Làm gì để xe điện chở khách an toàn, văn minh hơn?

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Vận tải 08/09/2022 05:38

Xe điện chở khách du lịch hiện phổ biển ở nhiều địa phương, song đều hoạt động dưới dạng "thí điểm" và còn không ít bất cập liên quan đến loại phương tiện này.

 Làm gì để xe điện chở khách an toàn, văn minh hơn? - Ảnh 1.

Một xe điện ở khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chưa có chứng nhận đăng kiểm.

Nhiều xe hoạt động tự phát, giá vé mỗi nơi một kiểu

Anh Chu Trần Tuyến (Hà Đông, Hà Nội) vừa cùng gia đình đi du lịch tại biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, nơi đây có đội ngũ xe điện bốn bánh chở khách từ khách sạn đi tham quan hoặc đến các điểm mua sắm. Đội ngũ xe điện phục vụ bất kể thời gian ngày, đêm nên tiện cho du khách và mặc cả giá vé, song anh Tuyến không khỏi ái ngại vì một số xe có chất lượng kém, có lái xe chưa qua đào tạo.

"Tôi để ý thấy các xe có gắn biển số đăng ký với dòng chữ DLTC kèm dãy chữ số, nhưng không thấy xe nào có tem đăng kiểm. Nhìn kỹ có xe bánh trước bị mòn hết hoa lốp, chân phanh chắc rơ lắc nên buộc dây chạc. Một số lái xe bảo chưa qua lớp học lái xe nào", du khách này kể, cho biết vẫn nhớ cảm giác "ghê ghê" khi ngồi trên xe có đèn pha yếu, chạy xuống cung đường cua dốc vào ban đêm.

Còn chị Thủy, một du khách Hà Nội khác vừa đi du lịch Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, thành phố biển này cũng có dịch vụ xe điện chạy trên các tuyến phố, song chị chỉ đi một lần vì cảm thấy bất an cho trẻ nhỏ do hai sườn xe đều hở, xe lại chạy nhanh để quay vòng và giá vẻ đắt hơn taxi.

"Xe không có đồng hồ tính giá cước nên lúc cao điểm vẫy mãi không được xe, lại phải mặc cả giá nên rất phiền phức. Tôi chỉ đi một lần vì tính ra giá đắt hơn cả taxi", chị này kể.

 Làm gì để xe điện chở khách an toàn, văn minh hơn? - Ảnh 2.

Các xe điện đều được thiết kể hở hai bên sườn, có xe được lắp thêm thanh chắn bên phía vô lăng để ngăn khách lên xuống, nhằm bảo đảm an toàn.

Khảo sát của PV Tạp chí GTVT cũng cho thấy, hiện ở hầu hết các địa điểm, thành phố du lịch đều có dịch vụ xe điện 4 bánh, hoạt động theo tuyến như xe buýt hoặc theo chuyến như taxi. Đối với xe hoạt động như taxi đều không có tính giá cước như taxi nên có các mức giá khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều xe chưa đăng ký, đăng kiểm (như tại khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam) hoặc chế thêm thanh chắn bên sườn xe phía bên vô lăng để khách chỉ lên xuống phía bên phải xe, nhằm hạn chế tai nạn, sự cố cho khách (như tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh; Nha Trang, Khánh Hòa).

Theo Bộ GTVT, đến nay toàn quốc có 35 địa phương đang triển khai dịch vụ xe điện chở khách du lịch và đều theo phương thức thí điểm. Lý do là Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa có quy định đối với phương tiện và loại hình vận tải này.

"Về cơ bản, loại hình này đã đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, góp phần tạo thuận lợi cho khách du lịch cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu du lịch và được hành khách đón nhận, đánh giá phù hợp phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hẹp thay thế xe ngựa, xe ôm, xe đạp lôi, xe xích lô,… và góp phần bảo vệ môi trường. Từ đó góp phần triển khai thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; phát triển du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn", theo báo cáo của Bộ GTVT.

 Làm gì để xe điện chở khách an toàn, văn minh hơn? - Ảnh 3.

