Làm rõ bản chất của quy định trừ điểm GPLX, dừng xe trước "đèn vàng"

Tác giả: L. Chi

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 22/05/2024 18:10

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ quy định trừ điểm GPLX là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính thì cần bổ sung vào Dự thảo Luật theo hướng người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính vừa phải bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Làm rõ bản chất của việc trừ điểm GPLX

Phiên thảo luận chiều 22/5 về dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ nhận được rất nhiều sự quan tâm, góp ý của ĐBQH, đặc biệt là quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, cũng như việc chấp hành quy tắc giao thông, điều kiện của người tham gia giao thông…

Theo Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), Điều 58 dự thảo Luật quy định về điểm trừ và trừ điểm giấy phép lái xe là quy định mới được quy định trong dự thảo Luật. Đây là một biện pháp quản lý nhà nước vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính giáo dục. Người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Làm rõ bản chất của quy định trừ điểm GPLX, dừng xe trước "đèn vàng"- Ảnh 1.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa)

Theo Đại biểu Mai Văn Hải, giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Qua đó đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp.

Đồng thời, các quy định về điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe cũng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ứng dụng, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cần xem xét, đánh giá để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Về về bản chất, đây cũng là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó, Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại cho rằng, dự thảo Luật quy định người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe. Quy định này có hai vấn đề cần quan tâm làm rõ và bổ sung thêm. Đó là cần làm rõ đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính.

"Tôi cho rằng đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu như vậy thì cần bổ sung vào Dự thảo Luật theo hướng người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính vừa phải bị trừ điểm giấy phép lái xe", ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu ý kiến.

Cũng theo ông Tám, đối với trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, theo quy định tại dự thảo Luật thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ điểm. Vậy trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì giấy phép lái xe này có còn hiệu lực hay không? Đại biểu đề nghị cần quy định rõ theo hướng nếu bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe đó hết hiệu lực và khi được phục hồi đủ 2 điểm thì sẽ có hiệu lực trở lại.

Làm rõ bản chất của quy định trừ điểm GPLX, dừng xe trước "đèn vàng"- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre)

Còn theo Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre), việc trừ điểm giấy phép lái xe, tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như hiện nay mang tính nhân văn. Đại biểu thống nhất với quy định này vì nó vừa mang tính nhân văn đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 58 có quy định: trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

"Việc này nên giao cho Bộ Giao thông vận tải vì theo khoản 8 điều 60, khoản 7 điều 61 của dự thảo Luật thì Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp Giấy phép lái xe", bà Yến Nhi đề nghị.

Cùng quan điểm, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) đề nghị cần quy định chặt chẽ và có tính răn đe cao hơn đối với những người vi phạm liên tục cùng một lỗi, tránh trường hợp giấy phép lái xe đã bị trừ hết điểm và kiểm tra lại được tham gia giao thông. Do đó, tại khoản 3 Điều 5, đại biểu đề nghị quy định thêm tình tiết tăng nặng, vi phạm 2 năm liên tục có thể tạm thời tước giấy phép.

Làm rõ bản chất của quy định trừ điểm GPLX, dừng xe trước "đèn vàng"- Ảnh 3.

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh)

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, hệ thống điểm phạt đã được quốc tế áp dụng cách đây 50 năm, Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật là biện pháp quản lý Nhà nước, vừa có tính giáo dục răn đe, giúp cho lái xe chú ý hơn, cẩn thận hơn, chấp hành tốt hơn. Ngoài ra, giúp cơ quan Nhà nước quản lý được người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó vừa nâng cao quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, vừa nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh, điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là quy định mới và lần đầu tiên được đề xuất trong dự thảo Luật. Để đảm bảo khi Luật thông qua được triển khai có hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm và trừ bao nhiêu điểm cụ thể đối với từng lỗi vi phạm. Về thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm phải đảm bảo đơn giản, phù hợp, tránh thiệt hại cho người dân theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống dữ liệu.

Tín hiệu đèn giao thông phải hiển thị thời gian

Làm rõ bản chất của quy định trừ điểm GPLX, dừng xe trước "đèn vàng"- Ảnh 4.

Đèn giao thông hiển thị thời gian

Theo Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), tại điểm b, Khoản 4, Điều 12 (về chấp hành báo hiệu đường bộ) quy định: Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng. Đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp khi đèn tín hiệu giao thông không hiển thị thời gian mà xe đã đi vào vạch dừng, đèn vàng mới xuất hiện, hoặc trường hợp không có tín hiệu màu vàng và đèn tín hiệu không hiển thị thời gian mà xe đã đi vào vạch dừng. Các trường hợp này lái xe nên xử lý như thế nào? Đề nghị phải có quy định cụ thể đối với các trường hợp trên.

