Không có chồng chéo giữa Ban quản lý - khai thác Cảng và Cảng vụ

Tác giả: PV (Tổng hợp)

saosaosaosaosao
Chính trị 18/08/2015 15:22

Sáng 18/8, Thường vụ Quốc hội thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi

cang-bien-cai-mep-thi-vai-1117
Ban quản lý và khai thác cảng được đánh giá là điểm đột phá của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Ngay sau đó, Ủy ban pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH; đồng thời, tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế ở một số cảng biển, cơ quan, doanh nghiệp… nghe đối tượng chịu tác động trực tiếp báo cáo, kiến nghị, để trên cơ sở đó, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo luật này, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT cũng như của Ủy ban Pháp luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đưa được nhiều điểm mới vào dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn tồn tại những điểm cần được góp ý, bổ sung.

Bắt giữ cướp có vũ trang: Cảnh sát biển gặp khó vì vướng luật

Tại buổi thảo luận, Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự luật chỉ giới hạn nên phần lớn vấn đề liên quan an ninh hàng hải chưa được điều chỉnh.

Bắt giữ cướp có vũ trang- Cảnh sát biển gặp khó vì
Ảnh minh hoạ

“Nhiều vấn đề trên biển hiện nay chưa được luật điều chỉnh nên chúng tôi thấy khó khăn như việc bắt giữ. Tôi lấy ví dụ cướp có vũ trang, Tổ chức chống cướp biển. Cướp có vũ trang ở Việt Nam xếp thứ 3 trong châu Á. Điều đó cho thấy vấn đề an ninh liên quan đến hàng hải rất đáng quan tâm”, ông Nguyễn Quang Đạm cho biết.

"Hay chuyện tạm giữ tàu. Hiện pháp luật mới chỉ nói đến trường hợp Cảnh sát biển làm việc này khi có yêu cầu và phán quyết của tòa án. Nhưng trên thực tế có rất nhiều yêu cầu của các công ty, tổng công ty tạm giữ tàu với lý do tranh chấp, không giữ thì tàu chạy ra nước ngoài mất. Nhưng bộ luật này chưa điều chỉnh, mà các luật khác cũng chưa có", ông Nguyễn Quang Đạm nói.  

Tư lệnh Cảnh sát biển nhấn mạnh bộ luật cần được điều chỉnh rộng hơn để sau này không phải tiếp tục điều chỉnh, mở rộng, và để các lực lượng chấp pháp như Cảnh sát biển hoạt động hiệu quả hơn. 

Không có sự chồng chéo giữa Ban quản lý - khai thác Cảng và Cảng vụ

Một vấn đề nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận là liệu quy định về Ban quản lý và khai thác và cảng vụ có chồng chéo nhau hay không?

Trưởng Ban Dân nguyện QH Nguyễn Đức Hiền hỏi về tổ chức, quan hệ với các cơ quan khác, cũng như để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc muốn biết sự phân biệt tính chất quản lý nhà nước và kinh doanh giữa cơ quan mới này và cảng vụ đã có từ lâu. 

Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Ngô Đức Mạnh chưa rõ chính quyền cảng và chính quyền địa phương có bị trùng lắp không, vì ông Mạnh nghĩ Bộ Giao thông Vận tải muốn làm theo mô hình của Nhật Bản.

Giải thích trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hôi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định không có sự chồng chéo ở đây.

“Ban quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với các cảng vụ. Cảng vụ có nhiệm vụ quản lý tàu ra tàu vào, làm nhiệm vụ cấp phép tàu vào, tàu ra. Ban quản lý và khai thác cảng không làm nhiệm vụ này, mà quản lý về quy hoạch, về đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển… để trong cùng một khu vực thì đầu tư cảng có hiệu quả, không bị chồng chéo ”, Bộ trưởng nêu rõ.

"Ta tham khảo những điểm mà các nước đã làm thành công chứ không áp dụng mô hình cụ thể của Nhật hay của ai. Nhưng mô hình này chính là điểm đột phá và mới ở dự thảo này", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Đinh La Thăng phát
Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Phiên họp cũng thảo luận, giải trình những vấn đề như: cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; thanh tra hàng hải; tàu biển; đăng kiểm tàu biển; cảng biển; ban quản lý và khai thác cảng… 

Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), trong đó đáng chú ý là quy định về quyền chuyển đổi giới tính và đặt tên không quá 25 chữ.

Ý kiến của bạn

Bình luận