Lại nói về biển 106b

Tác giả: Phan văn khôi

saosaosaosaosao
Lái xe an toàn 29/11/2017 18:33

Đến nay, sau 16 năm ban hành Luật Giao thông đường bộ với rất nhiều các Nghị định, Thông tư, nhưng qua các diễn đàn và ý kiến bạn đọc vẫn nhận thấy mỗi người hiểu một khác, kể cả các thẩm phán, luật sư. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

Untitled

Nguyên nhân của tình trạng ấy bắt nguồn từ các văn bản pháp quy về giao thông đường bộ dùng từ ngữ không chuẩn mực và không thống nhất, đặc biệt là các từ khối lượng, trọng lượng, trọng tải và tải trọng.

QCVN 41:2016/BGTVT (sau đây viết tắt là QC 41) mới nhất đã có nhiều tiến bộ, ví dụ: 1) đã loại bỏ từ trọng lượng; 2) hầu hết các đơn vị đo lường đã được viết đúng Luật Đo lường và đã thực thi đúng trên các biển báo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là văn bản được ban hành bởi Thông tư do Bộ trưởng ký, nên nó là văn bản dưới Luật.

Các luật sư, thẩm phán, cảnh sát giao thông, các trường đào tạo lái xe và truyền thông, tất nhiên, chỉ viện dẫn văn bản pháp luật còn đầy mâu thuẫn để giải thích, nên tình trạng hiểu không thống nhất càng thêm lan rộng. Chỉ có thể chấm dứt tình trạng đó khi văn bản pháp luật được sửa đổi với những từ ngữ khoa học, ngắn gọn, chính xác và nhất quán.

Trước hết, TRỌNG TẢI là gì? Trọng tải là khối lượng lớn nhất mà xe có thể chở được (sức chở). Đó là một con số cố định do nhà thiết kế, chế tạo định ra từ đầu. Các bộ phận của xe được chế tạo phù hợp với trọng tải đã định đó. Nếu chở vượt trọng tải, xe sẽ mất an toàn như nổ lốp, gẫy nhíp hoặc khung gầm, đổ vỡ thùng xe, bị lật khi vào đường vòng, mất phanh hay mất lái do quán tính lớn. Như vậy, không liên quan gì đến cầu hay đường, xe vượt trọng tải không được lăn bánh trên bất cứ tuyến đường nào.

Trọng tải là một thông số thuộc hồ sơ của xe, được ghi trên cánh cửa xe và/hoặc trong Giấy Chứng nhận Kiểm định do Đăng kiểm cấp (viết tắt: GIấy CNKĐ).

Đối với phương tiện chở hàng thì sức chở là trọng tải tính bằng kilôgam (kg) hay tấn (t); còn đối với phương tiện chở người thì sức chở là số người tối đa chở được, ví dụ nói xe 7 chỗ, xe 42 chỗ, thang máy 800 kg (12 người)... Nó không bao gồm khối lượng bản thân phương tiện, không phải khối lượng đang chở thực tế trong một chuyến, cũng không phải là tổng hai khối lượng trên. Tương tự như khi nói Nhà máy X đang đóng loạt tàu thủy 5000 t, hạ thủy xà lan 100 t, khi con tàu hay xà lan còn chưa đóng xong, chưa đi vào lưu thông, chưa chở gì hết; hay nói một chiếc xe khách 16 chỗ là nói loại xe chở được tối đa 16 người mà không phải là số người đang ngồi trên xe.

Giờ ta trở lại với biển 106b (Hình 1). Cảnh sát giao thông chỉ nhìn bên ngoài xe hoặc xem Giấy CNKĐ là biết xe thuộc loại nào, trọng tải bao nhiêu; sau đó so sánh với con số trên biển 106b sẽ biết xe đó có vi phạm biển cấm này hay không, mà không cần phải cân xe hay làm một phép tính cộng nào cả.

