Trao đổi với Tạp chí GTVT, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung khẳng định: Vì đang trong thời gian chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT nên Đà Nẵng chưa cho phép GrabCar hoạt động chứ không phải "cấm cửa". Nhận thấy điều kiện TP chật hẹp, dân số chưa đông đúc như TPHCM hay Hà Nội; các loại hình vận tải khác đủ đảm bảo nhu cầu của người dân nên Đà Nẵng đang trình xin chưa cho phép hoạt động GrabCar trong thời gian này vì thực sự chưa đòi hỏi cấp thiết. Chứ không phải là "không cho" như một số báo chí nêu, cách nhìn như vậy là hoàn toàn sai quan điểm của TP. Nếu Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo là cần phải thí điểm ngay thì địa phương chúng tôi sẽ thực hiện ngay. Thời gian này TP đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì đương nhiên GrabCar chưa được hoạt động.
Mấy ngày qua, có một vài báo đã viết sai quan điểm của TP Đà Nẵng rằng: "Đà Nẵng "ngăn sông cấm chợ" GrabCar" ; "Đà Nẵng từ chối dịch vụ Grab Car: Hiệp hội tính khởi kiện". Câu chuyện đã được "vống" lên qua sự "nhào nặn của tưởng tượng" chứ thực chất Đà Nẵng không hề "cấm cửa" hay là "không cho" mà chỉ là đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương nên "chưa cho phép" Grab Car hoạt động.
Đại diện người trong cuộc đã lên tiếng: “Đến thời điểm này ban lãnh đạo Công ty Grab chưa đưa ra quan điểm gì. Vì vậy không hiểu sao có thông tin chúng tôi sẽ kiện các cơ quan chức năng của Đà Nẵng trong thời gian tới. Có phải ai đó cố ý tung thông tin để gây thất thiệt?”- Bộ phận marketing Công ty Grab tại TP.Đà Nẵng bức xúc.
Rất nhiều các chuyên gia và nhân dân khi chúng tôi đề cập tới đều cho rằng Đà Nẵng chưa cho thí điểm và ngăn chặn Grab, Uber là hợp lý. Các quan điểm đều đồng tình nhận định: Mới thí điểm nên Đà Nẵng có quyền từ chối, khi nào có quy định rõ ràng thì cho phép vẫn chưa muộn. Rất nhiều nước phương Tây cũng cấm và hạn chế loại hình này rồi. Nếu cứ thả cho hoạt động ồ ạt khi chưa có luật định phù hợp thì nếu có chuyện gì xảy ra, ai sẽ dám đứng ra để bảo vệ người tiêu dùng? Ai sẽ đứng ra bảo vệ cơ sở hạ tầng thành phố và giải quyết bài toán giao thông phát sinh bất thường này? Nếu không siết chặt thì Grab sẽ lấy giá rẻ để đè chết taxi truyền thống. Sau khi taxi truyền thống bị khai tử thì sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, tăng giá, lúc đó người dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt. Vì vậy chính quyền thành phố Đà Nẵng bình tĩnh, xem xét kỹ và thận trọng là cần thiết.
Trước thông tin về việc UBND TP.Đà Nẵng từ chối thí điểm ứng dụng GrabCar, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Công an, Sở Thông tin-Truyền thông (TTTT), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) địa phương có biện pháp ngăn chặn ứng dụng và các xe ô tô hoạt động đón khách theo GrabCar. Ngày 19.10.2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 1850/TTg-KTN gửi các Bộ: Công an, GTVT, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, TTTT… để truyền đạt ý kiến của Thủ tướng: Đồng ý cho phép triển khai ứng dụng điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh và Đà Nẵng trong thời gian 2 năm.
“Bộ GTVT chỉ cho phép triển khai thí điểm GrabCar ở một số nơi, trong đó có Đà Nẵng mà không triển khai đại trà. Việc thí điểm này chỉ diễn ra trong hai năm (từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018) để đánh giá kết quả. Như vậy, Đà Nẵng chỉ là địa phương được Bộ cho phép triển khai thí điểm chứ không phải là “bắt buộc” Tp. Đà Nẵng “phải” triển khai loại hình kinh doanh vận tải hành khách này. Hay nói cách khác, Bộ GTVT chỉ mới cho phép “thí điểm” nghĩa là bên cạnh những ưu điểm đã thấy vẫn có thể có những khuyết điểm, tồn tại mà qua quá trình triển khai mới bộc lộ. Với mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân, lợi ích chung và lâu dài của toàn xã hội, không để phát sinh những tồn tại, bất cập không đáng có trên địa bàn, TP mong muốn việc áp dụng loại hình kinh doanh này sau khi Bộ GTVT, các cơ quan có liên quan đánh giá kết quả và có quy định cụ thể. Hiện nay TP đang chờ ý kiến của Bộ GTVT cũng như các văn bản quy định cụ thể hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng GrabCar để giao các sở, ngành liên quan làm việc với Công ty TNHH GrabTaxi triển khai thực hiện"- Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung phân tích cụ thể.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho hay, vừa qua Chính phủ cho phép thí điểm GrabCar tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Theo đó, các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để triển khai, chứ Bộ GTVT không ép buộc.
"Qua đó, rõ ràng nếu Đà Nẵng muốn triển khai thí điểm thì giữa thành phố và Grab phải có sự thống nhất với nhau để thực hiện. Ngược lại, Đà Nẵng xét thấy thời điểm hiện nay chưa thích hợp để triển khai thí điểm dịch vụ GrabCar, đó là quyền quyết định của Tp.Đà Nẵng, quy định thí điểm là không cứng nhắc. Vì việc thí điểm bao giờ cũng có cái tốt và có cái chưa phù hợp với từng địa phương. Vậy nên các cơ quan chức năng Tp.Đà Nẵng có quyền đưa ra lựa chọn phù hợp cho mình” ”- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.