Kịch bản nào cho thị trường ô tô khi giảm lệ phí trước bạ?

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 08/06/2023 10:02

Thị trường ô tô Việt Nam sẽ có những diễn biến khó đoán sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước dự kiến áp dụng từ ngày 1/7.

Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lệ phí trước bạ ô tô CKD sẽ thực hiện theo hướng giảm 50% và áp dụng kể từ ngày 1/7 đến hết năm 2023.

Đây là một thông tin sẽ tạo hứng khởi cho thị trường ô tô Việt Nam trong bối cảnh lực cầu đang có dấu hiệu suy kiệt. Tuy nhiên, những diễn biến của thị trường kể từ khi chính sách mới được áp dụng sẽ là khó lường.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ tử Chính phủ. thị trường ô tô

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ tử Chính phủ.

Người tiêu dùng hưởng lợi kép

Thực tế trên thị trường ô tô Việt Nam đang cho thấy, mặc dù chưa nhận được những sự hỗ trợ trực tiếp từ chính sách xong mặt bằng giá bán lẻ ô tô vẫn đang ở mức rất thấp. Trong bối cảnh sức mua giảm sâu, các hãng ô tô bao gồm cả nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước đều đang liên tiếp tung ra những đợt giảm giá, hỗ trợ 50-100% lệ phí trước bạ cho khách hàng.

Đợt "cắt máu" kích cầu của các hãng xe kéo dài suốt từ đầu quý 2/2023 đến nay đã ép mặt bàng giá bán lẻ ô tô xuống rất thấp, thậm chí có thể xem là đợt giảm giá sâu nhất từ trước tới nay. Nếu mua ô tô ở thời điểm này, người tiêu dùng đang được giảm giá khoảng 6-12%, tương ứng với 50-100% lệ phí trước bạ mà các hãng xe đang áp dụng.

Câu hỏi đặt ra là khi Nghị định mới về lệ phí trước bạ ô tô chính thức được áp dụng từ ngày 1/7, mặt bằng giá ô tô sẽ thế nào?

Theo đánh giá, khả năng rất cao sẽ là các hãng xe vẫn duy trì chính sách kích cầu như đang thực hiện hoặc nếu điều chỉnh, tỷ lệ "rút chân" sẽ không nhiều. Nếu kịch bản này xảy ra, người tiêu dùng ô tô trong nước sẽ được hưởng lợi kép.

Như đã đề cập ở trên, gần như toàn bộ các hãng xe đều đang trực tiếp kích cầu thông qua hình thức hỗ trợ lệ phí trước bạ, phần lớn ở mức tương đương 100%. Do đó, nếu cộng gộp với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ, người tiêu dùng ô tô xem như được giảm giá 10-17% tuỳ theo từng địa phương. Đây là một khoản chi phí rất lớn mà người tiêu dùng có thể tiết kiệm được.

Sở dĩ kịch bản này được đánh giá cao là bởi mặc dù giá xe đã và vẫn đang giảm rất sâu suốt mấy tháng vừa qua song lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường vẫn tụt dốc. Vì vậy, để có thể giải quyết lượng xe tồn kho khổng lồ và vượt qua giai đoạn khó khăn chung, các hãng xe buộc phải tiếp tục duy trì động thái kích cầu tự thân.

Hãng xe "rút chân" - thị trường không thay đổi

Đây là kịch bản thứ hai có thể xảy ra trên thị trường ô tô Việt Nam nửa cuối năm nay.

Thực tế cũng cho thấy, ở hai lần Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô CKD trước đây, các hãng xe đều quyết định ngừng các đợt giảm giá, khuyến mại. Qua đó, những quyền lợi của người tiêu dùng hoàn toàn không có sự thay đổi.

Nếu kịch bản này xảy ra, sức mua ô tô trên toàn thị trường thậm chí sẽ có diễn biến xấu hơn. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đang có những diễn tiến tích cực song điều đó chưa thể phản ảnh ngay vào đời sống người dân và doanh nghiệp. Tình trạng thắt chặt chi tiêu đang diễn ra trên diện rộng trong khi nhu cầu mua sắm phương tiện chỉ là lựa chọn thứ yếu.

Khi các doanh nghiệp rút chân khỏi các đợt giảm giá, kích cầu thì xem như mọi chuyện không có gì xảy ra nếu nhìn từ góc độ người tiêu dùng. Tiêu cực hơn, không ít người tiêu dùng sẽ có những phản ứng "tẩy chay" và đó sẽ là diễn biến xấu với các hãng xe.

Bởi vậy, theo quan điểm cá nhân người viết, kịch bản đầu tiên vẫn sẽ có nhiều khả năng xảy ra.

Ý kiến của bạn

Bình luận