Không có chuyện phí đào tạo bằng lái xe lên tới 30 triệu đồng

Ý kiến phản biện 27/02/2020 16:39

Nhiều người có nhu cầu đi học bằng lái xe đang rất hoang mang và lo lắng trước thông tin đề cập tới mức phí đào tạo dành cho học viên ở các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe tăng lên gấp 2-3 lần.

 

bang_lai_xe
Học viên đang học sa hình tại một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trước thông tin phản ánh học phí đạo tào lái xe tăng gấp 2-3 lần (lên đến 30 triệu đồng) sau khi sau khi Thông tư 38 có hiệu lực, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các Trung tâm hay cơ sở đào tạo sát hạch giấy phép lái xe khẳng định, điều này là không đúng.

Không có chuyện "bắt tay" tăng giá

Là đơn vị đào tạo sát hạch giấy phép lái xe, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), chỉ ra thực tế Trung tâm chưa tăng giá học phí đào tạo lái xe mà chỉ điều chỉnh dần về mức phí thực của việc đào tạo bằng lái xe.

“Trước đây, việc tuyển sinh đào tạo học viên lái xe cạnh tranh nên một số trung tâm đưa ra mức giá 3-4 triệu đồng, sau đó quá trình học thu lên. Vì thế, các trung tâm phải điều chỉnh phù hợp theo với giá trị thật. Trung tâm Đông Đô có mức giá đào tạo bằng lái xe từ 6,5-7 triệu đồng là chưa thỏa đáng. Trung bình, mức phí học lái xe hàng chục năm nay dao động từ 10-15 triệu đồng và đây là điều là hết sức bình thường,” ông Toản khẳng định.

Nhấn mạnh mỗi đơn vị trung tâm đào tạo có mức giá đào tạo khác nhau để cạnh tranh nhưng không thể “bắt tay” tăng giá, ông Toản cho rằng thời gian qua, việc đào tạo sát hạch lái xe được thực hiện theo hình thức xã hội hóa đào tạo, bản thân các cơ sở đào tạo tự xây dựng thương hiệu, các thông tin tuyển dụng học viên, học viên tự đăng ký cơ sở đào tạo không cần qua trung gian hoặc cò mồi gây nên thông tin sai lệch.

Theo đánh giá chung của ông Toản, chi phí nhân lực, xăng dầu hàng chục năm nay cũng khoảng 10 triệu đồng trong khi chất lượng đào tạo cao hơn, cơ sở vật chất của các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe đầu tư lớn và xứng đáng với số tiền học viên bỏ ra. Vì thế, ông khuyên người học nên tham khảo chất lượng, thương hiệu của Trung tâm đào tạo.

Thừa nhận chất lượng đào tạo sát hạch lái xe đang làm rất tốt nhưng hiện nay gây khó khăn cơ sở đào tạo và người học chưa phù hợp thực tế như học tập trung lý thuyết, học và sát hạch bằng lái xe thông qua thiết bị mô phỏng, bổ sung thêm nội dung lái xe an toàn và tác hại của bia rượu... , ông Toản kiến nghị Nhà nước nên siết chặt công tác sát hạch bằng cách tăng điểm thực hành tới 90 điểm mới đỗ (so với 80 điểm hiện nay).

Về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho rằng học phí đào tạo các trung tâm đang thực hiện theo Thông tư liên tịch 72 giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải.

“Việc bắt tay tăng giá học phí đào tạo rất khó xảy ra vì Thông tư 72 giao quyền chủ động cho các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe tự xây dựng mức học phí đào tạo phù hợp, sau đó báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan quản lý địa phương như Sở Giao thông Vận tải và Tài chính theo dõi giám sát thu học phí đào tạo. Phí đào tạo phải công khai cho người học biết trước khi người học đến ký học đào tạo. Các cơ sở tăng mức phí không đúng quy định sẽ bị các cơ quan quản lý địa phương kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật,” ông Thống giải thích thêm.

Quá tải học viên vì “né” Thông tư 38

Liên quan đến phản ánh nhiều hồ sơ học viên bị ùn lại do các Trung tâm đào tạo lái xe khóa sổ, dừng nhận học viên, theo ông Toản, Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cũng đang bị quá tải hồ sơ đến tháng 6/2020 do học viên đăng lý học quá đông.

“So với lưu lượng đào tạo (cơ sở phòng học lý thuyết, lượng xe học thực hành, giáo viên của trung tâm) chỉ đào tạo được từng khóa nên giờ học viên đăng ký phải sau tháng Sáu tới mới có thể vào khóa học mới. Các trung tâm khác cơ bản trên cả nước cũng đều rơi vào tình trạng này,” ông Toản thông tin.

Chỉ ra nguyên nhân về lưu lượng học viên đăng ký học bằng lái xe tăng đột biến, theo ông Toản, Thông tư 38 có sự thay đổi về việc siết chặt việc học tập trung như quy định từ ngày 1/5/2020 điểm danh học viên học môn pháp luật giao thông đường bộ, đến tháng 1/2021 điểm danh về thời gian lái xe thực hành... Do đó, học viên muốn “né” điểm danh nên tăng vọt nhu cầu đăng ký học và điều này dẫn đến khó khăn cho trung tâm trong việc đào tạo học viên.

Bổ sung thêm, ông Thống cho biết Tổng cục có nhận được thông tin nhu cầu đào tạo lái xe của năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là các thành phố lớn, tăng nhiều nhất là các tỉnh thành phía Bắc.

“Việc tăng số lượng người học xuất phát từ nhu cầu người muốn tham gia học giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện. Khi số lượng học viên tăng đột biến thì các cơ sở đào tạo không đủ cơ sở vật chất để đào tạo học viên, dẫn đến việc ùn và chờ đợi tham gia học và sát hạch bằng lái,” ông Thống nhìn nhận.

Để khắc phục ùn ứ học viên, tăng phí đào tạo, vị Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái yêu cầu các cơ sở đào tạo tăng đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo tăng. Người học nếu có nhu cầu thực sự hãy tham gia đăng ký học lái xe, tránh ùn ứ để cơ sở đào tạo để lấy lý do tăng giá.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra giám sát tuyển sinh cũng như thu phí đào tạo trong thời gian tới chắc chắn sẽ đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định việc học và thi bằng lái.

Về vấn đề này, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước phải có thanh kiểm tra tại một số trung tâm và đề ra các giải pháp chán chỉnh trung tâm đó kịp thời, tuyên truyền cho người dân khi nộp hồ sơ nhận thức đúng đắn học và thi nghiêm túc lấy bằng lái hợp lệ chính là đảm bảo an toàn giao thông cho cá nhân và trách nhiệm khi cầm lái./.

Ý kiến của bạn

Bình luận