Không đăng ký xe máy điện, CSGT phạt kiểu gì theo NĐ 171?

Ý kiến phản biện 21/04/2016 09:43

Kế hoạch bắt buộc đăng ký xe máy điện cứ lùi mãi trong khi quy định xử phạt xe máy điện theo NĐ 171 có hiệu lực từ lâu. Vậy CSGT sẽ phải phạt kiểu gì?

Luật ban hành bằng zero

Theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 Quy định về đăng ký xe thì đăng ký xe máy điện là bắt buộc, cấp biển số mới được phép lưu thông. Mọi vi phạm của người tham gia giao thông bằng xe máy điện sẽ bị xử phạt như đối với xe máy.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc đăng ký xe đạp điện, xe máy điện vẫn chưa tiến hành triệt để, phần lớn người sử dụng vẫn chạy xe trên đường phố khi chưa có biển kiểm soát.

Lý do là vì, thời điểm Thông tư số 15 của Bộ Công an nói trên có hiệu lực thì đã có quá nhiều xe máy điện được nhập khẩu và bán cho người dân. Mà một trong những giấy tờ quan trọng để đăng ký xe máy điện là hóa đơn đỏ thì phần lớn người dân cũng như các cửa bán xe máy điện không có. Ngoài ra, đa phần người dân không giữ được, hoặc cũng không được người bán cung cấp các giấy tờ gốc liên quan đến phương tiện.

khong-dang-ky-xe-may-dien-csgt-phat-kieu-gi-theo-n
Không quản lý xe máy điện, CSGT phạt kiểu gì theo NĐ 171? (Ảnh nguồn - Internet.)

Chính vì, thủ tục, hồ sơ để đăng ký xe máy điện yêu cầu nhiều loại giấy tờ khác nhau, đặc biệt là các loại giấy tờ liên quan đến khâu nhập khẩu, chứng minh nguồn gốc phương tiện... nên việc đăng ký đối với xe máy điện thời gian qua gần như là điều không thể thực hiện.

Trong khi đó, theo nghị định 171 quy định xử phạt người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (xe máy điện) với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng với người điều khiển xe không có giấy đăng ký xe theo quy định; điều khiển xe không gắn biển số; gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong Giấy đăng ký xe.

Vậy, không có đủ giấy tờ liên quan để làm thủ tục đăng ký xe máy điện thì lấy đâu giấy tờ đăng ký xe? Mà không có giấy tờ đăng ký xe thì làm sao để quản lý, CSGT sẽ phải phạt kiểu gì theo NĐ 171?

Nhìn lại các quy định trên khi áp dụng thực tế và thời điểm bắt buộc thi hành đang cho thấy những điều chưa phù hợp, thiếu thực tiễn. Một số quy định trong 171 khiến cả lực lượng thi hành nhiệm vụ và người điều khiển đều băn khoăn về tính khả thi. Do đó, hiện nay, xe máy điện chưa có đăng ký biển số CSGT mới chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, chưa xử phạt.

Xử phạt theo Nghị định 171, học sinh nói gì?

Thống kê của Bộ giao thông vận tải cho thấy, số lượng xe đạp điện, xe máy điện gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây, hiện cả nước đang có khoảng 2 triệu xe. Xe đạp điện, xe máy điện trở thành loại phương tiện được nhiều người sử dụng bởi những ưu điểm gọn nhẹ, linh hoạt và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Mặt khác, với giá cả phải chăng, chỉ cần bỏ ra từ vài triệu đến vài chục triệu, người dân có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe đạp, xe máy có thể chạy với tốc độ ngang xe máy thông thường mà không cần phải có bằng lái xe, không hạn chế về độ tuổi người điều khiển.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ về số lượng xe đạp điện, xe máy điện thời gian qua trong khi cơ sở hạ tầng không có sự thay đổi lớn và thiếu sự kiểm soát về chất lượng phương tiện và ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện chưa cao nên số vụ tai nạn và ùn tắc giao thông có liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện có xu hướng gia tăng.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông có thể rình rập ở bất cứ cung đường, từ ngày 1/6/2014, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký, cấp biển số, mới được phép lưu thông. Mọi vi phạm của người tham gia giao thông bằng xe máy điện sẽ bị xử phạt như đối với các loại xe mô tô khác.

Nói về việc xử phạt xe máy điện theo Nghị định 171, em Việt Hoàng, học sinh lớp 11 một trường THCS tại Cầu Giấy cho biết: “ Em thấy hiện nay, khi đi xe máy điện bị các anh CSGT bắt, các anh ấy chỉ nhắc nhở rồi cho đi thôi chứ chưa phạt. Nhưng theo quan điểm của em, việc xử phạt là đúng, vì giờ có nhiều anh/chị/em là học sinh đi xe máy điện còn " hổ báo" hơn cả xe máy. Họ ngang nhiên phóng nhanh, lạng lách rồi bốc đầu,…. đơn giản vì họ nghĩ mình không bị phạt và có đâm vào đâu cũng không gây ra hậu quả quá đáng tiếc.”

Cùng quan điểm với Việt Hoàng, em Nguyễn Thị Lan (lớp 12, Mai Dịch Cầu Giấy) cho rằng cần thiết phải xử phạt xe máy, xe đạp điện nhưng lại băn khoăn về khâu thủ tuc, giấy tờ. “Em cứ nghĩ xe chạy bằng điện với tốc độ thấp, khi mua không cần phải thủ tục rườm rà nên mới chọn. Giờ tự dưng bắt đăng ký, mà xe em lại mua lâu rồi, chẳng còn giấy tờ gì liên quan đến xe thì đăng ký thế nào. Chả nhẽ, giờ cứ ra đường là bị phạt vì không giấy tờ? Theo em việc xử phạt những bạn đi xe máy điện gây mất an toàn giao thông là hợp lý nhưng các cơ quan chức năng phải có những quy định cụ thể, rõ ràng liên quan đến khâu đăng ký, giấy tờ xe. Đối với những xe mua từ lâu, đã mất giấy tờ như em thì đăng ký thế nào?", Lan nêu ý kiến.

Ý kiến của bạn

Bình luận