Theo ScienceABC, tìm kiếm địa điểm sẽ không quá khó khăn nếu bạn truy cập vào bản đồ của khu vực, nhưng chúng ta vẫn không thể biết về điều kiện giao thông mà không cần đến sự giúp đỡ. Google Traffic sẽ cho bạn biết chính xác, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi chúng đã làm điều đó như thế nào?
Câu trả lời ngắn: Google dựa vào dữ liệu từ các cảm biến giao thông nhưng hiện tại sẽ sử dụng đóng góp từ cộng đồng khi họ bật vị trí địa lý trên ứng dụng Google Maps.
Google có một tính năng đặc biệt với tên gọi Google Traffic trong ứng dụng Google Maps giúp hiển thị chính xác điều kiện giao thông thời gian thực trên các đường phố ở các vị trí địa lý cụ thể.
Cách thức Google Maps biết về tình hình giao thông hiện tại
Cho đến năm 2009, Google thu thập dữ liệu từ các cảm biến giao thông và camera do các cơ quan giao thông vận tải chính phủ, các công ty tư nhân lắp đặt trên đường. Các thiết bị này sử dụng rađa laser hoặc công nghệ hồng ngoại có thể phát hiện giao thông bằng cách quan sát tốc độ và kích thước của xe. Thông tin này sau đó được chuyển đến máy chủ và đều đặn cập nhật tình trạng giao thông. Google cũng thu được dữ liệu từ các nguồn này và nhúng vào trong ứng dụng Maps nhằm thông báo cho người sử dụng về tình hình giao thông.
Thật không may, có một số nhược điểm của kỹ thuật này. Thứ nhất, các cảm biến chỉ được lắp đặt trên các con đường quan trọng. Hơn nữa, khi sử dụng cảm biến, bạn sẽ không nhận được cập nhật về tình hình giao thông ngay lập tức trên điện thoại thông minh hoặc các thiết bị cầm tay khác.
Đóng góp từ cộng đồng
Vào năm 2009, Google đã chuyển sang sử dụng cộng đồng, một phương pháp tin cậy, nhanh hơn và phức tạp hơn để thu thập dữ liệu giao thông thời gian thực. Dưới đây là một minh họa đơn giản cho quá trình này.
Một số lượng lớn người dùng nặc danh cung cấp dữ liệu cho một máy chủ, sau đó máy chủ sẽ tiến hành phân tích và gửi các thông tin phản hồi hữu ích trở lại cho những người đóng góp.
Sự đóng góp từ cộng đồng giúp Google thu thập dữ liệu giao thông như thế nào?
Đóng góp từ cộng đồng là một mô hình thú vị để thu thập thông tin. Giả sử bạn muốn cung cấp thông tin cập nhật thời gian thực về điều kiện giao thông cho người dùng, trước tiên, bạn phát triển một ứng dụng hướng dẫn tìm đường đi, tức là một chương trình GPS. Để người sử dụng thông tin về điều kiện giao thông hiện tại, họ sẽ phải chia sẻ vị trí địa lý của mình với ứng dụng. Những người muốn cập nhật về tình trạng giao thông cũng sẽ thực hiện các thao tác tương tự.
Bằng cách này, bạn đóng vai trò như là nhà phát triển ứng dụng sẽ nhận được vô số thông tin về vị trí địa lý cụ thể, bao gồm cả số lượng người dùng hoạt động trong khu vực, tốc độ của xe khác nhau nơi ứng dụng hiện đang sử dụng (thông qua vệ tinh GPS), mật độ xe và một số dữ liệu khác. Sử dụng tất cả các thông tin này, bạn sẽ cung cấp cập nhật giao thông thời gian thực cho tất cả người dùng của ứng dụng bằng việc thu thập thông tin từ họ. Đây là cách cộng đồng đóng góp, bạn lấy thông tin từ người dùng của ứng dụng, tạo ra một bảng tổng hợp dữ liệu, thực hiện một số phân tích nhanh chóng và sau đó truyền tải các thông tin phản hồi trở lại cho người dùng.
Đây chính là cách Google cung cấp thông tin về điều kiện giao thông trong khu vực chính xác. Khi bạn chuyển đổi vị trí trên Google Maps, bạn sẽ tự động gửi dữ liệu vị trí của mình tới các máy chủ của Google.
Khi Google nhận thấy có xe di chuyển chậm hoặc rất chậm trong một khu vực cụ thể, nó hiển thị điều này với một đường màu vàng trên ứng dụng Maps. Tương tự như vậy, nếu có tắc nghẽn, ứng dụng Maps sẽ hiển thị một đường màu đỏ.
Bạn luôn có thể chọn ra khỏi hệ thống bằng cách không chia sẻ vị trí của mình với Google để bảo đảm sự riêng tư, nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ không thể biết được có kẹt xe ở con đường phía trước.
Điều quan trọng cần lưu ý là Google tuyên bố việc chia sẻ vị trí điện thoại hoàn toàn vô danh, do đó Google không biết nguồn gốc chính xác của các thông tin gửi đến. Điều này cực kỳ quan trọng, vì nó sẽ dẫn đến một hệ sinh thái an toàn và đáng tin cậy, nơi người dùng có thể chia sẻ thông tin vì lợi ích tập thể mà không ảnh hưởng sự riêng tư của mình.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.