Ông Ken Rogoff nói không thể loại trừ việc "hạ cánh cứng" đối với một trong các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.
"Trung Quốc đang trải qua một cuộc cách mạng chính trị lớn", ông nói.
"Và tôi nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại nhiều hơn so với số liệu chính thức cho thấy,"
Ông Rogoff nói thêm: "Nếu bạn muốn xem một phần của thế giới có vấn đề về nợ thì hãy tìm hiểu về Trung Quốc. Tín dụng tăng trưởng mạnh tại đây và không thể tiếp diễn như vậy mãi được."
Ảnh hưởng tới Anh Quốc
Tuần trước, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổ chức tư vấn cho các ngân hàng trung ương toàn cầu, cho biết tỷ lệ nợ trong kinh tế của Trung Quốc so với GDP đứng ở mức 30,1%, và điều này dẫn tới lo ngại rằng bùng nổ kinh tế của Trung Quốc dựa trên bong bóng tín dụng bất ổn.
Con số này được Ủy ban chính sách tài chính của Ngân hàng Trung ương Anh mô tả là "rất cao theo chuẩn mực quốc tế". Và nay người ta sẽ kiểm tra mức độ ảnh hưởng tới các ngân hàng Anh khi kinh tế Trung Quốc bị chững lại.
Các ngân hàng Anh cho vay và có hoạt động kinh doanh trị giá 530 tỉ USD tại Trung Quốc, tính gồm cả Hong Kong. Tức là khoảng 16% toàn bộ tài sản của nước ngoài là do các ngân hàng Anh nắm.
'Lo lắng'
"Mọi người đều nói tình hình Trung Quốc là khác vì nhà nước sở hữu tất cả mọi thứ nên họ có thể kiểm soát", ông Rogoff, nay là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nói.
"Chỉ tới một thời điểm nào đó thôi. Chắc chắn là đáng lo về khả năng hạ cánh cứng ở Trung Quốc.
"Chúng ta đang thấy có việc hạ cánh đã khá gấp và tôi lo rằng Trung Quốc ngày càng trở thành vấn đề.
"Chúng ta chủ quan với suy nghĩ rằng bất cứ điều gì đang xảy ra ở châu Âu hay Nhật Bản thì ít nhất là còn có Trung Quốc. Nhưng vấn đề là nếu không có Trung Quốc thì không có nền kinh tế nào thế chỗ.
"Tôi nghĩ rằng Ấn Độ có thể sẽ có lúc có kinh tế ở mức đó nhưng hiện đang bị đuối quá về kích cỡ nên không thể đóng vai trò thay thế."
Ông Rogoff nói rằng các nền kinh tế châu Âu và Hoa Kỳ phải đảm bảo họ "đứng được trên đôi chân của mình" trước khi bất kỳ việc kinh tế chững lại nào bắt đầu xảy ra.
"IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong chín năm liên tiếp và chắc chắn là có việc đồn đoán là họ sắp làm điều đó một lần nữa," ông nói.
Ngoài chủ đề Trung Quốc, ông nói rằng có một mức bất an trên thế giới đối với các chủ đề như liệu Donald Trump hay Hillary Clinton sẽ chiến thắng trong kỳ bầu cử tại Hoa Kỳ.
Ông lập luận rằng khó có thể đánh giá ông Trump sẽ làm gì nếu thắng cử, và nếu bà Clinton thắng thì có thể có kế hoạch của bà chi tiêu cho các dự án hạ tầng sẽ bị Hạ viện cho đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cản trở.
"Chắc chắn là tôi lo ngại, có thể lo ngại nhiều hơn với chiến thắng thuộc về ông Trump, chỉ vì chúng ta sẽ không biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo", ông Rogoff nói.
"Tôi không thích chính sách mậu dịch [bảo hộ] của cả hai ứng cử viên. Tôi nghĩ rằng mậu dịch tự do đã làm lợi cho Hoa Kỳ rất nhiều trong vị trí nền kinh tế đầu tàu. Vì vậy, đánh giá trên góc độ của một nhà kinh tế, thì đây là một cuộc bầu cử nhiều đau đớn."
Tác động của Brexit
Ông Rogoff nói không rõ Brexit sẽ có những tác động gì đốiv ưới nền kinh tế Vương quốc Anh vì vẫn chưa thể xác định mô hình mậu dịch có thể được chấp nhận qua đàm phán cũng như đánh giá nền nền kinh tế châu Âu sẽ ra sao vào thời điểm nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Mặc dù khen Ngân hàng Trung ương Anh có phản ứng chủ động sau kết quả trưng cầu dân ý, ông Rogoff nói rằng các ngân hàng trung ương đang trong vị trí khó xử.
"Chính sách tiền tệ có giới hạn của nó – chính sách tiền tệ không phải là thuốc chữa bách bệnh," ông nói.
"Thực ra không nên khen ngợi các ngân hàng trung ương quá nhiều khi mọi thứ tốt, và rồi đổ lỗi cho họ khi mọi việc có diễn biến xấu.
"Nhưng chính sách tiền tệ không làm cho một nền kinh tế già cỗi có thế trẻ lại, nó không làm cho một nền kinh tế ít sang tạo bỗng nhiên đổi mới, nó không làm cho một nền kinh tế với khu vực ngân hàng trì trệ lại tự nhiên khỏe mạnh.
"Tôi có một mối quan ngại về chính sách tiền tệ tại thời điểm này – tức là chính sách phải đảm nhận vai trò mà vốn dĩ không được thiết kế để đảm đương vai trò đó. Tức là người ta được yêu cầu áp dụng chính sách “tiền trực thăng”, tức là in tiền để tài trợ cho chi tiêu chính phủ hoặc tài trợ tiền mặt cho người dân.
Ở châu Âu, các ngân hàng trung ương đang mua một tỷ lệ đáng kể nợ của doanh nghiệp trên thị trường - đó là những gì được làm ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản.
"Có nhiều thứ áp lực khác và tôi lo là về dài hạn thì các ngân hàng trung ương đang mất đi vị thế độc lập của họ."
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.