Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên mức cao nhất trong gần 6 tháng qua do căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran |
Giá dầu thô trên thị trường thế giới ngày 22-4 đã tăng hơn 2%, lên mức cao nhất trong gần 6 tháng qua do gia tăng các quan ngại về giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu sau khi Mỹ thông báo chấm dứt cấp quy chế miễn trừ mua dầu của Iran. Theo đó, giá dầu Brent giao trong tương lai đã tăng 2,07 USD, tương đương 2,88%, lên mức 74,04 USD/thùng và giá giao dịch cao nhất đạt 74,52 USD/thùng, là mức cao nhất kể từ ngày 1-11-2018.
Trong khi đó, giá dầu giao dịch trên sàn West Texas Intermediate (WTI) tại Mỹ cho dầu thô giao trong tương lai cũng tăng 1,70 USD/thùng, tương đương 2,66%, lên mức 65,70 USD/thùng. Hợp đồng được chốt ở mức giá 65,92 USD/thùng cũng là mức cao nhất kể từ ngày 31-10-2018.
Giá dầu thô thế giới tăng mạnh không phải do mất cân đối cung cầu từ nguyên nhân kinh tế mà xuất phát từ yếu tố chính trị. Giá dầu thô tăng mạnh vào ngày 22-4 cũng là ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định từ ngày 2-5 tới sẽ chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Gần 6 tháng trước, giá dầu thô thế giới đã tăng vọt khi Tổng thống Donald Trump vào ngày 5-11-2018 đã ký quyết định tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran nhưng cấp quy chế miễn trừ trong thời hạn 6 tháng cho 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu của Iran gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.
Dù là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tương đối lớn với sản lượng gần 4 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu gần 3 triệu thùng dầu/ngày, song sản lượng dầu của Iran cũng chỉ chiếm chưa tới 3% tổng sản lượng tiêu thụ dầu trên toàn thế giới. Chưa kể tới các cường quốc sản xuất dầu mỏ như Nga hay Mỹ, mà chỉ riêng với các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng xuất khẩu khoảng 40 triệu thùng dầu/ngày cũng dễ dàng tăng công suất để bù đắp cho số dầu thiếu hụt từ Iran do chịu lệnh cấm vấn của Mỹ.
Tuy nhiên, mối lo trên thị trường dầu thô thế giới không phải đến từ nguồn cung mà do căng thẳng trong quan hệ giữa giữa Mỹ và Iran, quốc gia có ảnh hưởng nhất định tại khu vực Trung Đông được xem là “rốn dầu” của thế giới. Căng thẳng này khởi nguồn từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tháng 5-2018 đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5+1 mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama cùng với Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) ký với với Iran năm 2015.
Việc Mỹ “chặn” những thị trường xuất khẩu chính của Iran từ ngày 2-5 tới chắc chắn sẽ đẩy căng thẳng giữa Mỹ và quốc gia Trung Đông này lên nấc thang căng thẳng mới. Hiện có những thông tin về việc Mỹ còn tính tới việc siết chặt thêm lệnh cấm vận, thậm chí không loại trừ cả những biện pháp mạnh hơn nhằm chống Tehran.
Giá dầu thô trên thế giới đang biến động khá nhanh và thực tế nhiều năm qua cho thấy bất cứ động thái căng thẳng nào giữa Mỹ và Iran đều tác động không lớn tới giá của mặt hàng được xem là “vàng đen” chiến lược này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.