Ảnh minh họa |
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, ngoài môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì tất cả các môn khác sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang huy động tất cả các thầy cô giáo giỏi trong cả nước cùng tham gia soạn thảo đề thi cho các môn để đến tháng 5/2016, chúng ta sẽ có một ngân hàng đề thi đủ lớn và chất lượng để mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
PV: Thưa Thứ trưởng, khi nào Bộ GD-ĐT có những hướng dẫn cụ thể để thầy cô giáo và học sinh có phương hướng giảng dạy, học tập phù hợp?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Cho đến nay, các địa phương và trường THPT đã nắm được những nội dung cơ bản và một số thay đổi trong phương án thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017.
Sau khi công bố phương án chính thức, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn chi tiết trên nền tảng những nội dung đã nêu trong phương án để các trường có kế hoạch giảng dạy và cho học sinh học tập, ôn luyện phù hợp.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết việc soạn thảo ngân hàng đề thi trắc nghiệm đang được Bộ GD-ĐT thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD-ĐT đang lập ban soạn thảo đề thi trắc nghiệm cho các môn thi THPT Quốc gia với việc huy động tất cả các thầy cô giáo giỏi trong cả nước cùng tham gia. Kế hoạch chi tiết cho công tác làm đề thô, đề cho học sinh thi thử đã được thực hiện nhằm tiến tới chuẩn hóa đề các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Việc làm này cũng là để đến tháng 5/2016, chúng ta sẽ có một ngân hàng đề thi đủ lớn và chất lượng để mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
PV: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có một số thay đổi về cách thức tổ chức cũng như có nhiều môn học thi theo hình thức mới. Bộ GD-ĐT có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD-ĐT đã đưa ra hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc, khách quan cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Về đề thi, đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, Bộ sẽ cho mỗi thí làm một đề thi riêng nên dù thí sinh có ngồi cạnh nhau thì cũng không thể nhìn bài nhau được.
Sau khi thí sinh thi xong, việc chấm thi sẽ được thực hiện bằng máy với độ chính xác cao nên sẽ loại trừ được những tiêu cực cũng như khắc phục được sự thiên vị trong quá trình chấm thi.
Trong quá trình coi thi, ngoài những cán bộ quản lý, giáo viên các Sở GD-ĐT, trường THPT thì Bộ GD-ĐT cũng cử giảng viên các trường ĐH, CĐ xuống các địa phương để phối hợp thực hiện công tác trông thi. Đây là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia phục vụ cho công tác tuyển sinh.
PV: Không chỉ dựa vào kết quả thi THPT để xét tuyển mà nhiều trường ĐH, CĐ còn tổ chức tuyển sinh theo phương án riêng. Một số ý kiến cho rằng, thí sinh vừa tham gia kỳ thi THPT Quốc gia và thực hiện theo phương án tuyển sinh riêng của một số trường sẽ quá tải, căng thẳng với các em. Thứ trưởng có thể cho biết ý kiến về những băn khoăn trên?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ngoài dựa vào kết quả thi THPT để xét tuyển, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Hiện nay, một số trường có tính đặc thù về năng khiếu, thuộc nhóm nghiên cứu hoặc những trường yêu cầu tuyển sinh với mức độ cao thì có thể đưa ra phương án tổ chức thi riêng hoặc thi thêm các hình thức khác để tuyển chọn thí sinh.
Số lượng thí sinh tham gia dự thi theo phương án tuyển sinh riêng hay phải thi thêm các hình thức khác chiếm số lượng nhỏ, không phải lên đến hàng triệu thí sinh như trong kỳ thi THPT Quốc gia nên sẽ nhẹ nhàng, không đến nỗi quá tải đối với thí sinh.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!/.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.