Ví dụ: 1) Loại xe tải Thaco Hyundai HD450 trọng tải 4,1 t (thường có ghi bên ngoài cánh cửa buồng lái và trong Giấy CNKĐ) nếu đi vào đường cắm biển 106b có ghi 4 t là vi phạm, vì 4,1 t > 4 t, không quan tâm đến khối lượng bản thân xe bao nhiêu và xe đang chở nặng thế nào; thậm chí xe chạy không cũng là vi phạm; 2) Trong khi đó, loại xe tải HD 72 trọng tải 3,5 t chở toàn tải 3,5 t đi vào đường này sẽ không vi phạm, vì 3,5 t < 4 t, dù khối lượng bản thân xe là 3,115 t (nên khối lượng toàn bộ 6,615 t). Xe này chỉ vi phạm nếu chở vượt 3,5 t, nhưng lỗi vi phạm là vượt trọng tải, không phải vi phạm biển cấm 106b.

Lý do là ở mục đích của biển cấm. Trong khi các biển 115 và 116 có mục đích bảo đảm an toàn cho các kết cấu cầu và đường thì biển 106b nhằm mục đích hoàn toàn khác: Có những đoạn tuyến đông chật hay ùn tắc, khó tránh nhau hay quay đầu, không có chỗ cho dừng đỗ hoặc vì những lý do dân sinh như tiếng ồn, bụi, có trường học, bệnh viện, vỉa hè hẹp, vv, người ta phải cấm loại xe tải lớn hơn một mức nhất định đi vào, mà chưa xét đến cân nặng của xe. Khi đó cần cắm biển 106b.

Biển 106a (Hình 2) cũng có mục đích như vậy, chỉ khác là với đoạn tuyến có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, biển 106a cấm mọi xe tải, tức là xe có trọng tải từ 1500 kg trở lên.

Như vậy, trong các văn bản pháp luật cần có thêm giải thích từ “trọng tải”. Khi đã hiểu trọng tải là gì thì cả đoạn dài dòng lặp đi lặp lại, dễ gây hiểu nhầm “khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) được thay bằng một từ “trọng tải”. Khi đó biển 106b sẽ trở nên ngắn gọn, chính xác và dễ hiểu như sau:

Biển 106b - Cấm xe tải có trọng tải vượt con số ghi trên biển. Biển có hiệu lực cấm đối với cả máy kéo và xe máy chuyên dùng.

GHI CHÚ:

1. Xem giải nghĩa từ trọng tải trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê). Cuốn Từ điển này đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005. Từ trọng tải cũng đã được dùng từ lâu trong đóng tàu và hàng hải của ngành Giao thông.

2. Báo Giao thông thường xuyên đăng bài “Các biển báo cấm trong Luật Giao thông đường bộ” (http://www.baogiaothong.vn/cac-bien-bao-cam-trong-luat-giao-thong-duong-bo-d146714.html) cũng đã sử dụng từ “trọng tải” khi nói đến biển 106b như sau: Tên biển là “Cấm xe tải trên 2,5T” và  giải thích là “cấm tất cả các loại ôtô chở hàng có trọng tải từ 2,5 tấn trở lên”. Nhưng văn bản này có nhiều lỗi về từ ngữ:  

 + Theo giải thích trên, xe có trọng tải bằng 2,5 t cũng bị cấm, trái với tên biển là trên 2,5 t!

 + Sau đó, ở biển 115 viết “trọng tải(bao gồm cả xe và hàng hóa)” và ở biển 116 lại viết “trọng lượng toàn bộ (gồm cả xe và hàng hóa)”. Như vậy là hiểu sai về trọng tải và dùng từ không nhất quán!

+ Viết hoa chữ T, trong khi T không phải là ký hiệu đơn vị đo trọng tải (khối lượng)!

3. Trong nhiều văn bản, từ trọng tải nói trên còn bị viết lộn thành tải trọng!

4. Biển 106b trong QC 41 đã sửa T thành t, nhưng còn viết dấu thập phân là dấu chấm (2.5 t như trên Hình 1), trái với quy định pháp luật về đo lường, trong khi những chỗ khác cùng trong văn bản đó lại viết dấu thập phân là dấu phảy.

Ý kiến của bạn

Bình luận