Làm gì để hình thành thói quen đi lại bằng ĐSĐT - Kỳ 1: Cận cảnh phương thức vận chuyển mới ở Thủ đô

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/09/2024 08:43

Với việc đưa vào khai thác thương mại 2 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, hệ thống ĐSĐT đang được hình thành, góp phần làm thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô với những ấn tượng về sự văn minh, hiện đại của loại hình vận tải hành khách công cộng mới, thân thiện với môi trường, thu hút ngày càng đông người dân sử dụng.


Làm gì để hình thành thói quen đi lại bằng ĐSĐT - Kỳ 1: Cận cảnh phương thức vận chuyển mới ở Thủ đô - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chính thức được đưa vào khai thác từ ngày 8/8/2024

Đưa 2 tuyến ĐSĐT đầu tiên vào khai thác

Ngày 6/11/2021, tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào vận hành, đánh dấu sự ra đời của một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh và hiện đại, được người dân bấy lâu mong chờ.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 ga, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa. Tuyến có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian tàu chạy từ 5h30 - 22h hằng ngày, tần suất hoạt động 4 đến 6 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác 35 km/h. Hành khách đi lại thường xuyên trên tuyến bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, vào giờ cao điểm là trên 85%. Có thể nói, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện tham gia giao thông trên hành lang đường bộ dọc tuyến trong giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc, giảm TNGT và ô nhiễm môi trường.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, ngày 8/8/2024, đoạn trên cao 3.1 Nhổn - Cầu Giấy thuộc tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội được đưa vào khai thác chào mừng 79 năm ngày Quốc khánh 2/9. Điểm đầu của tuyến tại ga Nhổn và kết thúc tại ga Hà Nội. Tuyến có 12 nhà ga, trong đó 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Tuyến có chiều dài 12,5 km (8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm), thời gian tàu chạy từ 5h30 - 22h các ngày.

Làm gì để hình thành thói quen đi lại bằng ĐSĐT - Kỳ 1: Cận cảnh phương thức vận chuyển mới ở Thủ đô - Ảnh 2.

Người dân háo hức trải nghiệm tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội

TS. Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi metro) cho biết, tính đến hết ngày 4/9/2024, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được trên 27.431.000 lượt hành khách. Trong đó, vào ngày làm việc có khoảng 35.000 lượt hành khách đi lại trên tuyến, ngày thứ bảy, chủ nhật là khoảng 22.000 lượt. Đối với tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, tính đến hết ngày 5/9/2024 đã vận chuyển được trên 1 triệu lượt hành khách.

Đối với công tác quản lý vận hành tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, trao đổi với Tạp chí GTVT, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) nhận định: "Tính đến thời điểm này, ĐSĐT chưa để xảy ra sự cố tai nạn hay kỹ thuật nghiêm trọng nào. Điều này chứng tỏ công tác quản lý đảm bảo an toàn, vận hành tốt. Đồng thời, các đoàn tàu hoạt động luôn tuân thủ biểu đồ chạy tàu, đảm bảo tính đúng giờ và tin cậy cao". PGS. TS. Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, để đảm bảo an toàn khai thác vận hành, Hanoi metro đã xây dựng và tuân thủ chặt chẽ Hệ thống quản lý an toàn vận hành (Operation Safety Management System - OSMS). OSMS là hệ thống quản lý của công ty, bao gồm các quy định, hướng dẫn về cơ cấu tổ chức và các quy trình quản lý được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn an toàn, được cấp có thẩm quyền phê duyệt để kiểm soát hiệu quả các rủi ro (khoản 7 Điều 3 Thông tư số 31/2018/TT-BGTVT ngày 15/5/2018 của Bộ GTVT).

An toàn - Nhanh chóng - Hiệu quả

TS. Vũ Hồng Trường chia sẻ: "Để nói về sự khởi đầu thì tuyến Cát Linh - Hà Đông có nhiều khó khăn hơn bởi là tuyến đầu tiên nên cái gì cũng mới, trong khi tuyến Nhổn - Ga Hà Nội có được sự thuận lợi khi người dân Thủ đô đã quen với việc sử dụng dịch vụ của ĐSĐT. Do đó, trong 15 ngày phục vụ miễn phí, có ngày tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã lập kỷ lục vận chuyển trên 100 nghìn lượt hành khách/ngày". Năm 2023, hành khách tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng 31,7% so với năm 2022 và trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng 7%, doanh thu từ vé ổn định do lượng hành khách sử dụng vé tháng tăng dần.

