Không dùng vốn từ BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ mở rộng nút giao Pháp Vân

Bộ GTVT cho rằng, TP.Hà Nội bố trí vốn, kinh phí để thực hiện, Bộ chỉ đạo các bên liên quan làm việc để thống nhất cơ sở giảm phí cho dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

 

Không dùng vốn từ BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ mở rộng nút

Nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Mới đây, công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có đề xuất được lấy nguồn vốn từ dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ để đầu tư cải tạo, phân luồng nhằm xóa ùn tắc tại nút Pháp Vân - Hà Nội, sau đó sẽ thu phí để hoàn vốn.

Trước đề xuất trên, lãnh đạo bộ GTVT cho rằng, TP. Hà Nội bố trí vốn, kinh phí để thực hiện. Bộ GTVT cũng chỉ đạo các bên liên quan làm việc để thống nhất cơ sở giảm phí cho dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chứ không lấy vốn dư 1.500 tỷ từ dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Để giải quyết triệt để và lâu dài ùn tắc tại nút Pháp Vân cần thực hiện cả 2 phương án thiết kế do Tổng cục Đường bộ đề xuất, trong đó ưu tiên đầu tư phương án 2A trước (xây dựng đường kết nối QL70– Pháp Vân-Cầu Giẽ -Vành đai 3), phương án 1A (xây dựng tuyến đường có ký hiệu LK49 kết nối giữa đường vành đai 3 dưới thấp và phố Tân Mai - Vành đai 2,5) triển khai sau.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ) cho biết: “Sau một thời gian theo dõi, khai thác trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chúng tôi nhận thấy tình trạng ùn tắc giao thông tại nút Pháp Vân – Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù, Hà Nội đã có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc mang tính dài hạn nhưng thiếu vốn nên chưa triển khai được”.

“Thực tế, không làm nhanh dự án mở rộng nút Pháp Vân – Hà Nội thì sẽ coi như là thất bại bởi khi tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ được mở rộng, lượng xe đổ dồn về đây nhanh sẽ ùn tắc kinh khủng hơn bây giờ”, ông Khôi nói.

Nói về đề xuất đầu tư cải tạo nút Pháp Vân – Hà Nội, ông Khôi cho rằng: “Đây là đề nghị của chúng tôi gửi lên Chính phủ, bộ GTVT, nếu được phê duyệt đồng ý thì chúng tôi làm, còn không được phê duyệt đồng ý, chúng tôi sẽ dừng lại”.

Đề cập tới nguồn vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn, ông Khôi cho hay: “Nguồn vốn thực hiện mở rộng, nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ còn dư 1.500 tỷ đồng. Số vốn này, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vốn cải tạo, xây dựng đoạn tuyến trên. Do vậy, Cty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất và cam kết thực hiện dự án trong vòng 15 tháng. Sau khi dự án hoàn thiện sẽ chỉ phải thu phí thêm vài năm để hoàn vốn trở lại”.

Ý kiến của bạn

Bình luận