Một số thuật ngữ dùng chưa chuẩn mực trong đóng tàu và hàng hải

12/09/2017 16:22

Việc sử dụng chưa đúng các từ trọng tải, tải trọng, khối lượng và trọng lượng trong giao thông đường bộ đã được trình bày trên Tạp chí Giao thông vận tải ngày 13/6/2017 [8]. Tình trạng ấy cũng đang xảy ra cả trong lĩnh vực đóng tàu và hàng hải.

img_1691-1509
Ảnh minh họa

1. Đặt vấn đề

Hiện nay trong nhiều văn bản, giáo trình, tài liệu thuộc lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và kinh tế vận tải biển, các cụm từ trọng tải, tải trọng, khối lượngtrọng lượng của tàu thủy đã được sử dụng đúng. Tuy nhiên cũng còn nhiều trường hợp, việc sử dụng chưa đúng các cụm từ nêu trên đã dẫn đến sự hiểu không thống nhất, gây tranh cãi giữa các bên liên quan. Việc sao chép hay viện dẫn lẫn nhau giữa các văn bản khiến cho tình trạng hiểu mơ hồ các từ ngữ này ngày một lan rộng trong cộng đồng.

Có thể các từ ngữ đó được dùng lẫn lộn trong ngôn ngữ thường ngày hoặc trong các tiêu chuẩn ngành đã lỗi thời và trở thành thói quen, trong khi các tiêu chuẩn mới chưa được phổ biến rộng rãi. Vì vậy, để các văn bản và tài liệu khoa học công nghệ phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, cập nhật các tiến bộ khoa học và chuẩn mực quốc tế, đòi hỏi phải thay đổi sao cho hiểu thống nhất các từ ngữ này.

Trong khuôn khổ có hạn của bài báo, các quy định ở các văn bản pháp quy lấy làm căn cứ không được dẫn ra tỉ mỉ; chúng được liệt kê ở mục Tài liệu tham khảo mà phần lớn có thể tìm thấy từ các trang mạng. Sau đây chỉ xin nêu tóm tắt những đề xuất thay đổi cụ thể.

2. “Trọng tải” khác “tải trọng

Cụm từ trọng tải thường được dùng cho các phương tiện vận tải, trong đó có các phương tiện vận tải biển. Người ta thường nói, chẳng hạn: “Xe tải 5 tấn”; “Thang máy 800 kg”; “Tàu hàng trọng tải 164 000 tấn cập cảng Sơn Dương”; “Tổng công ty Sông Thu vừa hạ thủy tàu cảnh sát biển có trọng tải 2400 tấn”; …

Trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 Điều 19 viết: “…tàu biển không có động cơ, nhưng có trọng tải từ 100 tấn trở lên phải đăng kí vào Sổ Đăng kí tàu biển quốc gia...”.

Công văn số 5383/BGTVT-VT [1] còn giải thích:

Trong thực tiễn ngành hàng hải, từ ngữ nguyên bản tiếng Anh “Deadweight” (viết tắt là DW hay DWT, có thứ nguyên là tấn) thường được dùng trong tiếng Việt là “trọng tải” hay ‘‘trọng tải toàn phần” và có nghĩa như nhau là sức chở lớn nhất được phép của tàu tính bằng tấn. Từ ngữ “trọng tải” được đưa vào Điều 15 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005”.

Trong các văn bản trên, cụm từ trọng tải với nghĩa là khối lượng lớn nhất có thể chở được (hay sức chở) là phù hợp với giải nghĩa trong Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê của Viện Ngôn ngữ học cũng như trong các công ước quốc tế, chẳng hạn các Công ước SOLAS 74 [2] và MARPOL, trong đó định nghĩa trọng tải của tàu như sau:

Deadweight (DW) means the difference in metric tons between the displacement of a ship in water of a specific gravity of 1.025 at the load waterline corresponding to the assigned summer freeboard and lightweight of the ship”. (Về bản dịch tiếng Việt của đoạn văn này sẽ được thảo luận ở mục 3 dưới đây).

