Kiến nghị giải pháp xử lý hàng tồn đọng tại Cảng Cát Lái do Covid-19

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/08/2021 15:38

Số lượng container tồn đọng tại bãi Cát Lái tăng cao do nhiều nhà máy, xí nghiệp bị phong tỏa. Trước thực trạng này, Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan đã họp và thống nhất kiến nghị giải pháp xử lý.


20210801
Cần sớm xử lý hàng tồn đọng tại Cảng Cát Lái do dịch bệnh Covid-19 (Anh minh họa)

Cụ thể, sau 3 tuần áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã có văn bản 2465/TCg-VP ngày 28/7/2021 về các khó khăn trong tổ chức hoạt động các bến cảng của Tổng công ty tại khu vực TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, sản lượng container nhập về bãi từ tàu biển vẫn tăng trưởng, sản lượng container xuất theo đường bộ, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với với gian chưa thực hiện giãn cách, dẫn đến số lượng container tồn đọng tại bãi Cát Lái tăng cao. Nguyên nhân do một số nhà máy, xí nghiệp ở khu vực phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động do bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 nên nhu cầu lấy hàng tại cảng giảm. Việc hàng hóa tồn tại bãi tăng cao dẫn đến nguy cơ cảng trong thời gian tới phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu.

Ngay sau khi nhận được văn bản của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, trước tình hình cấp bách nêu trên, ngày 29/7/2021, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản số 3070/CHHVN-VTDVHH gửi Tổng cục Hải quan và Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét hỗ trợ giải quyết kiến nghị của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai và Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh kiểm tra trực tiếp hiện trường, tổ chức làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn để xây dựng phương án duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phương án phân bổ hàng xuất, nhập khẩu của cảng Tân Cảng Cát Lái cho các kho bãi, cảng khác thuộc Tổng công ty hoặc đơn vị khác tại khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu để giảm tải cho cảng Tân Cảng Cát Lái.

Đặc biệt, để xử lý hàng tồn đọng tại Cảng Cát Lái, Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan thống nhất kiến nghị thực hiện 3 nhóm giải pháp chính như sau:

Thứ nhất, nhóm giải pháp nhằm tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng, giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để thống nhất cùng chủ hàng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc sớm nhận hàng.

Thứ hai, nhóm giải pháp tăng năng lực khai thác của bãi cảng, giao Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập; Nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng; điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp ...

Thứ ba, nhóm giải pháp giảm lượng hàng nhập về cảng, yêu cầu tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, Cảng Tân Cảng Hiệp Phước về Cảng Tân Cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình), trừ các trường hợp đặc biệt, căn cứ năng lực tiếp nhận của Cảng Tân Cảng Cát Lái giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động giải quyết; Làm việc với các chủ hàng, hãng tàu hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container hàng nhập về cảng đối với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.

Trên cơ sở khảo sát năng lực tiếp nhận của các cảng lân cận trong khu vực như: VICT, SPCT, SP-ITC, TCIT, TCTT, CMIT, SSIT... Cục Hàng hải Việt Nam đã giao Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh xây dựng phương án điều tiết tuyến tàu cập Cảng Cát Lái sang các cảng lân cận nêu trên trong trường hợp Cảng Tân Cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam hiện đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh để trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp cảng, tổ chức, cá nhân có liên quan để nhanh chóng xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh để bảo đảm duy trì hoạt động các cảng.

Được biết, theo tính toán của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, kế hoạch làm hàng của Cảng Tân Cảng Cát Lái sẽ tiếp tục duy trì đến ngày 15/8. Kế hoạch này sẽ tiếp tục được Tổng công ty cập nhật và điều chỉnh hàng ngày, hàng tuần để giảm thiểu nguy cơ ngừng hoạt động của cảng. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến tiếp tục phức tạp, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tăng cường thêm các giải pháp quyết liệt, mạnh hơn nữa, các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục phải hạn chế hoặc dừng sản xuất thì sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Tân Cảng Cát Lái và các cảng trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hãng tàu sẽ phải điều chỉnh lịch tàu vào các cảng của khu vực.

Trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài, khi đã điều tiết hàng hóa sang các cảng khác, kể cả ở khu vực Cái Mép Thị Vải, khi năng lực tiếp nhận các cảng này, ICD, bãi, kho hàng các nhà máy, xí nghiệp hết công suất thì nguy cơ Cảng Cát Lái và các cảng khác tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu phải lần lượt tạm ngừng tiếp nhận tàu là khó tránh khỏi.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải trong cả nước dự liệu tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 để chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết hàng hóa trong từng khu vực cảng biển và giữa các khu vực với nhau.

Song song với các nhóm giải pháp chính nêu trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sớm giải quyết các kiến nghị của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tại Văn bản 3107/CHHVN-VTDVHH ngày 01/8/2021.

Ý kiến của bạn

Bình luận