Kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống GTVT (1945 - 2017): Tầm vóc mới trên những "đại công trường" trong tương lai

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
29/08/2017 06:56

Hà Nội - Lào Cai giờ đây sao gần đến vậy, Đà Nẵng - Sài Gòn giờ như hai người hàng xóm cận kề nhau. Những con đường cao tốc nối kết các vùng miền đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thông thương những vùng kinh tế. Trên bầu trời, dưới mặt nước, một mạng lưới giao thông đang được quy hoạch mang tính chiến lược, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. 72 năm đồng hành cùng dân tộc, ngành GTVT đang nỗ lực vượt khó, thực hiện sứ mệnh “đi trước mở đường”, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

 

1
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Trải qua bao năm can trường chống giặc ngoại xâm, người Việt Nam dường như đã chai sạn với vất vả nắng mưa, một lòng hướng về Đảng, về Bác vì mục tiêu độc lập tự do của dân tộc. Lịch sử đã sản sinh ra lớp lớp người con ưu tú, ngày đêm cống hiến công sức, đặt từng viên gạch hồng xây nên Tổ quốc vĩ đại, trường tồn như ngày hôm nay. Trong đó, những cán bộ, kỹ sư, CNV ngành GTVT luôn là biểu tượng đẹp cho ý chí, sự hy sinh để ngày mai đất nước được rạng ngời.

Trước sự phát triển “nóng” của nền kinh tế, nhu cầu của con người cũng ngày càng tăng lên đòi hỏi sự “cung ứng” của xã hội ngày một lớn. Sức ép từ dân số, cơ sở hạ tầng đè nặng lên giao thông đô thị. Yêu cầu kết nối vùng miền đặt ra cho giao thông bài toán khó, khi nguồn lực tài chính còn hạn hẹp. Cách nghĩ, cách hành xử của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, ảnh hưởng đến tình hình TTATGT, dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong xã hội...

Đó là bài toán khó, các cấp lãnh đạo, cơ quan đơn vị ngành GTVT đã và đang phát huy những thành quả đạt được, từng bước tháo gỡ nút thắt phù hợp với điều kiện cụ thể. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn Ngành đã tạo dựng một diện mới cho GTVT với hệ thống đường sá, cầu cảng, kho vận tương đối hiện đại, số lượng các phương tiện vận tải phong phú, đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, ngành GTVT đã linh hoạt trong cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cả nước sôi động như một “đại công trường” để làm nên những thành quả đáng tự hào như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường Hồ Chí Minh... và chuẩn bị cán đích với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Hưng Hà, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hầm Đèo Cả... và nhiều công trình tầm cỡ, quy mô khác.

Bên cạnh những công trình trọng điểm đang triển khai, các cơ quan chức năng ngành GTVT đang tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh công tác chuẩn bị những dự án có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã cơ bản hoàn thành công tác báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị để xin ý kiến về chủ trương đầu tư. Đối với Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung danh mục chuẩn bị đầu tư, bố trí vốn làm cơ sở triển khai nghiên cứu dự án. Tại Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách đã được lựa chọn và đang triển khai các bước tiếp theo... Đây đều là những “đại dự án” cần nguồn kinh phí lớn, đòi hỏi Ngành phải có sự chuẩn bị chu đáo, mạnh dạn, sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm để người dân được thụ hưởng giá trị của những công trình đó mang lại.

Với mục tiêu giảm thiểu số vụ TNGT, tăng cường các biện pháp đảm bảo TTATGT, thời gian qua lãnh đạo Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo toàn Ngành ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, chung tay cùng ngành GTVT dẹp “giặc” xe quá tải, vấn nạn “xe dù, bến cóc”, trả lại sự bình yên cho những con đường, ổn định trật tự xã hội. Có thể nói đây là thành quả rất lớn của ngành GTVT nói riêng và toàn xã hội nói chung, được nhân dân đồng thuận và tin tưởng.

Đổi mới để phát triển luôn là nhiệm vụ xuyên suốt của toàn ngành GTVT, đặc biệt là trong bối cảnh mới cần sự năng động, sáng tạo. Mỗi đơn vị, cơ sở đều là mắt xích quan trọng, là miếng ghép trong bức tranh tổng thể ngành GTVT. Đường bộ, Đường sắt, Hàng hải, Đường thủy nội địa, Hàng không, Đăng kiểm đều có sự tăng trưởng và dấu ấn riêng. Nếu Hàng không đã phát huy được vai trò, thế mạnh của mình thì Đường sắt đang có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và hành động khi Luật Đường sắt (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua. Nếu Hàng hải đang tự tin vươn khơi thì Đường thủy nội địa đã bám vào điều kiện nội tại để xây dựng chiến lược phát triển.

Đối với ngành GTVT, khoa học công nghệ được coi là yếu tố then chốt làm nên những công trình giao thông chất lượng, hiện đại và thẩm mỹ. Bên cạnh những công nghệ truyền thống, đội ngũ cán bộ, kỹ sư luôn tìm tòi, học hỏi, ứng dụng những công nghệ mới, vật liệu mới phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngành GTVT luôn gắn nhiệm vụ chính trị vào nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là trách nhiệm của mỗi CB, CNV trong việc giữ gìn, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Mỗi con tàu là một ánh mắt, mỗi chuyến hành trình là một cuộc tuần tra. Trên chuyến hành trình ấy có những con tàu không số năm xưa với bao chiến công hiển hách và nay vẫn trên tuyến luồng ấy là đội tàu trọng tải lớn, hiện đại mang trên mình trọng trách phát triển kinh tế quê hương...

Kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống, lớp lớp CB, CNVC ngành GTVT tự hào nhìn lại chặng đường gian lao vất vả đã qua để vững tin và trân trọng những thành quả đạt được trong thời kỳ đổi mới và kỳ vọng vào tầm vóc, bề thế của những “đại công trình” mà ngành GTVT đã, đang và sẽ thực hiện, tiến lên cùng đất nước và thời đại.

Ý kiến của bạn

Bình luận