Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ
Khu QLĐB II là tổ chức hành chính trực thuộc Cục Đường bộ VN thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Đường bộ VN quản lý về giao thông đường bộ trong khu vực quản lý; trực tiếp quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở 16 đoạn tuyến đường quốc lộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế với tổng chiều dài 2.765,77km.
Khu QLĐB II đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn và ký hợp đồng với 10 nhà thầu làm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, trong đó có 63 nhà Hạt QLĐB thuộc công trình đường bộ được bố trí dọc trên các tuyến quốc lộ, là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của nhà nước, giao các Khu QLĐB quản lý; Khu giao các nhà thầu thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ sử dụng để phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Để thực hiện tốt Kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng (SCĐB) năm 2023, trước hết Khu đã chú trọng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ (BDTXĐB), đồng thời ưu tiên bố trí vốn xử lý khắc phục kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường bộ, đi đôi với tổ chức hợp lý, khoa học khâu tổ chức giao thông.
Để làm tốt việc này, Khu thường xuyên chỉ đạo các Văn phòng QLĐB thuộc Khu và các đơn vị được Khu ký hợp đồng thực hiện BDTXĐB chủ động phát hiện và khắc phục kịp thời các yếu tố gây mất ATGT trên hệ thống quốc lộ; thường xuyên kiểm tra để bổ sung, điều chỉnh kịp thời các bất hợp lý trong khâu tổ chức giao thông, nhất là phương án phân luồng đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn khi có sự cố cầu đường bộ do mưa lũ, bão hoặc khi có sự kiện chính trị, lễ hội.
Đặc biệt, Khu thường xuyên chú trọng tổ chức rà soát, dỡ bỏ các biển báo không phù hợp và bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc, sơn kẻ vạch phân làn đường, nhất là vạch sơn tim đường, đề xuất bổ sung hệ thống phòng hộ ATGT, điều chỉnh điểm mở dải phân cách giữa…để tăng cường công tác ATGT.
Sôi nổi thi đua "4 chăm"
Cũng trong năm 2023, hưởng ứng Hội thi Hạt Quản lý đường bộ ATGT lần thứ nhất năm 2023 do chuyên môn và Công đoàn Cục Đường bộ VN phát động, Khu phối hợp với Công đoàn Khu đã xây dựng, ban hành Kế hoạch, triển khai đến tất cả các đơn vị quản lý, BDTXĐB để tổ chức thực hiện và tất cả 10/10 nhà thầu quản lý, BDTXĐB đều đăng ký tham gia hội thi. Nhiều đơn vị tổ chức hội thi từ cấp cơ sở như Công ty CP 496, Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 470. Trên cơ sở đó lựa chọn được 16/65 Hạt QLĐB đăng ký tham gia hội thi ở cấp Cụm 2 ở địa bàn khu vực do Khu làm Cụm trưởng. Hội thi đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, tăng cường một bước năng lực, trách nhiệm các nhà thầu quản lý, BDTXĐB trên nhiều mặt, cụ thể như:
Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt nhiều kết quả tốt, các nhà thầu quản lý, BDTXĐB đã chỉ đạo Hạt QLĐB thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trên từng đoạn tuyến được giao, duy trì và thường xuyên thực hiện tốt phong trào thi đua chuyên nghề "4 chăm" trong công tác quản lý, BDTXĐB mà Khu QLĐB IV (Cục QLĐB II trước đây, nay là Khu QLĐB II) đã phát động và duy trì lâu nay là: "Chăm mặt đường êm thuận, Chăm lề rãnh thoáng thông, Chăm ATGT, Chăm con đường sạch đẹp". Nhìn chung, các đoạn tuyến quốc lộ do Khu quản lý đều êm thuận, đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn, tai nạn giao thông giảm nhiều so với năm 2022; trụ sở nhà Hạt QLĐB xanh, sạch, đẹp; hồ sơ nội nghiệp đầy đủ, đúng quy định.