Về hiệu quả hai tuyến ĐSĐT đầu tiên của cả nước, chuyên gia giao thông, TS. Phạm Hoài Chung đánh giá: "Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã góp phần làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, được người dân và du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, mức độ thuận tiện cũng như khả năng dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, công tác vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường sắt đã đề ra, bảo đảm hoạt động an toàn, đúng giờ và hiệu quả". TS. Chung nói thêm, đối với đoạn Nhổn - Cầu Giấy (thuộc tuyến Nhổn - Ga Hà Nội) dù là tuyến ngắn nhưng đã nhận được sự chào đón của người dân và hành khách, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực.

Bước đầu tuyến ĐSĐT đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến. Việc vận hành được thực hiện theo đúng kịch bản tốt nhất trong số các kịch bản mà Hanoi metro đã đưa ra".
TS. Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Hanoi metro

Đánh giá tổng thể, theo GS. TS. Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT, việc phát triển ĐSĐT ở các thành phố nói chung và Hà Nội nói riêng là đúng quy luật và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của Thủ đô, là giải pháp đột phá để phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc giao thông, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân mà trước mắt là hạn chế xe máy. Làm rõ thêm nhận định của GS. TS. Từ Sỹ Sùa, TS. Vũ Hồng Trường cho biết, đoạn từ Ngã Tư Sở đi Yên Nghĩa dài 10 km nhưng có từ 5 đến 7 điểm thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Với sức chứa hàng nghìn hành khách mỗi giờ, từ khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hạn chế rất nhiều các điểm ùn tắc trên trục đường, giúp hành khách rút ngắn thời gian lưu thông, không bị phụ thuộc vào tình hình giao thông trên các tuyến phố.

Làm gì để hình thành thói quen đi lại bằng ĐSĐT - Kỳ 1: Cận cảnh phương thức vận chuyển mới ở Thủ đô - Ảnh 3.

Năm 2023, hành khách tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng 31,7% so với năm 2022 và trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng 7%, doanh thu từ vé ổn định do lượng hành khách sử dụng vé tháng tăng dần

Cũng theo GS. TS. Từ Sỹ Sùa, ĐSĐT có tính ưu việt về tốc độ, khối lượng, đặc biệt là chuẩn về thời gian và giá vé hấp dẫn. Do đó, chỉ sau một thời gian đi vào khai thác thương mại, hai tuyến ĐSĐT ở Hà Nội đã thu hút được nhiều hành khách sử dụng với nhiều mục đích chuyến đi khác nhau như: Đi làm, đi học, mua sắm, thăm người thân, trở về nhà... Tuy nhiên, do là tuyến hướng tâm, kết nối chủ yếu vẫn là xe buýt nên chưa thuận tiện đối với những hành khách có nhu cầu lên/xuống các điểm thu hút có cự ly lớn hơn 2 km so với các nhà ga được bố trí.

Phân tích về tính hiệu quả của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn nói: "Tính hiệu quả của dự án ĐSĐT cần phải được nghiên cứu đánh giá đầy đủ, chi tiết về mặt tài chính, kinh tế, xã hội và môi trường. Hiệu quả cũng cần được xem xét ở thời điểm thích hợp, thường phải mất nhiều năm để các điều kiện giả định khi nghiên cứu lập dự án đầu tư hội tụ. Thông thường, các điều kiện này bao gồm sự phát triển của mạng lưới các tuyến giao thông công cộng, tính kết nối giữa các tuyến, khả năng tiếp cận, mật độ xây dựng và hiệu quả sử dụng đất dọc hành lang tuyến... Tuy nhiên, để nhận định tình hình và đưa ra các giải pháp cải thiện hiệu quả thì ở giai đoạn những năm đầu vận hành có thể xem xét 2 chỉ số, đó là tỷ lệ khai thác công suất tối đa của hệ thống (tức là tỷ lệ giữa sản lượng hành khách và công suất thiết kế của tuyến) và tỷ lệ trợ giá vận hành của Nhà nước.

Theo con số báo cáo, tỷ lệ hiệu suất khai thác công suất hiện nay đạt khoảng 18% công suất. Tỷ lệ này thấp hơn so với các tuyến metro đầu tiên được đưa vào khai thác ở các nước châu Á (Thái Lan, Malaysia và Indonesia) với tỷ lệ thông thường là 25 - 30% công suất thiết kế. Về trợ giá vận hành, theo báo cáo tài chính của Hanoi metro thì tỷ lệ này hiện ở mức cao. Đây là những vấn đề mà ĐSĐT cần phải nghiên cứu để công tác quản lý, vận hành được tốt hơn.

Để hoàn thiện hệ thống ĐSĐT, theo TS. Vũ Hồng Trường cần phải có thời gian để có đánh giá thực tế, rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp. Nhiều thời điểm tuyến Cát Linh - Hà Đông bị đặt trong ngờ vực về sự thành công. Ngoài ra, còn có muôn vàn khó khăn, thử thách khác trong quá trình xây dựng, khai thác, vận hành tuyến mà chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía, từ đó động viên nhau quyết tâm thực hiện.