Kiểm soát tải trọng xe gắn chặt trách nhiệm địa phương

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 20/10/2016 05:21

Lực lượng TTGT sẽ chủ động kiểm soát từ nguồn hàng, lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo, lực lượng chức năng vào cuộc nghiêm túc thì mới giải quyết tận gốc xe quá tải.

2
Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT trao đổi nghiệp vụ với TTGT tỉnh Hòa Bình

Tiếp tục xóa xe quá tải

Sau hơn 2 năm thực kiện công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), tình hình xe quá tải đã kéo giảm được 92%, số vi phạm còn lại chủ yếu rơi vào các tuyến ngắn, xe chở vật liệu xây dựng từ các mỏ ra công trường. Tuy nhiên, sau khi tổng kết quy chế phối hợp này thì lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự và kiểm soát quân sự rút khỏi các trạm cân. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có lực lượng này thì sẽ rất khó trong việc KSTTX. Thực tế ở nhiều địa phương, lực lượng phối hợp đã rút khỏi trạm KSTTX, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương (chủ yếu các địa phương có quyết định thành lập trạm do UBND tỉnh công bố) vẫn triển khai bình thường như Quy chế phối hợp 12593 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Dương Văn Hội - Phó Chánh TTGT tỉnh Hà Nam cho biết, trước đây khi có lực lượng CSGT hiện diện thì việc dừng xe, kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm tải trọng xe thuận lợi hơn rất nhiều, tuy nhiên lực lượng này mà rút đi thì chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Quý Tiệp - Phó giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho rằng, với địa phương, công tác KSTTX vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên để hoạt động của trạm ổn định, lâu dài thì cần tăng thẩm quyền cho trạm trưởng như có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi chở hàng quá tải của xe do lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại trạm lập biên bản vì hiện nay, các trạm KSTTX do 1 phó chánh TTGT hoặc lãnh đạo phòng, ban thuộc sở GTVT kiêm nhiệm trạm trưởng nhưng không có thẩm quyền xử phạt. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp mạnh như cho phép lực lượng thanh tra tại trạm KSTTX có thể truy đuổi, rào chắn, đặt bàn chông… Đối với những phương tiện này cần có chế tài quy định thu hồi đăng ký kinh doanh.

Đại diện Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh  cho rằng, hiện nay Sở đang sử dụng thanh cảm biến để kiểm soát tải trọng xe tại các xe có dấu hiệu vi phạm lực lượng chức năng mới dừng xe để xử lý. Thanh cảm biến này đã giúp cho công tác KSTTX đạt hiệu quả cao. Để siết chặt công tác KSTTX, Sở đã lắp đặt 4 trạm cân. Từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành đã xử lý 31.622 xe vi phạm với mức xử phạt hơn 185 tỷ đồng, xe quá tải lưu thông qua địa bàn Thành phố đã giảm 70%, ý thức của lái xe, chủ xe tăng cao.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng cần sử dụng hiệu quả các tổ liên ngành để xử lý xe quá tải và giao trách nhiệm của các bộ, ngành để xử lý xe quá tải. Tổng cục ĐBVN cần dự thảo kế hoạch để làm cụ thể và làm sổ tay kiểm soát tải trọng xe, có tập huấn nghiệp vụ cho TTGT, đồng thời xây dựng phương án tác chiến để làm sao kiểm soát hiệu quả tải trọng xe dựa trên quy định pháp luật. Để làm được điều đó, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, lực lượng thanh tra cần phải trang bị kiến thức về các lĩnh vực đường bộ, chuẩn hóa được tiêu chuẩn kỹ năng của TTGT, vì vậy các ban ATGT địa phương phải tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng này.

1
TTGT tỉnh Hòa Bình phát hiện xe chở gỗ quá tải trọng trên đường Hồ Chí Minh

Trách nhiệm địa phương là hàng đầu

Trao đổi vớp Tạp chí GTVT, ông Đặng Văn Chung - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục ĐBVN) cho rằng, để KSTTX, sau khi lực lượng phối hợp rút khỏi trạm cân, Tổng cục ĐBVN tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các sở GTVT tiếp tục duy trì công tác KSTTX trên mạng lưới đường bộ cả nước theo quy định của pháp luật, duy trì hoạt động tại các trạm KSTTX lưu động, cố định, KSTTX ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô, các điểm giao thông tĩnh; hướng dẫn, đôn đốc các sở GTVT, các cục QLĐB kiểm tra, rà soát việc tổ chức ký cam kết không chở hàng quá tải, không xếp hàng quá tải lên xe của các doanh nghiệp, đôn đốc việc thực hiện cam kết đã ký.

Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ, đồng thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép lưu hành với thủ tục hành chính nhanh gọn; rà soát, cắm đầy đủ, đúng quy định các biển báo tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông biết, thực hiện và làm căn cứ để xử lý vi phạm; cắm biển cấm dừng xe, đỗ xe tại những nơi có tình trạng nhiều xe chở hàng quá tải trọng dừng, đỗ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Vũ Đỗ Anh Dũng cho rằng, để làm tốt công tác KSTTX thì phải làm tại gốc, đồng bộ các biện pháp KSTTX, tiếp tục thực hiện nhưng có biện pháp cụ thể đối với lực lượng KSTTX. “Trong thời gian tới, công tác KSTTX cần được tiếp tục duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn một cách bền vững tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ KSTTX do Tổng cục ĐBVN tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, việc KSTTX trong thời gian qua đã có tác dụng rất lớn, lượng xe quá tải trọng giảm mạnh. “Tuy nhiên, nếu lơ là, hiện tượng này sẽ quay trở lại, bùng phát hơn trước, phá nát hạ tầng đường bộ, mất ATGT, không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Để giải quyết được điều này là rất khó nhưng 01 năm không làm được thì làm liên tục 02 năm, 5 năm hay 10 năm thì cũng phải làm cho kỳ được. Trước mắt, mục tiêu đến năm 2016 phải cơ bản giải quyết xong xe quá tải trọng là một nhiệm vụ bắt buộc. Muốn vậy, các cơ quan của ngành GTVT phải nâng cao vai trò của từng ngành chức năng để thực hiện cho tốt nhiệm vụ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Lực lượng CSGT rút đi không phải là họ không tham gia KSTTX mà khi cần phối hợp chúng ta sẽ đề xuất để thực hiện hiệu quả. Thứ trưởng yêu cầu lực lượng TTGT, sở GTVT các địa phương xốc lại, rà soát công tác KSTTX một cách cụ thể, khoa học, có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phù hợp với địa phương mình, xem việc nào cần sự hỗ trợ của Bộ, của các đơn vị liên quan để từ đó đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo có chỉ đạo kịp thời và triển khai thực hiện. “Ngoài lực lượng của Bộ thì nòng cốt từ địa phương là rất quan trọng, từ tỉnh đến huyện, xã, nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương thì không thể hoàn thành nhiệm vụ này. Chỉ khi các đồng chí bí thư, chủ tịch các địa phương trực tiếp quan tâm, có chỉ đạo kịp thời thì tình hình mới được cải thiện”, Thứ trưởng khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận