Kinh nghiệm thực tập nước ngoài của 9X Việt

12/09/2019 09:01

Vũ Phương Thảo từng dạy tiếng Anh một năm ở trường top 52 thế giới nhờ vượt qua định kiến người Việt không thể dạy tiếng Anh ở nước ngoài.

Untitled
Vũ Phương Thảo bên các thực tập sinh ở ELC. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vũ Phương Thảo, 24 tuổi, quê Đồng Nai, từng được biết đến với danh hiệu "thủ khoa kép" của Đại học Sư phạm TP HCM, đạt IELTS 8.0 và TOEFL iBT 111/120. Thảo vừa kết thúc một năm (từ tháng 8/2018) làm thực tập sinh dạy tiếng Anh, vị trí "Visiting Fellow" ở City University of Hong Kong (Trung Quốc) - ngôi trường đứng thứ 52 trên bảng xếp hạng đại học thế giới của QS.

Thảo chia sẻ quá trình tìm kiếm cơ hội giảng dạy tiếng Anh ở đại học nổi tiếng Hong Kong và những gì cô đã làm trong một năm sinh sống ở đây.

1. Tìm thông tin thực tập từ đâu?

Thay vì chỉ sử dụng mạng xã hội để giải trí, bạn có thể tìm kiếm cơ hội, chương trình thực tập ở nước ngoài bởi thông tin này đăng tải rất nhiều. Bạn cũng có thể tìm kiếm trên website chuyên thông tin về chương trình thực tập ở các nước. Mình hay tìm và nộp hồ sơ thông qua chương trình Global Talent của AIESEC.

Cơ hội thực tập ngành sư phạm tiếng Anh rất nhiều, nhưng đa phần chuộng người bản địa (native speakers). Thế nhưng, mình vẫn nộp hồ sơ vào tất cả cơ hội có thể tìm được. Có 5 nơi chấp nhận mình là Đài Loan, Hong Kong, Sri Lanka, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với người học khối kinh tế, quan hệ quốc tế, cơ hội thường rộng hơn. Ở Hong Kong, có Third Bridge hay HKTDC tuyển thực tập sinh người Việt.

2. Tại sao mình được chọn?

Định kiến chỉ có người nước ngoài mới dạy được tiếng Anh vẫn ngập tràn ở châu Á. Mình không phủ nhận giáo viên bản ngữ có lợi thế về ngôn ngữ mà những giáo viên non-native như mình phải cố gắng rất nhiều mới có. Tuy nhiên, mình cũng tin những giáo viên như mình có lợi thế khác.

Ví dụ, tụi mình từng là người học nên biết được người học tiếng Anh gặp những khó khăn gì, cách vượt qua nó, nền tảng văn hóa. Mình hay bảo học viên "Tôi là người Việt Nam, tôi còn học được thì các bạn cũng học được". Câu hỏi nên hỏi, không phải là "why me" (tại sao là tôi) mà là "why not me" (tại sao không phải tôi)?

Mình biết bản thân có đủ điều kiện cần cho công việc này: tiếng Anh đủ tốt (IELTS 8.0 và TOEFL iBT 111/120), có kinh nghiệm giảng dạy (đi dạy từ năm nhất đại học), kinh nghiệm tổ chức hoạt động cho sinh viên thời còn học đại học và các chương trình giao lưu quốc tế thanh niên.

Một ý khiến mình bất ngờ, khi hỏi tại sao chọn mình, sếp trả lời "Cause you have positive attitude during the interview" (Bởi vì bạn có thái độ tích cực trong suốt buổi phỏng vấn). Ngoài kinh nghiệm hay kỹ năng, thái độ cũng là yếu tố quan trọng.

Thực ra tự nhìn nhận thì mình thấy bản thân không xuất sắc. Tất cả trải nghiệm đều bắt đầu từ việc đơn giản là mình dám "thử" và chủ động tìm cơ hội để thử. Nếu vẫn e dè bởi định kiến "người Việt thì làm sao dạy tiếng Anh ở nước ngoài", có lẽ mình đã không có trải nghiệm này.

