Làm gì để hình thành thói quen đi lại bằng ĐSĐT - Kỳ 2: Hành khách cần gì ở đường sắt đô thị?

Giao thông 24h 27/09/2024 07:43

Hai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) của Hà Nội được nhiều người dân đón nhận và lựa chọn làm phương tiện di chuyển hàng ngày, từ đó dần hình thành văn hóa tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, hành khách cần nhiều hơn những gì mà ĐSĐT đang có, đáp ứng tiêu chí tiên tiến, văn minh và hiện đại.


Hành khách cần gì ở đường sắt đô thị? - Ảnh 1.

Cửa soát vé tự động của ĐSĐT Hà Nội

"3 giảm - 7 hợp lý" của ĐSĐT

Ghi nhận tại hai tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, rất nhiều người dân đã lựa chọn đường sắt trên cao làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Đối tượng hành khách đa dạng các nhóm tuổi, ngành nghề nhưng chủ yếu là học sinh, sinh viên, người cao tuổi và người làm công sở, hành chính. Vào khung giờ cao điểm, những đoàn tàu luôn chật kín, thậm chí nhiều thời điểm hành khách phải đứng ken nhau trên các toa tàu.

Ông Trần Huy An có tiền sử bệnh thận nên phải thăm khám, điều trị thường xuyên. Do nhà ở khu vực Hà Đông, khá xa với Bệnh viện Nội tiết (phố Yên Lãng, quận Đống Đa) nên trước đây việc đi lại rất vất vả. Những hôm trời mưa nắng, cơ thể yếu khiến ông vô cùng mệt mỏi. "Từ khi có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, việc di chuyển từ nhà đến bệnh viện thuận tiện hơn rất nhiều, chỉ mất hơn 10 phút tôi đã đến ga Thái Hà, di chuyển một chút là đến Bệnh viện Nội tiết. Người già chúng tôi an tâm lắm", ông An bày tỏ.

Còn đối với anh Trịnh Hoàng Sơn, một nhân viên văn phòng làm việc tại phố Láng Hạ thì giờ con đường từ nhà đến công ty thật êm ả và thoải mái. Anh Sơn sinh sống tại phường Phú Lãm (quận Hà Đông), hàng ngày phải đánh vật trên đường cùng chiếc xe máy để đến nơi làm việc và về nhà khi tan tầm. Quá đỗi mệt mỏi, anh đã nghĩ đến việc chuyển chỗ làm nhưng may thay đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã "giữ" anh ở lại với nơi làm việc mà anh đã gắn bó hơn 10 năm. Anh Sơn tâm sự "cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi tắc đường, khói bụi, mệt nhọc chỉ còn là quá khứ, giờ đây tàu điện đã giúp anh tái tạo sức khỏe, đặc biệt là anh có thêm thời gian đi bộ tập thể dục khi quãng đường từ ga đến nơi làm việc khoảng chừng hơn 1 km".

Chia sẻ của anh Sơn cũng là cảm nghĩ của đa số hành khách sử dụng ĐSĐT thường xuyên, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Ngoài những yếu tố thuận lợi trên thì ĐSĐT còn mang lại sự yên tâm đối với các bậc phụ huynh khi con em mình được đảm bảo an toàn trên chặng đường đến trường.

Tuy nhiên, anh Sơn và nhiều người dân đều mong muốn Hà Nội cần có thêm nhiều tuyến ĐSĐT khác để việc lưu thông, đi lại giữa các địa điểm, khu vực được thuận lợi, đặc biệt là giảm ùn tắc và bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, hành khách cũng kỳ vọng hai tuyến ĐSĐT hiện tại và các tuyến trong tương lai được kết nối với nhau, tạo thành mạng lưới tàu điện phủ khắp Thủ đô. Nhưng trước hết, tại những tuyến đang khai thác vận hành cần nghiên cứu thêm khu vực trông giữ xe để người dân dễ dàng tiếp cận ga tàu hơn.

Hành khách cần gì ở đường sắt đô thị? - Ảnh 2.

ĐSĐT ngày càng thu hút người dân sử dụng, đặc biệt là lượng hành khách sử dụng vé tháng

Sau một năm đi vào vận hành khai thác, kết quả khảo sát phỏng vấn hành khách của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Điện lực cho thấy đa số hành khách đều rất hài lòng khi tham gia giao thông trên tuyến Cát Linh - Hà Đông. Khoảng 80 - 85% hành khách được phỏng vấn đánh giá tốt đối với 10 khía cạnh tác động tích cực của tuyến, cụ thể là có 3 giảm (giảm tắc nghẽn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đi lại) và 7 hợp lý (tần suất tàu chạy hợp lý, mua vé tàu thuận tiện, giá vé tàu hợp lý, giá vé gửi xe tại các ga hợp lý, thời gian tàu dừng tại ga hợp lý, kết nối ga tàu với các tuyến xe buýt thuận tiện, bãi gửi xe tại các ga hợp lý).