Làm rõ bản chất của quy định trừ điểm GPLX, dừng xe trước "đèn vàng"- Ảnh 5.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông)

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho biết, nội dung tại khoản 4 Điều 12 dự thảo Luật quy định về tín hiệu đèn giao thông cơ bản kế thừa Luật Giao thông đường bộ và quy định khá chi tiết việc buộc người tham gia giao thông phải chấp hành khi tín hiệu hiển thị màu vàng, màu xanh và màu đỏ.

Tuy nhiên, để tạo sự chủ động trong quan sát và điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông, đại biểu đề nghị cần quy định bắt buộc trong thiết kế phải hiển thị thời gian tương ứng với các màu của tín hiệu đèn giao thông (không quy định như dự thảo là có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian).

Theo đại biểu, việc hiển thị thời gian lùi giúp đa số người dân kiểm soát được tốc độ, chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn (loại trừ một số trường hợp lợi dụng phóng nhanh, vượt đèn đỏ dễ dẫn đến tai nạn giao thông thì sẽ bị xử phạt theo quy định); đồng thời, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong lắp đặt tín hiệu đèn giao thông trong cả nước.

Cũng quan tâm đến quy định đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự thống nhất với Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo – Tín hiệu đường bộ (Công ước Viên) mà Việt Nam là thành viên và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.

Theo đại biểu, cả hai văn bản này và Luật Giao thông đường bộ 2008 đều xác định trường hợp đèn tín hiệu vàng bật khi người tham gia giao thông đã bị quá vạch dừng thì được đi tiếp. Điều này phù hợp với thực tế và không gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Do vậy, đề nghị đối với quy định về đèn tín hiệu màu vàng, dự thảo Luật cần giữ nguyên như quy định của Luật Giao thông đường bộ 2018, theo đó đèn tín hiệu vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch thì được đi tiếp. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa thống nhất với thông lệ quốc tế, vừa khoa học và thực tiễn đúng với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.

Làm rõ bản chất của quy định trừ điểm GPLX, dừng xe trước "đèn vàng"- Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định)

Theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) tại điểm b, khoản 4 Điều 12 về chấp hành báo hiệu đường bộ, tín hiệu đèn màu vàng quy định người tham gia giao thông phải chấp hành như sau: khi có tín hiệu đèn màu vàng phải dừng trước vạch dừng lại; khi người tham gia giao thông đến đường giao nhau có bố trí đèn tín hiệu xảy ra các tình huống:

Một là, đối với đèn có hiển thị thời gian, người điều khiển phương tiện giao thông biết được còn đủ thời gian đèn xanh để đi qua hay không và theo quy định phải giảm tốc độ thì đối với tình huống này, người điều khiển phương tiện hoàn toàn chủ động quyết định dừng lại trước vạch dừng khi đèn vàng bật sáng. Thỏa mãn yêu cầu của Luật.

Hai là, đối với đèn không hiển thị thời gian, xe đã giảm tốc độ đi gần đến vạch dừng, người điều khiển phương tiện cũng đủ thời gian dừng lại trước vạch dừng khi đèn vàng bật sáng và cũng thỏa mãn yêu cầu của Luật.

Ba là, xe đã giảm tốc độ vừa chớm qua vạch dừng thì đèn vàng bật sáng, lúc này người điều khiển phương tiện giao thông sẽ rất khó xử lý. Vì luật quy định không được đi tiếp, cũng không lùi được theo quy định tại Điều 17.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, tình huống thứ ba người điều khiển không có lỗi vì mặc dù đã giảm tốc độ lúc đèn xanh nhưng họ không thể biết được lúc nào đèn vàng sẽ bật sáng. Vì thế, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giải quyết các tình huống giao thông như trên.

Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về giờ nghỉ tối thiểu của người lái xe

Quan tâm đến quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết, dự thảo Luật đang quy định thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ.

Theo đại biểu, với quy định này, chúng ta đã quy định được đối với người lái xe ô tô kinh doanh vận tải. "Tuy nhiên còn một số đối tượng khác như lái xe cá nhân và lái xe gia đình hiện nay thì quy định như thế nào, bởi có nhiều hộ gia đình có xe ô tô riêng?", đại biểu Hạ nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, ở một số quốc gia trên thế giới có quy định cả về giờ nghỉ tối thiểu sau thời gian liên tục lái xe. Ở Nhật Bản đang quy định giờ nghỉ tối thiểu là 30 phút, ở Malaysia là 30 phút và các nước EU là 45 phút. Do vậy, dự thảo Luật nên cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm quy định về giờ nghỉ tối thiểu vào trong dự thảo Luật.


Ý kiến của bạn

Bình luận