Phản ứng trái chiều vụ Grab 'dụ' khách bán xe máy đi xe ôm

Ý kiến phản biện 24/12/2016 04:32

Câu chuyện "dụ" khách hàng bán xe máy không nhận tiền mặt mà được trả bằng mã tín dụng để đi xe ôm theo hình thức trừ dần tiền của Grab đang nhận khá nhiều phản ứng ngược từ khách.

 

Phản ứng trái chiều vụ Grab 'dụ' khách ba
Nhiều hành khách phản ứng ngược về chiến dịch "người đi Grab bán xe cho GrabBike" Ảnh: OiVietnam

Với những thông tin đưa ra gần đây, hãng tiến hành mua lại một loạt xe máy cũ từ khách hàng, để nâng cấp và chuyển cho tài xế của mình. Theo thông báo, đây là một hoạt động giúp các tài xế có cơ hội được nâng cấp phương tiện làm việc với giá ưu đãi.

Khách phản ứng ngược

Hãng này cũng cho biết cơ sở giao dịch được thực hiện dưới sự thỏa thuận của cả hai bên. Giá trị xe sau khi thỏa thuận sẽ được quy đổi thành mã tín dụng, cho phép người bán toàn quyền sử dụng mã này khi dùng dịch vụ di chuyển xe ôm công nghệ. Tương đương với việc người bán xe sẽ được sử dụng dịch vụ cho đến khi... trừ hết giá trị của chiếc xe đã bán. 

Điều đó đồng nghĩa khách hàng thay vì tự chạy xe thì có thể sử dụng mã GrabBike để được đưa đón đi lại bằng dịch vụ vận chuyển công cộng.

Tuy nhiên, dù chỉ mới đưa ra cách đây hơn tuần nhưng chiến dịch này lại nhận được nhiều phản ứng, nhất là từ những thành viên đã sử dụng dịch vụ của hãng. Một trong số đó là sự mâu thuẫn trong mục đích đưa ra và cách thực hiện.

Nhận xét về ý tưởng này, hành khách M.H, thành viên thường xuyên của GrabBike, cho biết nếu hãng đưa ra việc hạn chế xe máy để giảm thiểu ô nhiễm vì môi trường xanh và thu hồi xe cũ thì hợp lý. Tuy nhiên, hãng lại đi làm việc là hạn chế xe máy cá nhân để... đi xe máy dịch vụ.

“Mình thấy đây là một chiêu PR không hiệu quả, vì ngay mục đích đưa ra đã mâu thuẫn rồi”, M.H khẳng định.

Nhiều ý kiến khác lại bày tỏ hoài nghi về câu chuyện ai được lợi sau chiến dịch này. Hầu hết đều cho rằng đây là chiêu nghiên về phần lợi ích cho Grab Bike, còn người sử dụng thì chưa hẳn.

“Chương trình này giúp Grab ngày phát triển và tăng thêm lượng vốn khổng lồ nhờ chi phí trả chậm thông qua các mã ảo đi xe dần dần", hành khác H.H phân tích.

Nhiều hành khách khác cũng khẳng định chuyện bất lợi của người bán xe. Với hình thức này, người bán xe sẽ phải chịu thua thiệt. Bởi khi xài mã ảo vào giờ cần đi nhất, đồng nghĩa với thời điểm giá tăng 2-3 lần, không khác gì chuyện khách hàng đang bán xe rẻ đi 2-3 lần.

“Thay vì nhận được tiền mặt khi bán xe thì khách hàng chỉ nhận được một mã tín dụng ảo, không quy đổi thành tiền thật. Tất nhiên hết số tiền tín dụng đó thì phải bỏ tiền túi ra mà đi. Vậy thì chắc chắn không ai muốn bán”, một hành khách nói.

Một so sánh thực tế về chiến dịch này từ hành khách có tên H.H: “10.000 đồng đổ xăng đủ để đi 20 km. Tuy nhiên với 20 km của Grab thì chưa chắc có giá đó. Vậy thì ai muốn đổi xe ?”, bạn H.H phân tích.

Bán xe đổi lấy mã tín dụng

Trao đổi với Zing.vn, đại diện GrabBike cho biết hình thức thanh toán duy nhất của chương trình “Người đi Grab bán xe cho cho GrabBike” là bằng mã tín dụng đối với việc thu mua xe máy cá nhân.

Đại diện này khẳng định mục đích chính là hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích giao thông công cộng.

“Khi xe máy cá nhân được thu mua và chuyển đổi thành xe GrabBike, hiệu quả phục vụ hành khách được nâng lên, chở được nhiều lượt người hơn mà không cần tăng lượng xe đăng ký mới. Người dân không cần dùng xe máy cá nhân nữa mà đã có xe công cộng phục vụ cho hành trình di chuyển mỗi ngày.

Như vậy, lượng xe không tăng nhưng lại phục vụ được nhiều người, góp phần giảm xe máy cá nhân, qua đó góp phần giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm”, đại diện hãng cho hay.

Ý kiến của bạn

Bình luận