Không có căn cứ xử lý người giải cứu nữ nhân viên hàng không

Ý kiến phản biện 21/10/2016 13:13

Theo luật sư hành vi can ngăn nhằm triệt tiêu sự hung hãn, sức khỏe nữ nhân viên sân bay không có dấu hiệu tội gây rối trật tự công cộng.

danh_nhan_vien_VNA
Nam hành khách đánh ông Tùng để cứu nữ nhân viên Vietnam Airlines. Ảnh: Cắt từ clip An ninh sân bay Nội Bài.

Liên quan đến vụ nữ nhân viên Vietnam Airlines bị hành hung, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết cơ quan này đang xác minh danh tính người có hành vi đánh ông Trần Dương Tùng nhằm giúp đỡ chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh.

Theo ông Phương, về tình, có thể hiểu người đàn ông bức xúc việc nữ nhân viên bị đánh nên can thiệp. Nhưng về lý thì hành động này có thể làm phức tạp hơn tình hình.

“Nếu xác minh được, chúng tôi cũng xem xét làm rõ luôn hành khách kia về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vụ việc để các cấp có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở quy định pháp luật. Nếu ai cũng ra can thiệp theo cách như vậy thì dễ thành đánh lộn đông người, náo loạn địa bàn nhạy cảm như sân bay”, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc nói với báo chí.

Ý kiến trên nhận được nhiều bình luận trái chiều. Bên cạnh những bình luận đồng tình, không ít độc giả cho rằng hành động giúp đỡ của người đàn ông xuất hiện trong clip là cần thiết, đáng biểu dương. Việc xử lý anh này là trái luật.

Có cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định không có căn cứ để xử lý hành chính hoặc hình sự tội Gây rối trật tự công cộng đối với người giúp đỡ nữ nhân viên hàng không.

Theo quan điểm luật sư, hành vi Gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi của người có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự, hoặc là những hành vi càn quấy, hành hung người khác (không gây thương tích), gây lộn ở công viên, rạp hát, vườn hoa, quảng trường, sân bay, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học…

Người phạm tội Gây rối trật tự công cộng được thực hiện với lỗi cố ý và nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra.

Trong vụ việc này, hành vi của người đàn ông đánh ông Tùng nhằm ngăn chặn người đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nữ nhân viên sân bay.

“Mọi công dân đều có quyền ngăn chặn người có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác”, luật sư Thơm nói và nhận định hành động ngăn chặn bằng cách đánh lại ông Tùng nhằm triệt tiêu sự nguy cấp đến tính mạng người khác không có dấu hiệu Tội gây rối trật tự công cộng. Do đó, không có căn cứ để xử lý hành chính người này về hành vi nêu trên.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn này không tương xứng, quá mức cần thiết xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác (tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên) thì người thực hiện hành vi có thể sẽ bị xem xét xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Còn hành vi của 2 hành khách đánh nữ nhân viên sân bay có dấu hiệu xâm hại đến 2 khách thể Bộ luật Hình sự bảo vệ, là sức khỏe con người và an ninh trật tự nơi công cộng.

Trong trường hợp nữ nhân viên hàng không không yêu cầu xử lý người hành hung và từ chối giám định thương tích, thì các cơ quan pháp luật vẫn có thể xử lý 2 hành khách liên quan về hành vi Gây rối trật tự công cộng vì gây mất trật tự chung, làm náo loạn sân bay.

Lúc 14h ngày 18/10, hai hành khách tên Trần Dương Tùng (32 tuổi) và Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi) đi trên chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội - TP.HCM đã xô xát với nữ nhân viên Vietnam Airlines tại nhà ga T1.

Chứng kiến sự việc, hai người đàn ông đã vào can ngăn. Một người không cho hai hành khách hành hung nữ nhân viên, người còn lại đã đạp, đấm trúng ông Trần Dương Tùng - người cầm ví đánh trúng nữ nhân viên sân bay.

Sau đó, lực lượng chức năng có mặt đưa ông Tùng, ông Thuấn về phòng trực ban. Nữ nhân viên được đưa vào bệnh viện thăm khám.

Ngày 20/10, Sở GTVT Hà Nội có văn bản yêu cầu Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xác minh việc cán bộ thanh tra Đào Vịnh Thuấn hành hung nữ nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài chiều 18/10.

Nói với Zing.vn trưa cùng ngày, ông Thuấn khẳng định chỉ là người can ngăn, không tham gia đánh chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh, Phó đội trưởng đội Dịch vụ hàng không chuyến bay đi.

Ít giờ sau, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 10/2016.

Cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam đã đã ký quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với ông Tùng, cấm vận chuyển hàng không 6 tháng đối với ông Thuấn.

Ý kiến của bạn

Bình luận