Một khảo sát khác của nhóm nghiên cứu Trường Đại học GTVT gần đây cho thấy, 3 yếu tố (nhân viên, hành khách xung quanh và sự đông đúc) có ảnh hưởng đến sự hài lòng của hành khách với dịch vụ tại nhà ga và trên tàu điện. Trong đó, nhân viên là yếu tố có tác động tích cực lớn nhất đến sự hài lòng của hành khách.

Hành khách cần gì ở đường sắt đô thị? - Ảnh 3.

Người dân phấn khởi, háo hức trải nghiệm trên tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội

Hành khách còn cần nhiều hơn thế

Nhìn nhận thực tại và đề ra những giải pháp để thu hút người dân sử dụng ĐSĐT nhiều hơn, trao đổi với Tạp chí GTVT, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn cho rằng điểm cốt lõi nhất để thu hút hành khách sử dụng giao thông công cộng, từng bước trở thành phương thức đi lại chủ đạo, đáp ứng 50 - 60% các chuyến đi hàng ngày của người dân ở các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là phải không ngừng cải thiện tính "tiếp cận" và "kết nối" của mạng lưới các tuyến giao thông công cộng đa phương thức (tàu điện, xe buýt). Tương tự, GS. TS. Từ Sỹ Sùa cũng thống nhất rằng một hạn chế rất cơ bản của ĐSĐT Hà Nội hiện tại là chủ yếu kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng... Do vậy, đồng thời với việc phát triển mạng lưới ĐSĐT cũng cần phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với chức năng, nhiệm vụ sẽ thay đổi khi có tuyến ĐSĐT đi vào hoạt động để đảm bảo tăng tính kết nối, tính liên thông cho toàn mạng lưới vận tải hành khách.

Trong khi đó, lưu ý đến vai trò của hoạt động truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải công cộng TP. Hà Nội đề xuất phát triển ứng dụng tiện ích cung cấp thông tin về lịch trình, thời gian chờ và các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc hành khách, giúp hành khách lên kế hoạch di chuyển hiệu quả hơn. "Cần tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng ĐSĐT, đặc biệt là trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường", ông Hải nhấn mạnh.

Hành khách cần gì ở đường sắt đô thị? - Ảnh 4.

Vé đồng xu sử dụng cho tuyến Nhổn - Ga Hà Nội

Đề cập đến các nhóm đối tượng khách hàng sử dụng ĐSĐT, TS. Nguyễn Tiến Quý, Trường Đại học GTVT lưu ý hiện cả hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đều chưa có chữ nổi trên máy bán vé, bảng tin... phục vụ đối tượng khiếm thị. Ngoài ra, cần đồng bộ hệ thống thẻ vé cho người dân để có thể sử dụng chung cho tất cả các hình thức vận tải công cộng.

Khuyến nghị tăng cường công tác đào tạo nhân viên để tạo ra những người phục vụ có thái độ tốt, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn phân tích thêm: "Hành vi chu đáo và lịch sự sẽ mang lại những trải nghiệm tốt và sự hài lòng cho khách hàng, từ đó tạo hiệu ứng lan truyền. Vì vậy, cần có giải pháp khuyến khích người đi tàu có những cử chỉ, hành động lịch sự, đúng mực và văn minh".

Còn theo ThS. Lê Văn Đạt, Trưởng phòng ATGT và Phân tích cơ sở dữ liệu GTVT (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT) thì cần đảm bảo các chuyến tàu có tần suất cao và vận hành đúng giờ, đặc biệt là vào giờ cao điểm, đồng thời đảm bảo an ninh tại các ga và trên các chuyến tàu. Theo đó, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát và tăng cường sự hiện diện của lực lượng bảo vệ có thể giúp tăng cường cảm giác an toàn cho hành khách.

Để khai thác tiềm năng thương mại, tăng cường tính hấp dẫn của ĐSĐT đối với khách du lịch cũng như người dân, Tổng Giám đốc Hanoi metro Vũ Hồng Trường nhận thấy cần thu hút hành khách trải nghiệm ĐSĐT bằng vé ngày hơn nữa, đồng thời tổ chức các dịch vụ gia tăng giá trị để phục nhu cầu hành khách tại nhà ga như máy bán hàng tự động, kios phục vụ đồ ăn nhanh, máy rút tiền tự động...