Kết nối đường sắt với đường sắt
Thông tin từ TP. Hà Nội, quy hoạch chung xây dựng Hà Nội và quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống ĐSĐT Hà Nội sẽ có 10 tuyến với chiều dài hơn 410 km. Mới đây, Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 bổ sung thêm 5 tuyến, nâng tổng số ĐSĐT Hà Nội lên 15 tuyến với tổng chiều dài 616,9 km.
Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, để kịp thời cập nhật Đồ án điều chỉnh chung quy hoạch Thủ đô phục vụ kết nối giao thông, liên kết vùng, Hà Nội đã phối hợp với các địa phương trong vùng Thủ đô thống nhất các hướng tuyến giao thông kết nối, trong đó các tuyến ĐSĐT được đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ triển khai Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT tại hai siêu đô thị là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2024 - 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 96,8 km ĐSĐT với nhu cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD. Giai đoạn 2031 - 2035 sẽ xây dựng 301 km với nhu cầu vốn khoảng 22,5 tỷ USD. Như vậy, đến năm 2035, Hà Nội cần khoảng 37,1 tỷ USD cho phát triển ĐSĐT. Đến năm 2045, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành 201 km ĐSĐT của 5 tuyến còn lại. Khi đó, Thủ đô sẽ hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác toàn hệ thống ĐSĐT bao gồm 15 tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung với tổng chiều dài khoảng 616,9 km. Nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 18,252 tỷ USD.
"Hiện nay, Hà Nội đang tổ chức nghiên cứu, thực hiện các dự án đầu tư các tuyến ĐSĐT như: Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tuyến Ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến Hà Đông - Xuân Mai", Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn thông tin và nêu giải pháp sẽ tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến ĐSĐT tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc đang vô cùng nhức nhối của Thủ đô. Trong đó, Hà Nội sẽ ưu tiên triển khai các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết như: Đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến số 1), đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tuyến số 2) và đoạn Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5).
Tăng kết nối ĐSĐT với các loại hình vận tải công cộng khác
Theo ThS. Lê Văn Đạt, Trưởng phòng ATGT và Phân tích cơ sở dữ liệu GTVT (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT), để đảm bảo sự kết nối liền mạch giữa các tuyến metro và các tuyến đường sắt quốc gia cần xây dựng các trung tâm kết nối hoặc các ga liên hợp. Điều này không chỉ giúp hành khách dễ dàng chuyển tiếp giữa các loại hình giao thông mà còn khuyến khích việc sử dụng phương tiện công cộng cho các chuyến đi dài hơn. Mặt khác, các tuyến metro cần phát triển kết nối trực tiếp với các sân bay lớn để thuận tiện cho hành khách di chuyển từ thành phố đến sân bay và ngược lại. Khi đó, các chuyến tàu cần được đồng bộ hóa với lịch bay cũng như các tiện ích tại sân bay phải tích hợp tốt với hệ thống giao thông công cộng.
Thực tế từ khi Hà Nội đưa 2 tuyến ĐSĐT vào khai thác thương mại cũng cho thấy cần đa dạng hóa kết nối vận tải với các loại hình vận tải hành khách công cộng (xe buýt, taxi, xe đạp công cộng...) để khép kín các trục di chuyển nội đô, đồng thời tổ chức lại giao thông phù hợp tại khu vực các nhà ga dọc các tuyến ĐSĐT. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa hoạt động, cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến buýt "gom" hiện hữu kết nối dọc hành lang các tuyến metro là rất quan trọng.
Nói rõ hơn vấn đề này, ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội cho biết, để thu hút hành khách cho tuyến ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy và tuyến Cát Linh - Hà Đông sau khi 2 tuyến ĐSĐT này đưa vào khai thác, thành phố cũng thực hiện ngay các biện pháp đấu nối 2 tuyến với mạng lưới gồm 36 tuyến buýt (trong đó có 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá). Trong đó, 2 tuyến ĐSĐT được kết nối với nhau bởi 13 tuyến buýt bao gồm cả tuyến BRT01.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, Hà Nội cũng cần nghiên cứu để nắn chỉnh luồng tuyến các tuyến xe buýt hiện hữu kết nối vào các nhà ga đường sắt, giảm thiểu sự trùng lặp với tuyến ĐSĐT. Ngoài ra, cần nghiên cứu tái tổ chức giao thông đường bộ ở các đoạn đường kết nối đến nhà ga đường sắt, đặc biệt là tuyến đường chạy song song bên dưới tuyến đường sắt nhằm đảm bảo lưu thông cho các phương tiện vào, ra nhà ga, đặc biệt là các tuyến buýt "gom", buýt đô thị và xe cá nhân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.