Tuy nhiên, một số văn bản đưa thêm những cụm từ giải thích đi kèm lại làm sai lệch ý nghĩa của trọng tải, ví dụ trong đoạn dẫn nêu trên ở Công văn 5383/BGTVT-VT:

-  Dùng cụm từ “thứ nguyên là tấn” như trên là chưa đúng, bởi tấn không phải là thứ nguyên mà là đơn vị đo, nên cần sửa thành “đơn vị đo là tấn”. Khi nói thứ nguyên là nói thứ nguyên của một đại lượng, vì trọng tải là khối lượng nên thứ nguyên của đại lượng khối lượng này được kí hiệu là M;

-  Dùng cụm từ “sức chở lớn nhất được phép” là thừabởi sức chở đã có nghĩa là khả năng chở (carrying capacity); nó là một con số cố định không đổi ấn định từ đầu bởi nhà thiết kế, nên không có “lớn nhất” hay “nhỏ nhất”. Các bộ phận của tàu được thiết kế chế tạo phù hợp với sức chở (trọng tải) đã định, nên, để đảm bảo an toàn kĩ thuật, không được chở vượt. Do đó chỉ nên giải thích trọng tải là “sức chở” hoặc “khối lượng lớn nhất có thể chở được”;

-  Dùng cụm từ “trọng tải toàn phần” là không cần thiết, vì định nghĩa “trọng tải” luôn gắn với đường nước chở hàng ứng với mạn khô mùa hè đã ấn định, cũng là đường nước toàn tải. Vì chỉ có một đường nước toàn tải, một trọng tải không đổi, nên không có trọng tải toàn phần hay một phần, chỉ cần trọng tải là đủ.

Ở một số văn bản, tài liệu khác, nhiều khi từ trọng tải lại được dùng để nói đến khối lượng hàng đang được chở trên một con tàu. Cần thay từ này để người đọc không bị nhầm lẫn, bởi đó không phải là trọng tải, mà là khối lượng chở thực tế. Tùy theo mỗi chuyến vận tải trên một hành trình cụ thể của tàu, khối lượng chở có thể đầy vơi nặng nhẹ khác nhau.

Có nơi khối lượng chở này lại được gọi là trọng lượng hay tải trọng. Dùng các từ trọng lượng hay tải trọng ở đây đều là chưa đúng, bởi chúng không phải là đại lượng khối lượng, không đo bằng tấn (t). Tải trọng là một khái niệm chung chỉ tập hợp lực tác dụng vào vật thể đang xét; đó có thể là lực tập trung (đo bằng niutơn, N), mômen lực (Nm), áp suất (N/m2, Pa), vv., xem thêm mục 4.

3. Trọng tải” và “lượng chiếm nướccác khối lượng

Ngay trong các văn bản tiếng Việt nói trên, khi đã viết “tính bằng tấn” là đã rõ ràng trọng tải là khối lượng; tuy nhiên nhiều khi nó bị hiểu nhầm thành trọng lượng, và do đó tấn bị hiểu thành tấn lực, thậm chí có người còn cho rằng đó là tấn Anh (long ton)!

Để rõ hơn, ta trở lại định nghĩa nguyên văn bằng tiếng Anh nói trên của các công ước quốc tế. Câu trả lời nằm ngay trong định nghĩa đó, ở cụm từ in metric tons, tính bằng tấn.

Theo Phụ lục 3 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP hiện hành [4], tấn (t) là đơn vị đo của khối lượng, 1 t = 1000 kg. Đơn vị này không thuộc Hệ đơn vị quốc tế (SI), nhưng được chấp nhận sử dụng cùng SI và là một đơn vị pháp định của nước ta. Trong phiên bản tiếng Anh cuốn Hệ đơn vị quốc tế của Viện Cân đo quốc tế [5], tên đơn vị này được gọi là tonne, kèm theo chú thích: Ở các nước nói tiếng Anh, đơn vị này được gọi là metric ton.

Như vậy, theo quy định của tổ chức quốc tế về đo lường mà Việt Nam là thành viên tham gia và theo luật pháp đo lường nước ta, giờ đây khi tiếng Việt gọi là tấn, tiếng Anh gọi là tonne hay metric ton, kí hiệu t, thì đó là đơn vị đo khối lượng. Điều đó nói lên rằng deadweight, displacement,lightweight trong định nghĩa nguyên văn ở Công ước SOLAS 74 nói trên đều là các khối lượng.

Trong khi đó, bản tiếng Việt của hai Công ước đã phiên chuyển đoạn định nghĩa trên thành [2]:

“Trọng tải là hiệu số tính bằng tấn giữa lượng chiếm nước của tàu trong nước có tỉ trọng 1,025, theo đường nước chở hàng tương ứng với mạn khô mùa hè ấn định và trọng lượng tàu không”.

Trọng lượng tàu khôngtrọng lượng tính bằng tấn của tàu, không có hàng, dầu đốt, dầu bôi trơn, nước dằn, nước ngọt, hành khách, thuyền viên ...”.

