Khởi tố,bắt tạm giam tài xế tông chết người gần sân bay Tân Sơn Nhất

Đường dây nóng 12/02/2020 15:07

Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận (TP HCM) đã ra lệnh bắt để tạm giam tài xế tông chết người gần sân bay Tân Sơn Nhất và mở rộng điều tra vụ án.


 

photo-1-1581431201188427266682

Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận (TP HCM) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Trần Hoàng Phong (SN 1988, ngụ quận Gò Vấp) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Riêng đối với hành vi sử dụng bằng lái giả, dán hình mình lên bằng lái để lưu thông thì Công an quận Phú Nhuận đang mở rộng điều tra.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy rạng sáng 30-1, ông Lê Mạnh Thường (SN 1956; ngụ quận Phú Nhuận; tài xế GrabBike) điều khiển xe máy chở nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (SN 1990, ngụ quận Phú Nhuận) lưu thông trên đường Hồng Hà (quận Phú Nhuận, gần sân bay Tân Sơn Nhất). Lúc này, xe ô tô Mercedes biển số 51G-902.57 đã tông trực diện vào xe máy do ông Thường điều khiển làm ông Thường tử vong tại chỗ và nữ tiếp viên bị thương nặng.

Kết quả điều tra ban đầu xác định ôtô Mercedes biển số 51G-902.57 của ông Võ Văn P. (ngụ quận Bình Thạnh). Ông P. đã cho ông Huỳnh Chánh T. (SN 1990, ngụ đường Hồng Hà, Tân Bình) thuê lại để làm dịch vụ cho thuê xe.

Ngày 29-1, một người dùng chứng minh nhân dân tên Hà Tấn Sang (SN 1983, ngụ quận 3) thuê xe đi TP Phan Thiết, Bình Thuận. Đến rạng sáng 30-1, đối tượng đến nhà ông Thành lấy xe (trên xe chở 4 người gồm 2 nam, 2 nữ) thì gây tai nạn.

Sau khi xảy ra tai nạn, công an đã triệu tập Hà Tấn Sang lên làm việc. Tại cơ quan điều tra, chứng minh nhân dân mang tên Hà Tấn Sang dùng thuê ôtô không giống với người được triệu tập nên công an tiếp tục làm rõ.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định Phong dùng bằng lái giả mang tên Hà Tấn Sang rồi dán hình mình lên để thuê xe. Hai người đi cùng trên ôtô với Phong được xác định là Nguyễn Thuý Phượng (SN 1991, ngụ huyện Bình Chánh) và Hà Hoàng Thái (SN 1993, ngụ quận Thủ Đức).

Chị Hường đang điều trị tại Bệnh viện 175 trong tình trạng đa chấn thương đầu, bụng, vỡ xương chậu, gãy xương đùi, gãy xương ngón chân. Các bác sĩ đã chuyển chị về Phòng Hồi sức, Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện để tiếp tục theo dõi.

Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi Nguyễn Trần Hoàng Phong có phải là người cầm lái hay không? Tại sao sau hơn hai ngày xảy ra tai nạn, Phong mới được mẹ dẫn ra đầu thú, khai nhận hành vi của mình?

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người lao Động, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định: Các vụ tai nạn giao thông gây chết người đã được TAND Tối cao liệt vào những vụ không thể cho hưởng án treo. Chưa kể, khi xảy ra tai nạn, người gây tai nạn và những người trên xe phải có trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu.

"Sự vô tâm, thái độ thờ ơ, mất nhân cách của người lái xe và những người trên xe không còn gì để nói. Pháp luật cần điều tra nghiêm minh xem ai mới là người cầm lái, ai ngồi trên xe để xử lý. Đừng vì một lý do nào đó mà bỏ lọt tội phạm khiến người chết không yên lòng" - luật sư Võ Đan Mạch nói.

Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 2 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%: g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Làm chết 3 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ý kiến của bạn

Bình luận