Ô tô mòn mỏi chờ trước bạ

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 23/05/2023 09:54

Để vượt qua chặng đường gian nan năm 2023, bên cạnh những nỗ lực tự thân, ngành công nghiệp và thị trường ô tô Việt Nam vẫn phải trông đợi vào chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như giảm 50% lệ phí trước bạ và giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Các doanh nghiệp ô tô vẫn đang mòn mỏi đợi chờ quyết định hỗ trợ lệ phí trước bạ

Các doanh nghiệp ô tô vẫn đang mòn mỏi đợi chờ quyết định hỗ trợ lệ phí trước bạ.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành ô tô trong nước hiện đã và đang thực sự "ngấm đòn" của đợt đại dịch Covid-19 và sau đó là sức ép từ tình hình địa chính trị thế giới, nguy cơ suy thoái, lạm phát toàn cầu và trước mắt là sự ảnh hưởng gián tiếp nhưng nặng nề từ thị trường bất động sản hay chứng khoán. Ngay từ giai đoạn cuối năm 2022, sức mua ô tô đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu suy giảm. Doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu mua sắm phương tiện của người dân cũng không còn nhiều.

Trong khi đó, sự bùng nổ của thị trường năm 2022 dẫn tới tổng dung lượng lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 500.000 xe đã khiến không ít doanh nghiệp ô tô "việt vị" khi lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho năm 2023. Lượng đơn hàng nhập khẩu và xe xuất xưởng tại các nhà máy lắp ráp trong nước đầu năm ở mức cao trong khi sức mua suy giảm đã khiến tình trạng tồn kho trở nên trầm trọng.

Thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và hai doanh nghiệp lớn không thuộc khối này là VinFast và Hyundai Thành Công cho thấy, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 1/2023 chỉ đạt 21.186 chiếc, sụt giảm đến 56,9% so với tháng liền kề trước đó và giảm 47,4% so với cùng kỳ 2022. Tuyệt đại đa số các hãng xe đều bị sụt giảm quả nửa doanh số khi so sánh với cả tháng liền trước lẫn cùng kỳ. Sức mua lao dốc trong khi nguồn cung ra thị trường lớn đã đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng tồn kho lớn. Theo thống kê, tại thời điểm tháng 2/2023, tổng lượng ô tô tồn kho đã lên đến gần 40.000 chiếc.

Đối mặt với những khó khăn chồng chất, ngay từ cuối tháng 2/2023, VAMA cùng Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Nếu chính sách này được áp dụng, đây sẽ là lần thứ 3 mặt hàng ô tô CKD nhận được sự hỗ trợ từ chính sách vĩ mô. Hai lần trước được áp dụng trong giai đoạn từ 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 về lệ phí trước bạ; giai đoạn thứ 2 áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022. Sau đó, nhóm các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu chính hãng cũng có văn bản kiến nghị áp dụng đồng thời chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với xe nhập khẩu (CBU) nhằm tạo sự công bằng và không vi phạm các quy tắc đối xử tại các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính sau đó có ý kiến về việc không nên tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, nền kinh tế vĩ mô hiện nay đang cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng đã được kiểm soát.

Khi khả năng nhận được sự hỗ trợ từ chính sách vĩ mô không cao, các doanh nghiệp ô tô buộc phải "rút ruột" để lao vào cuộc đua kích cầu. Hầu hết các hãng xe đều áp dụng chung hình thức hỗ trợ 50-100% lệ phí trước bạ dành cho khách hàng mua xe. Chính nhờ những động thái này mà lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường đã có hai tháng liên tiếp hồi phục.

Dù vậy, đại diện một số hãng xe lớn cho rằng, khả năng áp dụng các đợt kích cầu của tự thân doanh nghiệp sẽ là không dài và điều đó chỉ giúp thị trường tạm thời chống đỡ khó khăn. Bởi trên thực tế, việc hỗ trợ 50-100% lệ phí trước bạ có thể xem như giảm giá 6-12% trên giá xe, đây là khoản tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp, nhất là những hãng xe quy mô nhỏ và chưa có đủ tích luỹ.

Vì vậy, giải pháp căn cơ để ngành ô tô trong nước vượt qua khó khăn vẫn là chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, cụ thể là giảm 50% lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần được giãn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Tin vui là mới đây, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2023, ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình cơ quan có thẩm quyền phương án giảm 2% thuế VAT, đồng thời tính toán giảm lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 của Chính phủ, trong đó có tính đến cả phương án giảm lệ phí trước bạ đồng thời với cả ô tô CKD lẫn CBU. Dù được thực thi hay không thì cho đến quyết định được đưa ra, các doanh nghiệp ô tô vẫn phải mòn mỏi trông chờ.

Ý kiến của bạn

Bình luận