Kon Tum: Lâm tặc mở đường phá rừng sát "nách" Trạm bảo vệ rừng?

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 19/04/2019 10:36

Nằm giữa 2 trạm bảo vệ rừng, tuy nhiên hàng loạt cây gỗ khủng có đường kính cả mét vẫn bị lâm tặc đốn hạ khiến dư luận đặt câu hỏi.


Theo phản ánh của người dân, tại cánh rừng khu vực xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vẫn còn ngổn ngang dụng cụ như: dây cáp, móc xích và hàng chục lóng gỗ khủng đã bị đốn hạ mà lâm tặc bỏ lại đây.

Theo đó, "lâm tặc" ngang nhiên mở đường vào khu rừng ở xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy cưa hạ gỗ cổ thụ có đường kính cả mét, trong khi đó khu rừng bị phá, ở 2 đầu có 2 trạm bảo vệ rừng đóng chốt nhưng không hiểu sao lâm tặc vẫn ngang nhiên phá rừng cổ thụ.

000
Tại hiện trường nhiều lóng gỗ khủng nằm ngổn ngang

Quan sát thực tế, Trạm Bảo vệ rừng Sê San 3 (đóng tại cầu Sê San 3, xã Ya Tăng, Lâm trường Sa Thầy, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy) được nối với Trạm Bảo vệ rừng Ya Tăng (Lâm trường Sa Thầy) bằng con đường nhựa độc đạo có chiều dài khoảng 16km.

Tuy nhiên, khi di chuyển từ Trạm Bảo vệ rừng Sê San 3 khoảng 11km về Trạm Bảo vệ rừng Ia Tăng, PV phát hiện có nhiều điểm lâm tặc khai thác gỗ trái phép.

Cụ thể, điểm thứ nhất, một con đường mòn dẫn từ đường vào rừng, bên trên còn in hằn dấu bánh xe máy cày. Ở vị trí này có hàng chục cây gỗ cổ thụ khổng lồ còn mới đã bị đốn hạ nhưng bên trên gốc và lóng không hề có dấu vết hay đánh số kiểm tra của cơ quan chức năng. Trong đó, phần lớn các cây gỗ có đường kính khoảng 1m đã bị cắt khúc chở đi, chỉ còn trơ gốc. Một số cây còn lại thì bị cưa xong rồi để nguyên thân cây, hoặc xẻ thành lóng nhưng chưa kịp chở đi.

2222
Những cây cổ thụ chỉ còn lại gốc... ngay sát "nách" trạm bảo vệ rừng

Tại hiện trường còn có rất nhiều dây cáp và móc xích dùng để kéo, vận chuyển gỗ, nghi do lâm tặc để lại chờ có cơ hội là tiếp tục khai thác, kéo gỗ đi tiêu thụ. Điểm phá rừng khác nằm cách điểm trên khoảng 1km, ước tính có 5 cây gỗ bị đốn hạ. Ngoài ra, rải rác ở một số đường xương cá, cũng có những cây gỗ bị cưa hạ nằm giữa rừng.

Phản ánh vụ việc qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, bản thân ông bận họp, đề nghị PV qua Hạt Kiểm lâm cung cấp, sau đó sẽ có hướng xử lý.

Tại đây, ông Võ Minh Văn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy sau khi xem hình ảnh chia sẻ, qua mô tả thì chưa thể khẳng định số gỗ bị đốn hạ thuộc khu vực xã Ya Tăng hay Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy quản lý. Để chính xác, hạt sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy và một số đơn vị khác đi kiểm tra thực tế, có thông tin sẽ cung cấp ngay cho PV.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy cũng xác nhận lâm tặc không thể kéo gỗ từ Ya Tăng qua con đường đất trên để về huyện Ia HDrai mà chỉ có thể đi qua 2 Trạm Bảo vệ rừng Sê San 3 và Trạm Bảo vệ rừng Ya Tăng (thuộc Lâm trường Sa Thầy, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy). “Khu vực rừng bị phá giữa 2 trạm mà phóng viên ghi nhận cũng có rẫy mì của dân. Có thể lâm tặc khi chở gỗ qua trạm thì ngụy trang một lớp mì bên trên nên không thể kiểm tra được”, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy cho biết.

Cũng theo đại diện Công TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy, qua mô tả thì chưa xác định được rừng do xã hay do đơn vị quản lý nên công ty sẽ tiến hành kiểm tra rồi thông báo lại. Lãnh đạo công ty này cũng cho rằng, thời điểm tết Nguyên Đán năm nay, ở khu vực “gần đâu đó” nơi phóng viên phản ánh phá rừng, cơ quan chức năng vào kiểm tra thì có 1 chiếc xe độ chế trút gỗ xuống, bỏ chạy. Quá trình bỏ chạy, chiếc xe độ chế này tông trúng phải xe của cơ quan chức năng. Gỗ các đối tượng vứt lại sau đó được đưa về Trạm Bảo vệ rừng Ya Tăng.  

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, số gỗ đưa về trạm Ya Tăng mà đại diện công ty này nói phần lớn là gỗ bằng lăng, một số lóng còn lại là gỗ khác; tuy nhiên theo ghi nhận của PV, tại hiện trường hàng chục cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ có nhiều cây gỗ bị cưa hạ không thuộc chủng loại gỗ mà cơ quan chức năng đã bắt và không hề có dấu kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ý kiến của bạn

Bình luận