Các cụm từ “trọng lượng tàu không” trong đoạn tiếng Việt trên là chưa đúng, bởi:

- Thứ nhất, trọng lượng hay lực phải đo bằng niutơn (N, kN, ...đơn vị pháp định) hoặc đo bằng tấn lực (tf, đơn vị ngoài pháp định). Một đại lượng được đo bằng tấn (t), nhất thiết nó phải là khối lượng;

- Thứ hai, nếu gọi lightweight trọng lượng tàu khôngthì trọng tải (deadweight) và lượng chiếm nước (displacement) cũng phải là trọng lượng, bởi chỉ như vậy thì hiệu của chúng mới là trọng lượng. Điều đó là trái với in metric tonsđo bằng tấn (khối lượng).

Có thể người dịch cho rằng, do có các từ weight (trong deadweight, lightweight) và gravity nên hiểu là trọng lượng. Tương tự như trên bao bì hàng hóa, “Net Weight 50 kg” thường bị chuyển thành “Trọng lượng tịnh 50 kg”, mà đúng ra phải là “Khối lượng tịnh 50 kg” [6]. Nhiều người cũng hiểu như vậy, đó là thói quen trong ngôn ngữ thường ngày. Nhưng với tư cách một thuật ngữ khoa học, từ weight trong nhiều trường hợp còn có nghĩa là khối lượng, mà trong nhiều Từ điển Anh – Việt phổ thông không có giải nghĩa này.

Từ gravity, trong các từ điển thông thường, được giải nghĩa là lực hút của Trái Đất hay trọng lượng, nên dễ khiến người ta hiểu specific gravity thành tỉ trọng, và hầu hết từ điển giải nghĩa tỉ trọng đồng nghĩa với trọng lượng riêng, có thứ nguyên là trọng lượng trên thể tích hoặc giải nghĩa là tỉ số giữa hai trọng lượng riêng, không thứ nguyên.

Thực ra, specific gravity trong bản gốc được hiểu như sau:

Specific gravity is a measure of the density of a material. It is dimentionless, equal to the density ofthe material divided by the density of water”.

Tức là, trong định nghĩa này, specific gravity là một đại lượng không thứ nguyên, bằng mật độ của vật thể đang xét chia cho mật độ của nước. Mật độ cũng chính là khối lượng riêng, không liên quan đến trọng lượng; cụ thể ở đây là mật độ của nước biển chia cho mật độ của nước bằng 1,025 ở điều kiện tiêu chuẩn. Do đó, cần thay tỉ trọng bằng tỉ khối hoặc mật độ tương đối, và như vậy, đoạn văn trên cần được sửa thành:

“Trọng tảihiệu số tính bằng tấn giữa lượng chiếm nước của tàu trong nước có mật độ tương đối 1,025, theo đường nước chở hàng tương ứng với mạn khô mùa hè ấn định khối lượng tàu không”.

Khối lượng tàu không là khối lượng tính bằng tấn của tàu khi không có hàng, dầu đốt, dầu bôi trơn, nước dằn, nước ngọt, hành khách, thuyền viên ...”.

Ngoài ra, thường gặp trong các Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia (QCVN) về tàu biển, đại lượng ρ, tuy đã được viết là đo bằng khối lượng trên thể tích (t/m3), nhưng lại được gọi là tỉ trọng. Vậy cũng cần thay nó bằng khối lượng riêng hoặc mật độ.

Đáng tiếc rằng, đoạn văn dịch nói trên đã được trích dẫn trong nhiều tài liệu quan trọng khác như trong các QCVN, giáo trình ở trường đại học, luận án, luận văn, văn bản của các cơ quan quản lí, các diễn đàn chuyên môn, báo chí và các phương tiện truyền thông. Thậm chí các văn phòng luật sư cũng giải đáp sai các thắc mắc của doanh nghiệp, bởi các luật sư đã căn cứ vào các văn bản luật viết sai. Tình trạng ấy càng làm lan rộng sự nhiễu rối trầm trọng các thuật ngữ.

Ta có thể yên tâm rằng, với trọng tải, lượng chiếm nướckhối lượng tàu không được hiểu là khối lượng tính bằng tấn, những người tính toán cơ học tàu sau đó sẽ không gặp bất cứ một trở ngại nào khi họ tính trọng lượng và từ đó tính lực đẩy nổi Archimedes, trọng tâm, tâm nổi, tâm nghiêng, ổn định, sức bền kết cấu thân tàu, vv. Thật vậy, bởi trọng lượng (P) bằng khối lượng (m) nhân với gia tốc trọng trường (g = 9,81 m/s2), nên đơn giản nếu khối lượng m là A tấn thì trọng lượng P của nó bằng 9,81A kN (kilôniutơn, đơn vị pháp định); còn trong trường hợp muốn tính trọng lượng bằng tấn lực (tf, đơn vị ngoài pháp định) thì tàu có khối lượng bao nhiêu tấn (t) sẽ có trọng lượng bằng bấy nhiêu tấn lực (tf).

