Hàng nghìn lượt xe tải chở đá lưu thông hàng ngày khiến tuyến đường qua địa bàn thị xã Dĩ An (Bình Dương) chìm trong bão bụi. Dân cư khu vực này luôn phải hít thở không ô nhiễm.
Nhiều năm qua, quốc lộ 1K đoạn qua địa bàn thị xã Dĩ An, Bình Dương chìm trong bụi bẩn. Theo người dân, "thủ phạm" gây nên tình trạng này là những chiếc xe tải.
Ôtô tải bắt đầu hoạt động từ 4h đến 20h hàng ngày. Đây là thời gian 'chết' đối với những hộ dân hai bên đường. "Chúng tôi không những phải hít thở trong không khí ô nhiễm, tính mạng người đi đường cũng bị đe dọa khi các phương tiện đua nhau phóng nhanh, vượt ẩu", ông Trần Quang Minh, một người sống bên đường nói.
Theo người dân, trên địa bàn thị xã Dĩ An khu vực giáp ranh TP Biên Hòa (Đồng Nai) có khoảng 5 mỏ đá đang được các doanh nghiệp khai thác. Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt ôtô tải từ mỏ đá đổ ra quốc lộ 1K về Đồng Nai, Bình Dương...
Để tiếp tục với nghề bán thực phẩm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bình, ngụ khu phố Tây An, phường Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An) phải cho hàng hóa vào các túi nilon để tránh bụi. Ông Bình cho biết, cá, thịt, củ quả... được gói kỹ nhưng người mua ngày càng vắng. Nhiều khách hàng thấy thế vẫn không dám mua.
Ông Nguyễn Xuân Thanh phải tạm ngưng việc kinh doanh ở ngôi nhà mặt tiền của mình. Theo ông, những năm trước gia đình mở quán cà phê, nước giải khát, thu nhập mỗi tháng trên 15 triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây quán chìm trong bụi, khách không đến, họ buộc phải đóng cửa.
Bề mặt quốc lộ qua khu vực thị xã Dĩ An luôn có lớp "thảm" đất, cát và đá dăm...
Ôtô có tải trọng lớn lưu thông liên tục khiến tuyến đường xuống cấp. Nhiều khu vực bị cày nát, lớp đá nền trồi lên và xuất hiện ổ gà nguy hiểm.
Chung cảnh ngộ, đường Đinh Quang Ân (xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cũng chìm trong bụi. Tuyến này nối quốc lộ 51 với đường Võ Nguyên Giáp qua địa bàn và là đường huyết mạch ra vào khu mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân). Nhà cửa, cây ven đường nơi đây bị phủ lớp bụi xám.
Một người dân sống gần giao lộ Đinh Quang Ân - quốc lộ 51 cho biết, cứ 15 phút, anh phải tưới nước lên mặt đường để hạn chế bụi.
Để giảm bụi, các doanh nghiệp khai thác đá dùng xe bồn tưới nước lên mặt đường nhưng không có kết quả. "Mùa khô, xe chạy nhiều, nên 10 phút sau khi tưới đường lại bốc bụi mù. Nếu muốn chấn chỉnh tình trạng thì chủ mỏ đá phải tạo đường ngập nước gần khu mỏ để rửa bánh xe, đồng thời che chắn tránh đá rơi vãi và thường xuyên rửa đường thì mới hạn chế ô nhiễm", ông Nguyễn Xuân Thanh nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.