Kinh doanh xe khách: 'Quần ngư tranh thực' trên... xa lộ!

Ý kiến phản biện 18/12/2015 15:01

Kinh doanh xe khách được coi là ngành nghề có thu nhập cao nhưng thời gian gần đây, việc nó bùng nổ đã có chiều hướng... hỗn loạn!


Theo chia sẻ của một nhà xe, hàng ngày xe 24 chỗ chạy hai lượt với khoảng gần 300km, số khách lấp đầy ghế thì trừ chi phí coi như được “lãi” hơn 1 triệu đồng. Trung bình 1 tháng, nhà xe này nghiễm nhiên thu lãi khoảng gần 50 triệu đồng. So với lĩnh vực kinh doanh khác, đây được coi là ngành nghề có thu nhập cao. Chính vì thế, thời gian gần đây, việc kinh doanh xe khách đã bùng nổ và có chiều hướng... hỗn loạn!

“Đất chật, người đông”

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn Tp. Hà Nội có các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm... với 540 tuyến đăng ký hoạt động, trong đó có gần 5 nghìn lượt xe ra vào bến mỗi ngày. Tại bến xe Mỹ Đình có 150 tuyến, 220 đơn vị vận tải đăng ký 1.642 lượt xe. Bến xe Giáp Bát có 95 tuyến, 150 đơn vị vận tải đăng ký.

1.201 lượt xe. Bến xe Gia Lâm có 81 tuyến, 90 đơn vị vận tải đăng ký hoạt động với 799 lượt xe. Các xe xuất phát từ bến xe Hà Tĩnh khoảng 70 đầu xe, Nghệ An khoảng 200 đầu xe, Thanh Hóa khoảng 200 đầu xe, còn lại các tuyến Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai... cũng trên dưới vài trăm lượt.

vovgiaothong_Kinh doanh xe khách: 'Quần ngư tranh thực' trên... xa lộ!
Việc cạnh tranh giữa các nhà xe trên cùng một tuyến hay giữa các nhà xe diễn ra rất khốc liệt.

Nổi cộm trong dịch vụ kinh doanh xe khách hiện nay phải kể đến tuyến Hà Nội-Hải Phòng. Theo tìm hiểu của PV, các nhà xe Hải Âu, Đất Cảng, Thanh Long, Hoàng Long, Ô Hô, Hoàng Ngân... với khoảng 250 đầu xe đang ngày đêm “cày xới” tuyến này với tần suất 15 phút/xe xuất bến. Chỉ cần nhẩm tính nhanh cũng cho ra đáp án, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe của các nhà xe xuất bến. Tuy số lượng xe chạy khá nhiều nhưng hiệu số khách lên xe chỉ đạt chưa đến 50% số ghế.

Theo tìm hiểu của PV, các tuyến xe chạy tuyến Nam Định - Hà Nội cũng rất nhộn nhịp với khoảng trên dưới 200 nhà xe đăng ký khai thác. Hiện tại với tuyến Nam Định - Mỹ Đình (Hà Nội), tính cả tuyến huyện, cứ khoảng 2 phút có một xe xuất bến. Với tần suất quá dày như vậy, việc tranh giành khách đúng là một cuộc chiến theo đúng nghĩa. Vào những ngày đầu và giữa tuần, lượng khách đi xe ít, nhiều xe chỉ chở... “gió”. Tuy nhiên, những ngày cuối tuần, lượng khách đông do nhu cầu đi lại cao, các nhà xe tranh đua nhau trên xa lộ để “kiếm” bù vào những ngày vắng khách trước đó.

Ngoài ra, hiện nay đa phần các nhà xe đều tập hợp với nhau thành lập các công ty TNHH vận tải để hoạt động. Hoặc chủ nhà xe tự lập công ty rồi thuê nhân viên phục vụ. Theo tìm hiểu của PV, hiện nay số lượng xe của các công ty chiếm đa số, còn một phần nhỏ là của cá nhân.

“Quần ngư tranh thực”

Do lượng cung vượt quá cầu khiến cho một số nhà xe phải tìm mọi cách lôi kéo được nhiều khách nhất để tăng doanh thu. Cũng chính từ nguyên nhân này khiến cho hoạt động vận tải hành khách phát sinh nhiều bất cập nếu không muốn nói là hỗn loạn.

Theo khảo sát của PV, trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, những lỗi vi phạm phổ biến thường là đón trả khách sai bến gây mất trật tự và ảnh hưởng đến hoạt động của các bến xe; vượt, phóng tạt lề vô tội vạ để tranh giành khách trên đường; tranh giành “lốt” xuất bến vào khung giờ “vàng” khiến tình hình an toàn giao thông và chất lượng vận tải hành khách trên tuyến đường này ngày càng giảm sút.

Trong giới vận tải hành khách, việc cạnh tranh giữa các nhà xe cùng một tuyến là điều khó tránh khỏi vì nó liên quan đến số lượng khách và thu nhập của nhà xe. Việc các xe xuất bến vào các khung giờ “vàng” sẽ “bắt” được nhiều khách được các nhà xe rỉ tai nhau. Và từ đây, một cuộc chiến trong việc giành khung giờ xuất bến nổ ra khốc liệt, dĩ nhiên, những nhà xe có “mối quan hệ”, có “thế lực” hơn sẽ giành được những “lốt” xe đẹp nhất.

Ngoài ra, việc xe có đông khách hay không còn phụ thuộc vào yếu tố uy tín của nhà xe, hãng xe đó. Để tạo chỗ đứng cho mình, các nhà xe đã chú ý tạo dựng thương hiệu bằng việc đầu tư vào đội ngũ nhân viên cùng với chất lượng xe và thái độ phục vụ. Điều này chỉ được thực hiện ở các hãng xe lớn, có tính cạnh tranh cao, còn đối với những tuyến xe “độc quyền” thì hành khách không có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, việc hạ giá vé để hút khách không được các nhà xe triển khai vì giá đã đăng ký với cơ quan Nhà nước. Vào những dịp cuối tuần hoặc lễ, tết, một số nhà xe còn tự tăng giá từ 10 đến 50%, với giải thích, bù vào ngày vắng khách trong tuần.

Nhắc đến câu chuyện uy tín, nhiều người đi tuyến Mỹ Đình (Hà Nội) -Nho Quan (Ninh Bình) không khỏi ngao ngán khi nhắc tới nhà xe C.T. Nhà xe này được cấp phép khai thác tuyến Mỹ Đình-Nho Quan và ngược lại. Xuất bến từ Nho Quan đi là 7h, về là 13h30’. Có điều là nhà xe này chạy theo lộ trình “đường làng” theo trục: Yên Thủy (Hòa Bình) – Kim Bảng (Hà Nam) rồi mới ra Quốc lộ 1 lên bến Mỹ Đình.

Ngoài việc bắt khách “ruột” ở dọc tuyến cố định của mình, nhà xe này “lập lờ” trong việc đón khách vãng lai. Đơn cử như tại đầu bến Mỹ Đình, xe treo biển bến xe Nho Quan (Ninh Bình), tuy nhiên các khách hỏi bắt xe về ngã ba Gián Khẩu (huyện Gia Viễn) và thị trấn Me (Gia Viễn) đều được các nhà xe này... “hốt hết”, mặc dù xe không chạy qua những điểm đó. Sau khi khách đã lên xe, xe này sẽ “bán” khách ở một tiệm bánh mỳ đoạn gần vào Tp. Phủ Lý (Hà Nam) hoặc đưa lại cho khách một ít tiền rồi đuổi khách xuống. Kiểu làm ăn bát nháo của nhà xe C.T. khiến không ít “thượng đế” bức xúc. Trong một lần đi thực tế, PV thắc mắc về việc xe không chạy qua các điểm trên sao nhà xe vẫn đưa khách lên xe rồi đuổi xuống giữa đường, nhà xe này lờ đi như không nghe thấy!

PV có dịp khảo sát thực tế trên đoạn quốc lộ 2 từ thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) đến thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Mặc dù đã có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhưng nhiều nhà xe ở Tuyên Quang, Phú Thọ vẫn “thích” chạy đường quốc lộ để dễ dàng bắt khách hơn. Đoạn đường Đại lộ Hùng Vương (Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vào đầu giờ buổi sáng tấp nập người và xe, trong đó có khá nhiều xe khách mang BKS Phú Thọ, Tuyên Quang lưu thông.

Trong nội thành, do bị hạn chế bởi tốc độ và lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát nên các xe này đi khá “hiền”. Tuy nhiên, khi đã qua hết cầu Việt Trì nối Phú Thọ với Vĩnh Phúc thì các nhà xe bắt đầu “giành” nhau từng cm để bắt khách. Những cú tạt đầu vượt phải, tấp lề đột ngột khiến những người tham gia giao thông hay chính khách trên xe hoảng hồn, thót tim.

Theo ghi nhận của PV, xe BKS 19L.09xxx và xe 24 chỗ BKS 22B.052xx cùng chạy về bến Mỹ Đình gặp nhau ở khu vực đầu Tp. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Đến điểm đèn đỏ lối rẽ về huyện Lập Thạch có 4 vị khách vẫy xe. Từ phía xa, xe BKS Tuyên Quang nhấn ga vọt qua hông chiếc xe BKS Phú Thọ rồi táp nhanh vào lề để đón khách. Đúng lúc này, xe BKS Phú Thọ nhanh chóng vượt qua xe BKS Tuyên Quang để đến vị trí có một khách đứng đợi xe ở phía trên. Và cứ thế, suốt đoạn đường trong nội thị Vĩnh Yên, hai chiếc xe này cứ bám đuổi nhau bắt khách khiến nhiều người phát hoảng. 

Đánh dằn mặt lái xe, gọi điện đe dọa chủ xe vì cùng tuyến

Công an Tp. Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) cho biết, đã tạm giữ 6 đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi gây thương tích cho lái xe và phụ xe của công ty Ánh Hằng ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vào tối 13/11. Theo đó, 6 đối tượng khai nhận vì mâu thuẫn trong việc tranh giành tuyến, họ đã hành hung lái xe và phụ xe khách của nhà xe Ánh Hằng để dằn mặt. Trước đó, nhân viên nhà xe Tuấn Hạnh chạy tuyến Hà Tĩnh – Lào cũng bị nhân viên của nhà xe Đất Việt chạy cùng tuyến tấn công. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ cạnh tranh luồng, tuyến trong giới vận chuyển hành khách.

Ý kiến của bạn

Bình luận