Lưu ý, Luật Đo lường và Nghị định 86 hiện hành quy định rằng, các văn bản nhà nước phải sử dụng đơn vị pháp định: khối lượng đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t); trọng lượng hay lực nói chung đo bằng niutơn (N) hoặc kilôniutơn (kN). Còn trong những văn bản khác ngoài văn bản nhà nước, nếu có dùng đơn vị đo trọng lượng và lực ngoài pháp định, như kilôgam lực và tấn lực, thì phải viết và đọc đầy đủ là “kilôgam lực”và “tấn lực”, kí hiệu tương ứng là kgf và tf, với f là viết tắt của từ force.

Các kí hiệu cũ kG và T ở nước ta nay không còn được sử dụng, bởi chúng vừa không phải là pháp định, vừa không phải là kí hiệu quốc tế; kí hiệu T lại trùng với một đơn vị khác, tesla đo mật độ từ thông, và trùng với kí hiệu của bội số tera (1012).

4. Tải trọng là lực, không phải là khối lượng

Đã biết, tải trọng không phải là một đại lượng, mà là một khái niệm rộng dùng để chỉ tập hợp lực tác dụng lên một vật thể, như từ xưa vẫn dùng nhất quán trong lĩnh vực Cơ học, chẳng hạn như tải trọng tĩnh, tải trọng động, tải trọng sóng, tải trọng gió, áp lực, vv.

Từ tải trọng cũng được dùng nhiều trong lĩnh vực đóng tàu, nhất là khi nói về sức bền kết cấu thân tàu, ví dụ trong Phần 2A-B của QCVN 21:2010/BGTVT (được thay thế bằng QCVN 21:2015/BGTVT từ tháng 6/2016). Trong QCVN này, tải trọng đã được dùng chính xác để chỉ lựcvới các đơn vị đo pháp định niutơn (N) và kilôniutơn (kN).

Tuy nhiên, một số văn bản tài liệu dường như đã viết lộn trọng tải thành tải trọng. Một số khác lại nhầm khối lượng chở với tải trọng của tàu. Dùng tải trọng lúc này là không phù hợp, bởi ở đây không nói đến lực mà nói đến khối lượng hàng đang chở. Tải (load) ở đây là chở, không phải tải trọng.

Tương tự, nhiều văn bản còn gọi Công ước quốc tế Load line 66 là “Công ước về đường nước tải trọng”. Thay bằng “Công ước về đường nước chở hàng” sẽ vừa chính xác vừa thuần Việt khiến người đọc dễ hình dung hơn nhiều.

5. Kết luận

Dựa trên cơ sở pháp lí, bài báo đã đưa ra những phân tích góp phần làm rõ ý nghĩa của các thuật ngữ trọng tải, tải trọng, khối lượng, trọng lượng và một số thuật ngữ liên quan thường gặp trong đóng tàu và hàng hải, đồng thời nêu những đề xuất thay đổi cụ thể cách dùng chúng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Bộ GTVT: Công văn số 5383/BGTVT-VT về Khái niệm thông số tàu biển nêu tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

[2]  Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO): Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển – SOLAS74

[3]  Quốc hội: Luật đo lường số 04/2011/QH13.

[4]  Chính phủ: Nghị định số 86/2012/NĐ-CP - Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đo lường.

[5]   Viện Cân đo quốc tế (BIPM): Hệ đơn vị quốc tế (SI), http://www.bipm.org/en/publications/si-brochure/table6.html.

[6]  Bộ KHCN: Thông tư 21/2014/TT-BKHCN - Quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn

[7]  Bộ GTVT: QCVN 21: 2010/BGTVT Phần 2A-B - Kết cấu thân tàu.

[8]  Tạp chí GTVT:  Một số từ ngữ trong giao thông đang bị sử dụng thiếu chuẩn mực

https://tapchigiaothong.vn/mot-so-tu-ngu-trong-giao-thong-dang-bi-su-dung-thieu-chuan-muc-d44713.html

 [9]  Phan Văn Khôi: Sổ tay các đơn vị đo lường. Nhà xuất bản Bách khoa - Hà Nội 2011.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận