nhịp 5x33m. Cầu Tràng Thưa mới được xây dựng cách cầu cũ 20m đường dẫn có chiều dài khoảng 2,3km và phần cầu có chiều dài cầu là 141m với sơ đồ nhip 4x33m.
Cầu Tràng Thưa và cầu Cống Neo được thiết kế xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tiêu chuẩn thiết kế này phù hợp với quy mô toàn tuyến Quốc lộ 38B là đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ, bề rộng mặt đường 12m.
Toàn bộ gói thầu có giá trị phần xây lắp là khoảng 292 tỷ đồng (sử dụng 100% vốn vay WB), giá trị giải phóng mặt bằng là khoảng 79 tỷ đồng (sử dụng 100% vốn đối ứng). Thời gian thi công 18 tháng, thời gian bảo hành công trình là 24 tháng.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều tuyến Quốc lộ đi qua, mật độ người và phương tiện lớn. Hiện tại, 2 cầu này chưa được xây dựng là nút thắt ùn tắc giao thông 2 đầu cầu.
“Tỉnh sẽ cam kết tạo mọi điều kiện và phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bàn giao mặt bằng để công trình được thi công theo đúng tiến độ,” ông Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đề nghị nhân dân tạo điều kiện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án. Nhà thầu huy động đầy đủ nhân lực, vật tư triển khai dự án đảm bảo an toàn lao động, đúng tiến độ, đảm bảo an toàn giao thông suốt.
Đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục đường bộ Việt Nam), tư vấn giám sát xây dựng đơn vị Tư vấn quốc tế SMEC (Australia), đơn vị thi công liên danh nhà thầu Thuận An-Đạt Phương.
TTXVN
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.