3. Chuẩn bị những gì trước khi sang Hong Kong?

Để chuẩn bị cho một năm sống và làm việc ở Hong Kong, mình tìm hiểu rất kỹ về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, thói quen, kinh tế của Việt Nam và Hong Kong. Việc hiểu biết về Việt Nam giúp mình có thể giải đáp mọi tò mò của người Hong Kong về cuộc sống ở quê hương mình. Còn hiểu biết về văn hóa của Hong Kong giúp mình dễ làm quen với đồng nghiệp và người bản xứ hơn.

Với vai trò là giáo viên, mình còn tìm hiểu thêm về phim ảnh, âm nhạc để có thể dễ dàng kết nối với học trò. Mình luôn nghĩ việc sang Hong Kong thực tập vừa đi làm, vừa đi học nên tự dặn bản thân phải giữ thái độ khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi. Điều này sẽ tạo ấn tượng tốt cho những người làm cùng.

Bên cạnh đó, mình cũng mở lòng đón nhận trải nghiệm. Trải nghiệm của mỗi người đều rất khác nhau và ý kiến của mọi người đều mang tính chất tham khảo thôi. Rất nhiều người bảo mình là Hong Kong chán lắm, toàn nhà cao tầng, mọi người sống vội và lạnh lùng. Nhưng ở Hong Kong, mình tìm ra rất nhiều chỗ đáng yêu. Đa phần những người mình gặp đều tốt và nhiệt tình.

4. Làm được gì ở Hong Kong?

Vị trí của mình là Visiting Fellow cho English Language Center - ELC (Trung tâm ngoại ngữ) của City University of Hong Kong. Tất cả đại học ở Hong Kong đều có một ELC, thường độc lập với khoa tiếng Anh của trường.

Nhiệm vụ của ELC là tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển năng lực tiếng Anh (English language supporting services) cho sinh viên của toàn trường, bao gồm cả bậc đại học và sau đại học, hệ chính quy và phi chính quy. Ngoài việc tạo ra môi trường cho các bạn thường xuyên sử dụng và tiếp xúc với tiếng Anh, ELC còn giúp sinh viên phát triển các kỹ năng tiếng Anh cần thiết cho bậc đại học như viết, thuyết trình, phỏng vấn xin việc.

Vì không phải học sinh nào vào đại học cũng giỏi tiếng Anh mà tất cả khóa học đều bằng tiếng Anh, ELC là cơ hội để các bạn rèn giũa thêm trong suốt 4 năm.

ELC của City University of Hong Kong có 3 mảng chính là workshop, studio và chat group. Về workshop, Visiting Fellow như mình sẽ phụ trách giảng dạy trong các lớp học về Writing (kỹ năng viết), Presentation (kỹ năng thuyết trình), Workplace English (tiếng Anh công sở) và IELTS. Studio là giờ dạy kèm 1-1. Tụi mình sẽ ngồi nói chuyện, đọc bài viết của học viên và tư vấn xem họ cần cải thiện những lỗi nào, tùy theo nhu cầu. Chat group là hoạt động thảo luận hàng tuần để các bạn có môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh.

Vị trí của mình rơi vào ngạch nhân viên hợp đồng của trường nên vẫn được sử dụng tất cả dịch vụ, cơ sở vật chất như thư viện, khám chữa bệnh, được tài trợ tham gia các hội thảo.

Ngoài dạy ở ELC, mình tranh thủ thời gian làm thêm một nghiên cứu nhỏ để báo cáo ở Hội thảo về giảng dạy tiếng Anh của các trường đại học ở Hong Kong. Nhờ là nhân viên của trường, mình được tài trợ 80% chi phí nghiên cứu.

Thời gian rảnh mình cũng tham gia tình nguyện cho một tổ chức về giáo dục văn hóa quốc tế Intercultural Education (ICE), giới thiệu văn hóa Việt Nam đến các bạn học sinh cấp ba ở Hong Kong.

Một năm có thể là trải nghiệm đẹp nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn có thể biến nó thành một nấc thang đưa bạn đến những trải nghiệm đẹp khác tiếp theo. Ngoài một cái gạch đầu dòng trên CV là từng thực tập ở Hong Kong, mình còn muốn tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức và các mối quan hệ cho công việc sau này.

Ý kiến của bạn

Bình luận