Về công tác an toàn giao thông, các nhà thầu đã tích cực, chủ động bổ sung, sửa chữa, tích hợp các biển báo; sơn bổ sung vạch gờ giảm tốc, sơn lại vạch sơn bị mòn, mờ, nhất là sơn tim đường; phát quang tầm nhìn,..; từng bước nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp làm việc với chính quyền và các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương để nắm bắt, xử lý kịp thời những bất cập, tồn tại tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và các trường hợp xâm hại làm hư hỏng, các hành vi gây mất ATGT đối với công trình đường bộ.
Cùng với đó, nhận thức đúng tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội thi Hạt Quản lý đường bộ ATGT nên hầu hết các nhà thầu quản lý, BDTX đã coi nhà Hạt QLĐB như ngôi nhà của chính công nhân viên đơn vị, nên đã quan tâm đầu tư kinh phí vào việc sửa chữa, tân trang lại nhà hạt; mua sắm, trang bị thêm cơ sở vật chất, chỉnh trang lại các công trình phụ trợ từ cột cờ, biển hiệu, bờ rào, công trình vệ sinh, nhà ăn, sân, vườn, cây xanh; tổ chức sắp xếp lại các loại vật tư, vật liệu dự phòng gọn gàng, ngăn nắp; khuôn viên nhà hạt được vệ sinh sạch sẽ, các khu chức năng được bố trí phù hợp với điều kiện thực tế của Hạt, điển hình đó là: Hạt QLĐB A Lưới của Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế; Hạt QLĐB Đông Hiếu của Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 487, Hạt QLĐB Trung Hóa của Công ty CP 496, Hạt QLĐB Hướng Việt của Công ty CP 483, Hạt QLĐB Nghi Lộc của Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 470...
Kết thúc hội thi Cụm 2, Khu QLĐBII - Cụm trưởng Cụm 2 đã trao 10 giải thưởng gồm Cờ thưởng và 76 triệu đồng tiền thưởng cho các Hạt QLĐB được Ban Giám khảo chấm điểm cao tại Hội thi và chọn 4 Hạt QLĐB thực hiện tốt nhất công tác ATGT năm 2023 của Khu trên tuyến đường Hồ Chí Minh và QL1 tham gia Hội thi Hạt Quản lý đường bộ ATGT Cục Đường bộ VN lần thứ nhất năm 2023 là Hạt QLĐB Trung Hóa thuộc Công ty CP 496, Hạt QLĐB Hướng Việt thuộc Công ty CP 483, Hạt QLĐB Đông Hiếu thuộc Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 487 và Hạt QLĐB Nghi Lộc thuộc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 470.
Điều trăn trở sau Hội thi này của Khu nói riêng và các Khu QLĐB trực thuộc Cục Đường bộ VN nói chung là lâu nay nhà Hạt QLĐB được quy định là tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB của Nhà nước, các Khu QLĐB được giao quản lý, sử dụng (ở Dự thảo Luật Đường bộ thì nhà Hạt QLĐB thuộc danh mục của công trình đường bộ), tuy nhiên lâu nay chưa được Ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí bảo trì, dẫn đến một số nhà hạt xuống cấp, hư hỏng, không có kinh phí để bảo trì. Mặt khác, Hạt QLĐB xét theo góc độ của công tác quản lý, BDTXĐB thì đây là tổ chức cần có trực thuộc đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì đường bộ để làm công tác quản lý, BDTXĐB, trong đó có Hạt trưởng, có nhân viên tuần đường và công nhân chuyên nghề duy tu bảo dưỡng đường bộ.
Khu QLĐB II mong rằng, trong thời gian tới được các cấp có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ bằng cơ chế về nguồn kinh phí bảo trì nhà Hạt, đồng thời có cơ chế pháp lý phù hợp giữa quản lý tài sản nhà nước là nhà Hạt QLĐB với chủ thể trực tiếp sử dụng là tổ chức Hạt QLĐB trực thuộc đơn vị trực tiếp quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.