Làm rõ chi phí phát sinh, nguồn vốn khi gia hạn dự án Cát Linh – Hà Đông

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/09/2022 11:14

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được đề xuất gia hạn đến 6/11/2023. Theo Bộ Tài chính, cần làm rõ vấn đề chi phí phát sinh, nguồn vốn khi gia hạn dự án.

Bộ Tài chính nêu vấn đề chi phí, nguồn vốn khi gia hạn dự án Cát Linh – Hà Đông - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào chở khách từ 6/11/2021 và kết thúc bảo hành vào 6/11/2023

Trong văn bản của Bộ Tài chính vừa gửi Bộ GTVT góp ý về đề xuất gia hạn dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), Bộ Tài chính cho biết, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện nhiều lần, lần gần đấy nhất là gia hạn đến 31/3/2021.

Mặc dù dự án đã bàn giao cho UBND TP.Hà Nội tiếp nhận, đưa vào khai thác nhưng vẫn còn một số công việc Tổng thầu EPC phải tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng đã ký như: mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, phương tiện chuyên ngành khu Depot, hoàn thiện các hồ sơ hoàn công còn lại, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục thông tin, tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác và thực hiện công tác bảo hành công trình… Đồng thời, chưa dự kiến thời gian để thực hiện công tác bàn giao tài sản, thanh, quyết toán dự án theo quy định.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, tính toán kỹ tiến độ thực hiện các công việc còn lại, bao gồm cả việc bàn giao tài sản, thanh quyết toán dự án theo quy định, báo cáo rõ các khoản chi phí phát sinh do kéo dài thời gian thực hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án phù hợp.

Về khả năng bố trí nguồn vốn thực hiện dự án trong thời gian gia hạn, theo Bộ Tài chính, hạn rút vốn cuối cùng tại Hiệp định vay vốn nước ngoài của dự án sẽ kết thúc vào ngày 27/12/2022. Sau ngày này, dự án sẽ không được thanh toán từ nguồn vốn nước ngoài. Mọi chi phí của dự án sẽ chỉ được thực hiện từ nguồn vốn trong nước.

Cũng vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ tác động khả năng tăng/điều chỉnh vốn khi gia hạn thời gian thực hiện dự án, thẩm định kỹ khả năng bố trí vốn (trong nước, ngoài nước), đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn hàng năm của ngân sách Trung ương để dự án hoàn thành đúng thời gian gia hạn.

Về phía Bộ Kế hoạch và đầu tư, văn bản góp ý của cơ quan này cũng đề nghị rà soát việc gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án; xác định cụ thể các công việc còn lại cần triển khai và dự kiến thời gian hoàn thành… Đảm bảo việc gia hạn không ảnh hưởng đến nội dung, thời hạn giải ngân của các hiệp định vay. Đề nghị lấy ý kiến của nhà tài trợ về vấn đề trên.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Hiệp định khung của dự án được ký kết ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, Bộ GTVT phê duyệt dự án vào tháng 10/2008. 

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, được ký kết vào tháng 8/2010 do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện (đơn vị được chỉ định thầu trong hiệp định).

Ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được bàn giao cho Hà Nội và chính thức được đưa vào khai thác, vận hành. Theo hợp đồng, tổng thầu có trách nhiệm bảo hành dự án trong 2 năm (đến 6/11/2023).

Hiện tổng thầu còn một số công việc cần triển khai tiếp nên Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian hoàn thành dự án vào 6/11/2023.

Thực hiện ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng, Tài chính và UBND TP. Hà Nội lấy ý kiến về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. 

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư), tổng thầu EPC có trách nhiệm bảo hành dự án trong 2 năm kể từ ngày đưa vào khai thác vận hành, từ 6/11/2021-6/11/2023. Trong thời gian này, các linh kiện, vật tư thay thế (nếu có) thuộc trách nhiệm của tổng thầu; còn linh kiện, vật tư dự phòng được mua sắm theo hợp đồng chỉ đưa vào sử dụng sau ngày 6/11/2023. "Vì vậy, việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án không gây phát sinh chi phí dự án", lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.

Ý kiến của bạn

Bình luận