Hiện vụ xe điện gây tai nạn tại thị xã Sa Pa xảy ra tối ngày 31/8/2022 - Ảnh: H.H

Cần quản lý chặt vận tải, phạm vi hoạt động

Từ thực tế trên, các du khách trên cho rằng, dịch vụ vận tải khách du lịch bằng xe điện 4 bánh nên được tổ chức quản lý phù hợp hơn để bảo đảm an toàn, văn minh và yên tâm hơn cho du khách. Trong đó, quản lý chặt chẽ chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo dưỡng phương tiện, phạm vi hoạt động, giá cước vận chuyển.

Theo Cục Đăng kiểm VN, đến nay toàn quốc có 6.248 xe điện 4 bánh được cấp chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông. Hiện xe điện được quản lý theo Thông tư số 86/2014, Thông tư số 42/2018, Thông tư số 26/2020 của Bộ GTVT. Trong đó, xe phải được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm; người lái phải có GPLX hạng B2 trở lên và hoạt động trong phạm vi được UBND cấp tỉnh chấp thuận.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và quản lý tốt hơn xe điện 4 bánh chở người, hiện nội dung dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi, đang được Bộ GTVT lấy ý kiến rộng rãi) bổ sung quy định đối với xe chở người 4 bánh, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho loại hình vận tải này.

Theo đó, xe điện 4 bánh phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của xe ô tô nói chung như: Hệ thống lái, phanh; vô lăng bên trái; đèn chiếu sáng; lốp, gương chiếu hậu; vành, lốp đúng kích cỡ của loại xe; dây đai an toàn, kính chắn gió đạt chuẩn an toàn.

"Dự thảo quy định xe điện 4 bánh sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải cũng có niên hạn sử dụng như ô tô. Đồng thời, quy định các tiêu chí đối với xe tham gia kinh doanh vận tải", ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Cụ thể hơn, xe điện 4 bánh (nói riêng, xe gắn động cơ 4 bánh nói chung) chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải và chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới được kinh doanh vận tải bằng loại xe này.

Khi hoạt động, loại xe này phải đáp ứng các điều kiện: Có đăng ký, đăng kiểm, trên xe có thiết bị giám sát hành trình và niêm yết tên, điện thoại của đơn vị vận tải; người điều khiển phải có GPLX ô tô tương ứng với số người được phép chở.

Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thực tế hoạt động của xe điện chở khách du lịch gồm hai loại: trong nội bộ khu du lịch và có tham gia giao giao thông công cộng. Tương ứng với mỗi loại cần có mô hình quản lý phù hợp về để tạo chất lượng vận tải đồng bộ, vừa quản lý tốt chất lượng vận tải, giá cước và tạo thuận lợi cho phát triển vận tải bằng xe điện.

"Xe điện nếu chỉ hoạt động trong phạm vi công cộng không cần lắp giám sát hành trình, còn xe hoạt động trên tuyến giao thông công cộng cần có thiết bị giám sát hành trình để quản lý về phạm vi, thời gian hoạt động, tốc độ phương tiện để bảo đảm ATGT", ông Thanh nói.

Tính đến yếu tố địa hình, phát triển phù hợp số lượng xe

Khoảng 20h27 ngày 31/8/2022, tại khu vực dốc Otel, đường Thạch Sơn (tổ 2, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) xảy ra vụ xe điện bốn bánh biển số 003.39 đang di chuyển thì đâm vào một trẻ em 5 tuổi bất ngờ chạy ngang đường, khiến nạn nhân tử vong. Theo trung tâm đăng kiểm 24-01D Lào Cai cho biết, tại thời điểm xảy ra tai nạn, phương tiện trên có chứng nhận đăng kiểm còn hiệu lực.

Ông Phạm Mạnh Tường, Giám đốc đơn vị đăng kiểm trên cho biết, xe điện 4 bánh có những đặc điểm kỹ thuật khác biệt so với xe ôtô, vì vậy, trong quy định quản lý hoạt động vận tải xe điện cần tính đến yếu tố địa hình đồi dốc, cung đường cho phép hoạt động để bảo đảm phù hợp với đặc tính kỹ thuật.

Bên cạnh đó, nên phát triển số lượng xe phù hợp tại mỗi khu vực để hạn chế xảy ra ùn tắc, góp phần tối ưu huy hiệu quả của loại hình vận tải này.